Cây cầu mới đi vào hoạt động được hơn 3 năm nhưng đã bị hư hỏng, phải phá bỏ. Khi phóng viên yêu cầu tiếp cận hồ sơ, chủ đầu tư cho biết hồ sơ đã bị thất lạc. Nhà chức trách cũng không nhớ rõ vốn đầu tư công trình là bao nhiêu, chỉ nói đại khái “vài trăm triệu”, theo Dân trí.
Sau khi sự việc giáo viên Trường Tiểu học- THCS Nguyễn Khuyến (thôn Năm Tầng, xã Đắk R’la, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) suýt chết vì vượt suối để đến trường được biết đến rộng rãi, PV báo Dân trí đã đi tìm hiểu sâu hơn về nguyên nhân việc này.
Theo tìm hiểu được biết, vốn dĩ trước đây có một cây cầu bắc qua suối Đắk Te là con đường độc đạo để gần 2000 người dân thôn Năm Tầng đi ra trung tâm xã. Tuy nhiên, do cống nước dưới chân cầu bị hư hỏng nặng nên cây cầu bị phá đi để xây dựng mới. Do đó, từ tháng 7/2020, người dân đã phải bắc một cây cầu tạm để đi qua.
Đến tháng 9/2020, nước lũ đổ về mạnh nên cuốn trôi chiếc cầu tạm. Một thầy giáo vì không muốn trễ giờ lên lớp nên bất chấp được đồng nghiệp can ngăn đã cố vượt dòng nước để đến trường. Do sự việc này được quay lại và đăng tải trên mạng xã hội nên được dư luận chú ý.
Về cây cầu trước khi bị phá bỏ, theo lời kể của ông Lầu Văn Dịnh, Trưởng thôn Năm Tầng cho biết, cầu qua suối Ðắk Te đã được làm khoảng 4 năm nay, nhưng do thiết kế cầu thấp, được lắp vài ống cống nhỏ lại nằm giữa vùng trũng hai bên đồi.
Mỗi khi nước suối dâng lên lượng nước lại đổ về không kịp thoát đã gây ngập cầu, chân cầu bị xói mòn, sạt lở dẫn đến cầu bị xuống cấp nghiêm trọng. Xã cũng đã cho sửa chữa vài lần, nhưng chỉ cầm chừng được ít thời gian là cầu tiếp tục hư hỏng.
Khi PV liên hệ với lãnh đạo Ban quản lý các dự án huyện Đắk Mil- chủ đầu tư của công trình thì được biết, công trình được xây dựng và bàn giao năm 2017. Tổng vốn đầu tư “chỉ vài trăm triệu nhưng không nhớ chính xác là bao nhiêu”. Ngoài ra còn cho biết thêm, thời điểm xảy ra sự việc thì cũng đã hết hạn bảo hành.
Khi đề nghị được tiếp cận hồ sơ dự án, vị lãnh đạo này nói: “Năm trước có đoàn kiểm toán về kiểm tra nên hiện tại hồ sơ của đầu tư công trình trên đang bị thất lạc, anh em trong ban vẫn chưa tìm thấy”.
Trùng hợp ở chỗ, ngay cả đơn vị thi công là Công ty TNHH Xây dựng An Vũ cũng không nhớ rõ là cây cầu được đầu tư bao nhiêu tiền. Lý giải về việc công trình liên tiếp gặp sự cố hư hỏng từ khi bàn giao đến khi bị phá bỏ trong thời ngắn, đại diện Công ty TNHH Xây dựng An Vũ cho rằng: “Do cây cối nhét vào chỗ cái cống đó, nguyên cả bụi tre, bụi hóp nhét vào thì sao mà nó không hư hỏng được”.
Trong khi đó, theo một người dân địa phương, khu vực trên liên tục xảy ra sự cố hư hỏng từ ngày công trình đi vào sử dụng.
Từ Thức (t/h)