Vào ngày 12/5, tại cuộc họp của Hội đồng quận Nguyên Lãng (Yuen Long), Cảnh sát trưởng Hồng Kông Đặng Bính Cường (Chris Tang) đã tham dự và phát biểu mở màn, ông Hoàng Vĩ Hiền (Zachary Wong) – Chủ tịch Hội đồng quận Nguyên Lãng đã hỏi Đặng Bính Cường có phải là Đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hay không. Đối mặt với câu hỏi ngoài ý muốn, Đặng đáp lại: “Tôi không phải là thành viên của bất kỳ đoàn thể chính trị địa phương hay hải ngoại nào”.
Câu trả lời của Đặng Bính Cường khiến những người có mặt ngạc nhiên, bởi vì khi phải đối mặt với câu hỏi “có” hay “không”, mọi người thường phản xạ theo câu trả lời trực tiếp nhất là “có” hoặc “không”, cách trả lời của Đặng Bính Cường đã khiến mọi người mơ hồ và hoài nghi, cũng rất nhanh dẫn tới một cuộc thảo luận sôi nổi ở trên mạng.
Cư dân mạng bình luận: “Thật ra, chỉ cần trả lời là có hay không là được, nhưng ông ta đã không làm vậy. Ông trả lời ‘không phải Hồng Kông hay hải ngoại’… mà Trung Quốc đại lục thì không phải ‘Hồng Kông’ và cũng không phải là ‘hải ngoại’…”;
“Nhưng là thành viên của đoàn thể chính trị trong nước, thừa nhận trá hình rồi”;
“Không phải là Hồng Kông, cũng không phải là hải ngoại, à, là ĐCSTQ à! Ý là không phải của Hồng Kông, cũng không phải của nước ngoài, vậy thì chắc là của Trung Quốc rồi”;
“Tin chắc rằng thế giới này chỉ có Đảng viên ĐCSTQ không chịu thừa nhận mình là Đảng viên thôi, còn nói mình yêu Đảng yêu nước sao?”.
Đặng Bính Cường được “mạ vàng” tại Trường Đảng Trung ương ĐCSTQ
Sở dĩ việc Đặng Bính Cường có phải là Đảng viên hay không thu hút được sự chú ý có thể là do học vấn và kinh nghiệm của ông trong quá khứ. Đặng Bính Cường đã được đào tạo ở nước ngoài và ở nhiều trường đại học của Đại lục, trong đó hầu hết được đào tạo tại Đại học Công an Nhân dân Trung Quốc, Học viện Cán bộ Phố Đông và Trường Đảng Trung ương ĐCSTQ.
Học viện Cán bộ Phố Đông trực thuộc Ban Tổ chức Trung ương ĐCSTQ, là một trong những cơ sở đào tạo cán bộ công tác chính trị cấp cao của Đảng Cộng sản; Trường Đảng Trung ương ĐCSTQ là một cơ sở quan trọng để đào tạo lãnh đạo nòng cốt của ĐCSTQ. Vì vậy người ta mới nói rằng Đặng Bính Cường đã sớm là Đảng viên của ĐCSTQ.
Sau khi Đặng Bính Cường đảm nhiệm chức Cảnh sát trưởng Hồng Kông, một giảng viên cao cấp của ĐCSTQ của một trường cao đẳng bồi dưỡng đặc công ĐCSTQ từng tiết lộ rằng, nội bộ của họ đều biết Đặng Bính Cường là Đảng viên ĐCSTQ, ông hiện đang là quan chức cấp cao của Hồng Kông được tổ chức giáo dục toàn diện nhất, vì vậy công tác bảo vệ an ninh cho Tập Cận Bình khi ông đến thăm Hồng Kông năm 2017 đã được bàn giao cho Đặng.
Thân phận của Đặng Bính cường có thể ảnh hưởng đến việc hợp tác với cảnh sát quốc tế
Mặt khác, sở dĩ việc Đặng Bính Cường có phải là Đảng viên hay không thu hút sự chú ý là vì sự hợp tác cảnh sát đối ngoại và chia sẻ tình báo của cảnh sát các nước Âu Mỹ sẽ xem xét đến các vấn đề như luật pháp và bối cảnh chính trị. Nếu người phụ trách lực lượng cảnh sát Hồng Kông có bối cảnh là Đảng viên, nó có thể ảnh hưởng đến hợp tác hành chính và tư pháp trong tương lai giữa Hồng Kông và nước ngoài.
Là một Đảng chính trị, ĐCSTQ có sức ảnh hưởng ở khắp mọi nơi trên Hồng Kông, nó kiên trì với mô hình vận hành ngầm của các công ty và đoàn thể, chưa bao giờ tiết lộ danh tính. Sự nhạy cảm với ĐCSTQ cũng trở thành một trong những điểm gây lo lắng sâu sắc trong xã hội Hồng Kông.
Cựu Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lương Chấn Anh (Leung Chun-ying) cũng đã từng bị cựu nghị viên “tóc dài” Lương Quốc Hùng (Leung Kwok-hung) chất vấn: “Ông có phải là Đảng viên ĐCSTQ không?”. Lương Chấn Anh đã không trả lời câu hỏi này.
Nhưng sau đó, có một sự kiện khá hoang đường liên quan đến thân phận Đảng viên ĐCSTQ của Lương Chấn Anh.
Tại một cuộc họp chính thức tuyên bố đứng ra tranh cử Trưởng Đặc khu, Lương Chấn Anh đột nhiên tuyên bố mình không phải là Đảng viên của ĐCSTQ, vừa mới nói xong, tiếng vỗ tay của hàng trăm người trong hội trường như sấm động, kéo dài không thôi
Những tràng pháo tay chứa quá nhiều ẩn ý, là đang cổ vũ cho những lời bộc trực của Lương Chấn Anh? Cảm thấy yên tâm vì ông ta không phải là Đảng viên sao? Cuối cùng đã đưa ra câu trả lời cho những nghi vấn trong thời gian dài của công chúng? Xét thấy phần lớn những người tham gia cuộc họp đều là những nhân vật chính trị và thương nhân thân Trung Quốc, tràng pháo tay này có ẩn ý rất sâu xa.
Cảnh sát leo thang bạo lực, hành hung, vũ nhục phóng viên
Sau khi Đặng Bính Cường nhậm chức, bạo lực cảnh sát ngày càng được công an hóa, vào tối ngày 10/5, cảnh sát Hồng Kông đã chặn và bắt giữ hơn 200 người dân ở Vượng Giác (Mong Kok), phóng viên có mặt tại hiện trường bị cảnh sát hành hung và bị vũ nhục.
Kênh truyền thông mạng “Cupid Producer” lên tiếng biểu thị, vào ngày 10/5, cảnh sát chống bạo động nam đã xông vào và bao vây nhà vệ sinh nữ, nữ nhân viên của tổ chức này đã bị còng tay và áp giải lên xe cảnh sát, đầu cô bị thương, vết máu loang lổ trong nhà vệ sinh.
Một phóng viên ảnh của HK01 đang phỏng vấn thì bị một nhóm cảnh sát chống bạo động bao vây, khi đang định nói về thân phận của mình, anh đã bị cảnh sát xịt nước tiêu, mắt và cơ thể của phóng viên bị trúng nước tiêu rất nhiều, cả người đau đớn và nóng rực, bị cưỡng chế quỳ xuống, cấm phỏng vấn và quay chụp.
Phóng viên tờ “Minh Báo” (Ming Pao) cũng gặp phải cảnh ngộ tương tự, ban biên tập của “Minh Báo” tuyên bố, lên án mạnh mẽ cảnh sát vì đã can thiệp thô bạo cuộc phỏng vấn hợp pháp của hai phóng viên ở Vượng Giác vào ngày 10, đặc biệt là yêu cầu các phóng viên ngồi xổm xuống và ra lệnh cấm quay chụp. Nhấn mạnh rằng, quyền lợi phỏng vấn của nhà báo được pháp luật bảo hộ, cảnh sát phải đưa ra lời giải thích.
Vào ngày 11/5, Hiệp hội Nhà báo Hồng Kông, Hiệp hội Phóng viên ảnh Hồng Kông, Hiệp hội Bình luận viên Độc lập và các hiệp hội truyền thông khác đã tuyên bố thông cáo chung, phản đối lực lượng cảnh sát đã nhiều lần chà đạp lên quyền tự do phỏng vấn.
Tuyên bố chỉ ra cảnh sát đã điên cuồng quấy nhiễu, tập kích người viết báo vào tối ngày 10/5. Chính phủ và cảnh sát đã nhiều lần tuyên bố tôn trọng truyền thông là quyền thứ tư, nhưng trên thực tế lại tìm trăm phương ngàn kế để chèn ép.
Ba hiệp hội truyền thông cho rằng, tự do báo chí của Hồng Kông đang bị đe dọa, họ yêu cầu Cảnh sát trưởng nhanh chóng gặp gỡ với các đại diện công đoàn truyền thông, lập tức ngăn chặn cuộc tấn công không lành mạnh của cảnh sát đối với các phóng viên, tạm thời cách chức và điều tra các nhân viên cảnh sát mất kiểm soát, tránh mắc lỗi thêm một lần nữa.
Trên mạng khởi xướng hoạt động ký tên chỉ định Cảnh sát Hồng Kông là một tổ chức khủng bố
Đối với sự lạm dụng bạo lực của cảnh sát Hồng Kông, gần đây đã có người khởi xướng hoạt động ký tên “Chỉ định Cảnh sát Hồng Kông là một tổ chức khủng bố” trên trang web của Nhà Trắng, Mỹ.
Hoạt động ký tên chỉ ra, kể từ tháng 6/2019, lực lượng Cảnh sát Hồng Kông đã chèn ép người dân Hồng Kông với mục đích chính trị, xâm phạm nhân quyền, tự do, họ lạm dụng quyền lực, vũ lực và vũ khí, tiến hành điều tra bừa bãi và phi pháp, bắt giữ và xâm nhập vào nơi cư trú của người dân. Hành vi dã man của họ phù hợp với định nghĩa khủng bố của Liên Hợp Quốc, yêu cầu phải chỉ định cảnh sát Hồng Kông là một tổ chức khủng bố.
Tính đến ngày 21/5, đơn thỉnh nguyện đã đạt 105.042 chữ ký, vượt qua con số cần thiết để nhận được phản hồi từ nhà Trắng là 100.000.
Minh Huy (Theo Epoch Times)