Cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ đã phong tỏa nhiều đại lộ chính ở Hồng Kông trong gần 2 tuần qua, và có thể kéo dài thêm nhiều ngày nữa sau khi các cuộc đàm phán nhằm giải quyết bế tắc giữa chính phủ và sinh viên không thành vào Thứ Năm (9/10).
Chính quyền Hương Cảng đã hủy bỏ cuộc đàm phán với đại diện sinh viên, dự kiến diễn ra lúc 3 giờ chiều Thứ Sáu (10/10). Phát biểu trước báo giới, Cục trưởng Hành chính Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) nói rằng đối thoại đã bị các lãnh đạo sinh viên “hủy hoại nghiêm trọng” khi kêu gọi thêm người biểu tình tham gia chiếm đóng khu Trung tâm Hành chính. “Tôi thực sự lấy làm tiếc khi không thể tổ chức cuộc đàm phán vào ngày mai để tìm ra một giải pháp mang tính xây dựng”, Cục trưởng Carrie Lam nói.
Trước khi có quyết định hủy gặp song phương, hai bên đều giữ những lập trường khác nhau rõ ràng trong vấn đề chọn lựa lãnh đạo đặc khu hành chính từng là thuộc địa của Anh này.
Lãnh đạo sinh viên kiên quyết không rút lui khỏi các đường phố bị chiếm đóng ngay cả khi số lượng người biểu tình ở hai quận mua sắm sầm uất đã bớt nhiều trong tuần này.
Rất nhiều người biểu tình đã chiếm loạt đại lộ dẫn tới các khu trung tâm thành phố từ hôm 28/9. Cảnh sát Hồng Kông đã thất bại khi sử dụng lựu đạn và bình xịt hơi cay trong nỗ lực nhằm giải tán hàng chục nghìn người biểu tình ôn hòa đứng trước khu văn phòng chính phủ.
Người biểu tình yêu cầu chính quyền đặc khu được Trung Quốc hứa áp dụng cơ chế ‘một đất nước hai chế độ’ từ bỏ việc chọn lựa ứng cử viên cho cuộc bầu cử (sẽ diễn ra vào năm 2017) do Bắc Kinh chỉ đạo.
Đồng thời, họ cũng kêu gọi ông Lương Chấn Anh, người được Bắc Kinh tiến cử, phải từ chức. Chính quyền đặc khu tuyên bố không thể đáp ứng các yêu cầu trên vì cho rằng cần phải tuân thủ những quy tắc do Bắc Kinh đưa ra đối với cuộc bầu cử năm 2017.
Ngoài ra, ông Lương cũng liên tục lên án hành động chiếm đóng các giao lộ là bất hợp pháp và yêu cầu sinh viên rời khỏi những khu vực này để trả lại sự yên bình cho thành phố. Các quan chức sau đó đồng ý đàm phán với nhóm biểu tình vào ngày 10/10, với định hướng tập trung vào tính hiến pháp.
Điều này khiến các lãnh đạo sinh viên bất mãn, họ cho rằng chính quyền sử dụng các cuộc đàm phán như một chiến thuật để trì hoãn và né tránh những yêu cầu trên.
Lĩnh Anh (Alex Chow), chủ tịch Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông (HKFS), một trong ba nhóm điều phối các cuộc biểu tình, cho biết họ đã yêu cầu chính quyền đối thoại kể từ khi diễn ra tuần bãi khóa vào ngày 22/9. “Trong những ngày qua, chúng tôi đã ‘đổ mồ hôi, sôi nước mắt’ khi đối diện với hơi cay từ cảnh sát, một số thành viên còn bị bắt và có thể bị bỏ tù trong tương lai. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn sẵn lòng cho các cuộc đàm phán với chính phủ vào bất cứ lúc nào. Nhưng họ không chân thành và vô trách nhiệm khi đối diện với mong muốn của người dân Hồng Kông”, Lĩnh Anh chia sẻ.
Các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ cho tới nay chưa đóng góp mấy vào chiến dịch ‘bất tuân dân sự’. Họ cho biết sẽ tham gia ngăn chặn tất cả yêu cầu cấp vốn của chính phủ về mặt pháp lý trừ khi cấp bách.
Các lãnh đạo sinh viên kêu gọi cuộc biểu tình hôm Thứ Sáu (10/10), tăng gấp đôi lực lượng đồng thời chiếm đóng nơi tự gọi là “Quảng trường Ô”, đoạn đường cao tốc bên ngoài trụ sở chính quyền. ‘Những chiếc Ô’ đã trở thành biểu tượng cho phong trào biểu tình ôn hòa khi cảnh sát dùng lựu đạn và bình xịt hơi cay để giải tán họ.
Các cuộc biểu tình đã làm lung lay chính quyền của ông Lương, Trưởng đặc khu Hành chính Hồng Kông, người đang đối mặt với một bê bối liên quan đến vụ thanh toán bí mật trước đó với công ty khai khoáng của Úc. Thỏa thuận này có trị giá 4 triệu bảng (tương đương 6,4 triệu USD).
Vụ dàn xếp diễn ra vào tháng 12/2011, vài tháng trước khi ông Lương trúng cử vị trí lãnh đạo đặc khu và 1 tuần sau khi ông tuyên bố tranh cử. Cả văn phòng của ông Lương và công ty UGL cho biết đó là một hợp đồng được bảo mật. Cơ quan giám sát chống tham nhũng của thành phố đã nhận được đơn thưa kiện liên quan đến vụ việc vào Thứ Năm (9/10). Bộ Tư pháp của Hồng Kông cho biết, các nhà chức trách sẽ điều tra vụ việc này.
Quyết định hủy đàm phán của chính quyền đặc khu công bố hôm Thứ Năm (9/10) được chào đón bởi những lời chế nhạo của vài trăm nhà hoạt động yêu cầu dân chủ đang tiếp tục chiếm đóng khu vực biểu tình tại Bộ Hải Quân. “Hai ngày trước, chính quyền muốn nói chuyện, nhưng bây giờ họ lại trở mặt. Điều này chẳng có nghĩa lý gì (đối với chúng tôi)”, một giáo vụ đại học là cô Candice Heung nói. Cô Heung thường xuyên tham gia cuộc biểu tình sau giờ hành chính. Chính quyền về bản chất không có thiện ý đàm phán với sinh viên mà chỉ muốn kéo dài cuộc đối đầu. “Họ không hề muốn đàm phán”, cô nhận xét.
Thiên Hà, Công Lý – Theo Reuters