Vương Hòa Anh, 47 tuổi, đến từ Giang Tô, Trung Quốc, người mới giành được “Giải thưởng Tưởng niệm Nhân quyền Tào Thuận Lệ năm 2020” từng bị chính quyền địa phương cướp đất và dỡ nhà vào đầu những năm 2000. Sau đó, bà buộc phải xuống đường để bảo vệ quyền lợi của mình.
Trong những năm qua, bà liên tục bị chính quyền bắt và giam trong ngục tối, còn con gái của bà thì buộc phải thôi học. Vài ngày trước Vương Hòa Anh nói với tờ Vision Times rằng, giống như bà, những dân oan Trung Quốc bị chính phủ cướp đất, dỡ nhà từ lâu đã lên tới hàng chục nghìn người.
Vương Hòa Anh cho biết, để ngăn cản việc bà kêu oan bảo vệ quyền lợi của mình, chính quyền đã thuê băng đảng xã hội đen ở địa phương bắt cóc bà phi pháp mỗi khi đến “ngày nhạy cảm”.
“Mỗi lần đều là mấy người đàn ông giữ lấy tôi, đẩy tôi vào chiếc xe đã chuẩn bị từ trước và đưa đi. Điện thoại di động và các vật dụng khác của tôi lập tức bị lấy mất, để tôi không thể liên lạc với thế giới bên ngoài.
Đôi khi họ dùng mũ đen trùm kín đầu tôi hoặc hai bên chiếc xe đều dán giấy báo lên, một vài người che trước mặt tôi, trong số đó còn có người dùng một chiếc ô lớn để che khuất tầm nhìn của tôi”.
Những người khiếu kiện như bà thường bị đưa đến phòng giam tối, hoặc là không có cửa sổ, hoặc tất cả các cửa sổ đều được đóng kín bằng ván gỗ, không thể nhận biết được ngày hay đêm.
Vương Hòa Anh nói rằng bà trước nay chưa hề có bất kỳ phản kháng nào khi ở trong ngục, bởi vì như vậy sẽ giúp bà bớt phải chịu áp bức hơn và tránh khỏi trường hợp xấu là bị đánh đến tàn phế.
Mặc dù như vậy, Vương Hòa Anh vẫn không thoát khỏi bàn tay độc ác của chính quyền. Bà kể: “Vào ngày 24/02/2019, ở Bắc Kinh tôi bị rất nhiều người bắt cóc đến khách sạn Hòa Gia ở Phong Đài, sau đó một nhóm người khác đến tìm cớ để chọc giận rồi động tay động chân, nhưng tôi vẫn không chống cự.
Ít phút sau chúng ra tay đánh tôi tới tàn phế, khiến cho thần kinh tai trái bị điếc, đầu bên trái thường bị đau nhức. Sau khi được thả tự do, tôi đến Bắc Kinh báo án, nhưng đến nay công an Phong Đài vẫn chưa lập hồ sơ chuyên án cũng không thẩm tra xử lý”.
Vương Hòa Anh phân tích rằng, lúc đó bà bị đánh có thể là do nhiều lần quan tâm đến các nhà hoạt động nhân quyền Tô Châu ở trại giam Qua Giác Bình. “Nghe luật sư nói rằng trưởng trại giam và quản giáo của Qua Giác Bình vô cùng bức xúc. Họ nói rằng bởi vì tôi quan tâm và truyền thông tin (về hoạt động nhân quyền Tô Châu) nên trại tạm giam của họ khó được đánh giá là đơn vị tiên tiến”.
Vương Hòa Anh nói rằng, bà đã chứng kiến quá nhiều bất công trong những năm qua, nhiều người dân đi kêu oan cho quyền lợi của mình đã bị bọn cướp (chính quyền cướp đất) đánh chết cũng không phải là chuyện hiếm nữa.
Bà thẳng thừng tuyên bố rằng cơ quan thỉnh nguyện của Trung Quốc là vô dụng, chính miệng của nhân viên Cục thỉnh nguyện Bắc Kinh đã nói với bà rằng họ hoàn toàn không có thẩm quyền giải quyết vấn đề và yêu cầu bà trực tiếp tìm “cấp trên” để phản ánh tình hình.
Chính sách cưỡng chế thu hồi đất đai của ĐCSTQ
Vương Hòa Anh nói với các phóng viên rằng, bà đã bị lao động cải tạo bất hợp pháp trong một năm sau khi tố cáo chính quyền địa phương thu hồi đất trái phép và khấu trừ trợ cấp bất hợp lý.
Bà và con gái luôn sống nương tựa vào nhau, ở thành phố Côn Sơn ngoài em họ ra thì bà không có họ hàng thân thích gì. Trong thời gian bị cải tạo lao động bất hợp pháp, người em họ tốt bụng đã nhận chăm sóc con cho bà, nhưng chính quyền thành phố Côn Sơn liên tục uy hiếp người em họ của bà. Về sau, vì phải chịu áp lực nên cô ấy không dám nhận nuôi đứa trẻ nữa. Khi đó, con gái bà mới 14 tuổi đã buộc phải thôi học.
“Khi tôi bị lao động cải tạo, để cứu tôi, con gái tôi sau khi thôi học đã đến Bắc Kinh để thuê một căn phòng nhỏ dưới tầng hầm kêu oan thay cho tôi! Nhưng con bé đã bị một quan chức chính phủ đe dọa và nói rằng kêu oan cho mẹ sẽ bị đưa đến trại cải tạo lao động vị thành niên, vì thế nó chỉ có thể thỉnh thoảng ra ngoài gửi thư trộm”.
Vương Hòa Anh kể rằng, khi con gái bà sống một mình ở bên ngoài, bữa no bữa đói phải chịu khổ rất nhiều. Cô bé không về nhà cho đến khi bà được thả, lúc đó khắp thân đều là bệnh, tim hoạt động không tốt, thở không ra hơi, bác sĩ nói rằng đó là do lo lắng và sợ hãi dẫn đến. Những năm qua con gái bà luôn phải dựa vào thuốc để điều tiết.
Vương Hòa Anh thở dài nói: “Vài năm trước sau khi được nhận vào làm công chức ở Bắc Kinh, con bé đã bị các quan chức chính quyền Côn Sơn nhiều lần ‘quấy rầy'”. Nếu như không phải là vì đứa trẻ, bà đã không còn dũng khí để sống tiếp rồi.
Mà cũng như bà, từ lâu đã có hàng ngàn người dân Trung Quốc trở thành dân oan vì bị chính quyền cướp đất.
Trương Chân Du, cựu phóng viên của Phoenix Net tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với Vision Times rằng, trước kia Thái Hà, cựu giáo sư của Trường Đảng trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nói với ông trong một cuộc phỏng vấn rằng, việc chính quyền trung ương thâu tóm đất đai thực sự đang hạn chế quyền lực nhất định của địa phương và tước đoạt tài sản. Loại chính sách đất đai này trực tiếp dẫn đến tham nhũng lớn trong nội bộ Đảng Cộng sản, “do đó sẽ thấy rất nhiều vụ cưỡng chế dỡ bỏ”.
Trương Chân Du nhớ lại: “Lúc đó bà ấy (Thái Hà) nói với tôi rằng, nếu ĐCSTQ vẫn mù quáng thực hiện quyền cai trị của mình như thế thì tương lai sẽ gặp phải thảm họa chưa từng có. Đối với bản thân ĐCSTQ mà nói, cuối cùng ai cũng sẽ bị thẩm lý và phán quyết”.
Gia Hưng (Theo NTDTV)