Dịch ập đến, ngân sách phòng chống dịch của xã Phương Sơn (Bắc Giang) chỉ có hơn 100 triệu đồng, nhưng nhờ tinh thần tương thân tương ái, đồng lòng chống dịch của người dân nơi đây mà cuộc sống những ngày cách ly, phong tỏa trải qua nhẹ nhàng hơn.
Từ ngày dịch bệnh ập đến bất ngờ, cuộc sống của nhiều người dân ở xã Phương Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) rơi vào khó khăn.
Chủ tịch UBND xã, ông Đỗ Bá Cường cho biết, khi đó kinh phí dự phòng chống dịch của xã chỉ có hơn 100 triệu đồng bởi trong đợt dịch trước, gần một nửa ngân sách đã phải dùng tới. Đợt này, xã bị phong tỏa, khoản kinh phí dự phòng còn lại này chắc chắn chẳng thấm tháp vào đâu…
Cũng may, nhờ vào tình yêu thương và tinh thần đoàn kết của toàn xã mà không hộ nào phải thiếu thốn gì.
Trên mạng xã hội, tài khoản của vợ chồng anh Hoàng Lập (ngụ ở thôn Phương Lạn 3, xã Phương Sơn, huyện Lục Nam) đăng tải hình ảnh rau, dưa chuột nhà trồng được để miễn phí cho những người cần đến lấy.
Hưởng ứng hành động đẹp của anh Lập, nhiều hàng xóm cạnh nhà cũng ra vườn cắt rau xếp vào “gian hàng” của anh.
“Tôi nghĩ chợ dừng hoạt động nhiều người sẽ không có rau ăn, nhà mình có thì có thể chia sẻ với bà con”, anh Lập nói. Khi nhiều rau quá thì anh báo cho cán bộ thôn biết để tiếp nhận, phân phát tận nơi cho các hộ đang phải cách ly tại nhà và các hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Trưởng thôn Phương Lạn 3, ông Nguyễn Văn Bình đã cho thành lập đội tiếp nhận nhu yếu phẩm, tiền bạc của bà con trong thôn có tấm lòng ủng hộ công tác phòng, chống dịch. Từ đó ngõ nhà anh Lập trở thành điểm tiếp nhận và phân phối đầu tiên của phong trào ủng hộ nhu yếu phẩm phòng dịch tại xã Phương Sơn. Chỉ trong 1 tuần, cuốn sổ ghi danh sách các hộ gia đình do anh phụ trách ghi chép đã gần về trang cuối.
Cụ Hoàng Thị Quyết, 81 tuổi, nghe được lời phát động ủng hộ phòng chống dịch trên loa cũng cặm cụi đi hái rau, ven vét được 200 nghìn đồng mang ra ủng hộ. Nhìn thấy hành động của cụ, các cán bộ mắt nhòe đi vì xúc động, cảm ơn cụ không ngớt.
“Cụ già rồi, mắt lại lòa, nếu muốn ủng hộ rau, cứ để đấy chúng con hái giúp”. Nghe cán bộ nói vậy, cụ đáp: “Dịch dã, các anh còn phải lo nhiều việc nên bà làm được, cứ để bà làm”. Rồi cứ thế, ngày nắng cũng như ngày mưa, bà lão đội chiếc nón lá hôm nào cũng mang một rổ rau lớn nào là mồng tơi nào là rau cải tới ủng hộ.
Sự đồng lòng của người dân nơi đây cũng chính là động lực để các cán bộ thôn cố gắng hết mình, công việc tuy nhiều vất vả nhưng thấy mọi người đều nỗ lực, các cán bộ lại quên đi mệt nhọc.
Những ngày sau, phong trào quyên góp nhu yếu phẩm, tiền bạc để chống dịch đã lan khắp 10 thôn trong xã Phương Sơn.
Từ đó hội trường UBND xã Phương Sơn cũng đã trở thành điểm nấu cơm phục vụ các chốt kiểm dịch. Đại diện của các thôn đều có mặt, thay nhau chia việc bếp núc, đúng bữa trưa, các món được hoàn thành, xếp gọn vào hộp rồi đưa đến chốt kiểm dịch.
Những ngày thôn mới bị phong tỏa, cán bộ chốt nơi đây bữa nào cũng phải ăn cơm hộp qua loa. Thấy cơm không đủ ngon và dinh dưỡng không đảm bảo như ở nhà, hội Phụ nữ xã Phương Sơn đã thành lập tổ nấu cơm để tặng hơn 100 suất ăn mỗi ngày cho cán bộ trực chốt.
“Chính tiền, rau ủng hộ của bà con và kinh phí của xã đã biến thành những suất ăn đầy đủ dinh dưỡng như vậy”, chị Trương Thị Tình, 50 tuổi, ở thôn Phương Lạn 1 cho biết.
Chị Tình tình nguyện lao ra đường giữa trưa nhiệt độ chạm ngưỡng 40 độ C để đi giao cơm. Nhiều hôm chị mệt lả đi vì nắng nóng, nhưng nghĩ tới những khó khăn cán bộ đang căng mình chống dịch chị lại thấy mình phấn chấn hơn.
Mở hộp cơm có đầy đủ món gồm thịt lợn quay, bí đỏ, chả, rau muống, anh Hoàng Văn Hùng, công an xã Phương Sơn đang trực chốt tấm tắc khen: “Chẳng khác gì cơm nhà”.
Những ngày đầu dịch bùng phát, anh Hùng cùng cả đội đã xác định sẽ chịu cảnh đội nắng, trắng đêm phòng chống dịch. Nhưng không ngờ vừa nhận việc, người dân nơi đây đã đến chia nhà cho anh ở, có đầy đủ tiện nghi không thiếu thứ gì. Những chốt khác, bà con cũng thuê rạp đám cưới, quây bạt làm chỗ nghỉ ngơi miễn phí cho cán bộ. Mỗi bữa, cơm đều được bà con tới trao tận tay, những món ăn được những người phụ nữ của thôn xã thay đổi liên tục, không chỉ đủ chất mà còn rất ngon.
“Chưa bao giờ chúng tôi thấy tình cảm của xóm làng, quê hương lại ấm áp như thế”, anh nói.
Yên Yên (t/h)