Hàng loạt địa phương xin xây trụ sở hoành tráng, đặc biệt là Trung tâm hành chính – chính trị TP Hải Phòng lên đến 10.000 tỉ đồng khiến người dân bức xúc.
Nhìn vào số tiền các tỉnh, thành xin để xây trụ sở bất cứ người dân nào cũng “xanh mặt”. Cụ thể: Hải Phòng (10.000 tỉ đồng); Khánh Hòa (hơn 3.000 tỉ đồng); Nghệ An (hơn 2.100 tỉ đồng); Hà Tĩnh (khoảng 2.000 tỉ)… Ai cũng biết mức sống của đại bộ phận người dân hiện nay còn thấp, nên việc đổ hết ngàn tỉ này đến ngàn tỉ khác xây trụ sở quả là “chơi sang”.
Toàn là tiền thuế của dân
Nhìn vào số ngàn tỉ trên cứ ngỡ đó là tiền của địa phương có thể tự lo cho việc xây dựng trụ sở của mình, thế nhưng hầu hết các tỉnh, thành trên đều xin ngân sách trung ương hỗ trợ. Chỉ riêng Hải Phòng thôi đã xin đến 6.800 tỉ đồng từ ngân sách. Mà ngân sách, nói cho đúng chính là tiền thuế của người dân.
“Ông bà ta nói rồi, “liệu cơm gắp mắm”. Nếu lãnh đạo các địa phương trên điều hành giỏi, thu ngân sách của địa phương mình cao, có tích lũy, dôi dư thì hãy xây trụ sở. Đằng này toàn xin ngân sách trung ương mà cứ bạo chi thì có nên làm hay không? Xin tiền để chơi sang trong lúc chưa cần thiết là việc đáng xấu hổ chứ chẳng có gì là ‘hoành tráng’, ‘quy mô’ như những gì lãnh đạo các địa phương tuyên bố” – bạn đọc Nguyễn Văn Thành phân tích.
Lấy ví dụ như tỉnh Nghệ An. Tổng chi ngân sách địa phương năm 2014 là hơn 16.000 tỉ đồng. Trong đó ngân sách trung ương bổ sung đã 10.000 tỉ đồng. Thu ngân sách chẳng nuôi nổi mình, vậy mà nằng nặc đòi xây trụ sở hơn 2.000 tỉ đồng thì bảo sao người dân không “nóng mặt”.
Tương tự, Hà Tĩnh năm 2014 cũng nhận bổ sung ngân sách từ trung ương gần 6.700 tỉ đồng. Tỉnh Hải Dương, thu ngân sách năm 2014 được 7.800 tỉ đồng nhưng chi lại lên đến hơn 11.000 tỉ đồng…
Trước những số liệu trên, nhiều bạn đọc ngao ngán: “Làm không đủ ăn mà cứ muốn chơi trội. Có ngồi trong những tòa nhà sang trọng, máy lạnh chạy vù vù, xe công đậu nườm nượp… cũng đâu giải quyết được gì. Trong khi người dân còn thiếu thốn, hằng năm cứ ngửa tay nhận ngân sách trung ương thì xây trụ sở hoàng tráng làm gì”.
Chạy theo phong trào?
Đến bây giờ, khi hàng loạt tỉnh, thành đua nhau xây trụ sở thì có thể kết luận rằng việc này đã trở thành phong trào. Một phong trào tốn tiền của, bất chấp những mục tiêu lớn khác như: xóa hộ nghèo, nâng mức sống của người dân, đầu tư phát triển kinh tế…
Ngay trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, vấn đề ngân sách cạn kiệt đang làm đau đầu bất cứ một nhà hoạch định chính sách nào. Những nguồn chi thì quá lớn trong khi nguồn thu có hạn. Gánh nặng nợ công ngày càng trầm trọng và nay tiếp tục vay nợ để giải quyết. Thế nhưng hình như, lãnh đạo những địa phương trên (đang có mặt ở kỳ họp Quốc hội) xem đó chẳng phải là chuyện của mình. Những trách nhiệm căn bản trong lúc này của một lãnh đạo địa phương là góp phần làm tăng ngân sách quốc gia, giảm chi tiêu, đầu tư phát triển knh tế… vẫn không được xem trọng.
Cứ xem ngân sách là “chùm khế ngọt” thì sẽ đến lúc chẳng có gì để mà hái. Nay tỉnh này đòi xây trụ sở, mai đến tỉnh khác đòi xây hoành tráng hơn. Tỉnh nghèo “rớt mùng tơi”, người dân thiếu đói từng ngày, trẻ em chân trần đến lớp… nhưng cũng tranh thủ xin ngân sách xây trụ sở. Cuộc “đua” xây trụ sở này chẳng biết bao giờ mới chấm dứt. Và càng ngạc nhiên, khi có tỉnh, thành đòi xây trụ sở mới thì hầu như đều được đồng ý. Dư luận lên tiếng, người dân bức xúc, nhưng có vẻ cuộc đua xây trụ sở chẳng chựng lại chút nào. Bởi vậy, khi được hỏi về việc xây trụ sở 10.000 tỉ đồng, ông Phạm Hữu Thư – Chánh Văn phòng UBND TP Hải Phòng – cho biết: “Không phải bàn cãi”.
“Ừ, thì có gì bàn cãi khi mà người dân chỉ biết đóng thuế còn việc quyết định những trụ sở, trung tâm hành chính tốn cả đống tiền thì họ chẳng được tham gia chút ý kiến nào” – bạn đọc Trần Thế Thành nói.
Theo nld.com