Theo các chuyên gia, lợi nhuận giảm sút, điều kiện sống hạn chế, v.v… là một trong những nguyên nhân khiến người dân bán nhà mặt phố để chuyển ra sinh sống ở ngoại thành.
Sở hữu một căn nhà mặt phố với diện tích là 60 m2 ở đường Tô Hiến Thành, quận 10, tp.HCM, ông Lê Văn Kha, chủ căn hộ trên cho biết, gia đình ông đã quyết định bán căn nhà này lấy tiền mua đất xây biệt thự ở ở quận Tân Phú, khu Tân Sơn Nhì, phần còn lại dùng để đầu tư làm ăn.
“Nhà tôi có 5 người, 3 con đều đã lớn cần có không gian riêng tư nên dù phải ra xa hơn nhưng bù lại có chỗ ở rộng rãi. Nhà ở mặt tiền tuy thuận lợi nhiều đường nhưng chật chội quá”, ông Kha chia sẻ.
Có cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Mật cư trú ở huyện Bình Chánh nói, bà sở hữu một căn nhà rộng 80m2 ở đường Lý Thái Tổ, quận 10. Cách đây 2 năm, gia đình bà đã bán căn nhà này lấy tiền mua một ngôi nhà ở khu Thành Long, huyện Bình Chánh, Tp.HCM.
Theo bà Mật, căn nhà mới thoáng mát và rộng hơn nhà cũ, tuy khá xa khu trung tâm nhưng phù hợp với người già và khách ghé thăm. Bà cho biết, mặc dù căn nhà cũ mỗi tháng mang về cho bà 25 triệu từ việc cho thuê nhưng gia đình bà vẫn quyết định chuyển ra ngoại thành vì cảm thấy lợi nhiều hơn hại.
Anh Trần Đoàn Ngọc, một môi giới nhà phố hành nghề được 5 năm tiết lộ: “Thường những gia đình có 2, 3 thế hệ cùng chung sống sẽ có xu hướng muốn bán nhà mặt tiền rồi đổi nhà to hơn ở vùng ven nhằm đáp ứng nhu cầu sống. Ở các thương vụ này, các gia đình đều có một khoản tiền lớn, trung bình từ 7 đến 12 tỷ đồng”.
Ông Phạm Văn Hải, Tổng giám đốc Công ty địa ốc Á Châu (ACBR) phân tích: “Không chỉ phổ biến tại Tp.HCM, xu hướng đổi nhà mặt tiền nội đô ra vùng ven đang xuất hiện rải rác ở nhiều đô thị lớn khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang. Đây có thể xem như là bài toán đầu tư thay thế cho văn hóa kinh doanh nhà mặt tiền quen thuộc”.
Theo chuyên gia này, các gia chủ có nhà mặt tiền ở Sài Gòn sẵn sàng bán khối tài sản này để chuyển ra vùng ven sinh sống xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Do nhu cầu cấp bách về vốn trong giai đoạn khó vay mượn, khó thế chấp bất động sản, nhiều người đã chấp nhận bán nhà thành phố, lùi ra ngoại thành để sinh sống. Cách làm này vừa mua được chỗ ở rộng rãi hơn, vừa có một số vốn dư khá lớn do chênh lệch về giá đất ở vùng ven và ngoại thành.
Thứ hai, ở nội thành hiện đã xuất hiện một số tuyến phố mặt tiền bị suy giảm giá trị thương mại do kẹt xe, ngập nước, đường ngược chiều, vướng quy hoạch, có nhiều xe tải, container đi qua… Lợi nhuận thua sút, điều kiện sống hạn chế, nên nhiều gia chủ đã chọn giải pháp bán đi.
Thứ ba, trước sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của mô hình xây văn phòng cho thuê với nhiều ưu thế do tính chuyên nghiệp, nhà mặt tiền ngày càng tỏ ra yếu thế hơn các cao ốc về quy mô, hình ảnh, an ninh (phòng chống trộm cướp) và không thuận lợi quảng bá thương hiệu, khó khăn tìm chỗ đỗ xe, không có dịch vụ bảo vệ, vệ sinh… Lợi nhuận cũng vì thế sụt giảm theo.
Vì thế, đối với nhóm người có nhu cầu cần vốn lớn, tìm kiếm môi trường và không gian sống tốt hơn thì xu hướng bán nhà mặt phố tậu nhà to, biệt thự vùng ven sẽ tiếp tục tăng lên.
Ông Hải nhận định: “Văn hóa mặt tiền đã cố hữu trong tư tưởng người dân đô thị Việt Nam hàng chục năm qua. Chờ cho đến khi khái niệm này bị triệt tiêu, việc đi lại trong đô thị gặp khó khăn bởi sự gia tăng không ngừng của các phương tiện giao thông thì lúc đó xu hướng dời nhà ra vùng ven sẽ trở nên ‘hot'”.
Theo Vnexpress