Một năm trước, cô hầu bàn 27 tuổi đến từ khu phố nghèo New York chưa bao giờ nghĩ rằng cô sẽ là một trong những ứng cử viên sáng giá nhất của Đảng Dân chủ mặc dù Ocasio-Cortez tự xưng mình là một người theo chủ nghĩa xã hội dân chủ.
Nhưng mọi chuyện đã thay đổi sau đêm 26/6, Alexandria Ocasio-Cortez, 28 tuổi, đã đánh bại ứng cử viên kỳ cựu, Joe Crowley trong cuộc bầu cử sơ bộ Đảng Dân chủ (Democratic party primary) với 57.5% phiếu.
Với đối thủ đảng Cộng hòa, Anthony Pappas, gần như là không tổ chức hoạt động tranh cử, Ocasio-Cortez rất có khả năng trở thành người phụ nữ trẻ tuổi nhất được bầu vào Quốc hội trong lịch sử Hoa Kỳ trong cuộc bầu cử tháng 11/2018.
“Đây là một chiến thắng lịch sử“, dòng chữ chạy khắp bản tin truyền hình và trang báo Hoa Kỳ ngày 27/6 với khuôn mặt tươi cười rạng rỡ của Ocasio-Cortez.
Quả thực đó là một chiến thắng lịch sử, cho thế hệ trẻ, cho cộng đồng da màu, cho giới dân chủ cấp tiến.
Và đặc biệt là cho phong trào chủ nghĩa xã hội dân chủ.
Ocasio-Cortez là một trong số ít chính trị gia tự nhận mình là một người theo chủ nghĩa xã hội dân chủ. Và là một trong số rất ít thành công.
Alexandria Ocasio-Cortez là ai?
Sinh ra ở Bronx, New York có cha là kiến trúc sư và mẹ là người gốc Puerto Rico, Ocasio-Cortez không xuất thân từ một gia đình quyền quý, giàu có và quyền lực.
Tuy vậy, Ocasio-Cortez là một học sinh xuất sắc, tốt nghiệp với vị trí thứ tư trong toàn khóa tại đại học Boston với hai bằng cử nhân về Kinh tế và Quan hệ Đối ngoại. Cô cũng từng là một thực tập viên tại văn phòng nhập cư của Thượng nghị sĩ Ted Kennedy.
Khi cha Ocasio-Cortez mất vì căn bệnh ung thư phổi khi cô 19 tuổi, Ocasio-Cortez phải làm nhiều công việc bán thời gian để phụ giúp gia đình như làm người pha chế rượu và làm hầu bàn trong một nhà hàng, trong khi mẹ cô làm công việc lau dọn thuê và lái xe buýt.
Ocasio-Cortez sau đó mở một hãng xuất bản sách cho trẻ em thành công, và dần đạt được nhiều vị trí quan trọng về giáo dục tại địa phương.
Năm 2016, cô làm việc với tư cách là một người tổ chức chiến dịch cho ứng cử viên Bernie Sanders trong cuộc tranh cử tổng thống.
Sau khi cuộc bầu cử kết thúc, Ocasio-Cortez lái xe đi khắp nước Mỹ, đến bang North Dakota và tận mắt chứng kiến cuộc khủng hoảng ô nhiễm nước ở Flint, Michigan, và quyết định tranh cử.
Trong video tranh cử của mình, Ocasio-Cortez nói: “Phụ nữ như tôi đáng lẽ không thể tranh cử“. Đó là một thực tế trong chính trường Hoa Kỳ, khi có quá ít chính trị gia trẻ tuổi, da màu và là một phụ nữ xuất thân từ tầng lớp lao động.
Hơn nữa, Ocasio-Cortez lại tự xưng mình là một người theo chủ nghĩa xã hội dân chủ (democratic socialist).
Chủ nghĩa xã hội dân chủ là gì?
Sau khi Ocasio-Cortez giành chiến thắng hôm 26/7, từ “socialism” (chủ nghĩa xã hội) trở thành từ được tìm kiếm nhiều nhất trên trang mạng tự điển Merriam-Webster, với lượt tìm kiếm tăng 1500%.
Chủ nghĩa xã hội vẫn còn khá mới mẻ ở Hoa Kỳ, nhưng có thể nói chiến thắng của Ocasio-Cortez có nhờ một phần lớn vào Bernie Sanders, ứng cử viên tổng thống 2016 của Đảng Dân chủ.
Vị thượng nghị sĩ 74 tuổi bị Hillary Clinton đánh bại trong cuộc bầu cử ứng cử viên Đảng Dân chủ, tuy nhiên ông Sanders nhận được rất nhiều ủng hộ của giới trẻ Mỹ, và cộng đồng ủng hộ phong trào dân chủ cấp tiến.
Cũng như Sanders, Ocasio-Cortez ủng hộ các chính sách như: Bảo hiểm y tế toàn dân (Universal Healthcare), giáo dục miễn phí cho mọi cấp (Tuition-free higher education) và đầu tư vào phát triển nhiên liệu xanh (Green energy).
Tuy nhiên, không ít người Mỹ cánh hữu cho rằng chủ nghĩa xã hội chính là chủ nghĩa cộng sản, trong đó có cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.
Theo BBC