Mới đây, chính phủ Hoa Kỳ đã ra lệnh đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston. Lãnh sự quán Houston bị cáo buộc đã trở thành một cơ quan gián điệp và đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ. Một số học giả ở nước ngoài tiết lộ rằng, Đại sứ quán Trung Quốc ở nước ngoài đã trở thành cơ quan gián điệp trên khắp thế giới và Giang Trạch Dân chính là người khởi xướng việc này.
Thẩm Vinh Khâm, phó giáo sư tại Đại học York ở Canada, gần đây đã tiết lộ rằng, trong cuốn sách “Điệp viên Trung Quốc” (Chinese Spies) của Roger Faligot, nhà báo người Pháp có đề cập đến quá trình các Đại sứ quán Trung Quốc ở nước ngoài trở thành các cơ quan gián điệp trên khắp thế giới, tình tiết còn ly kỳ hơn so với các Lãnh sự quán Trung Quốc ở Hoa Kỳ hiện nay.
Bài báo trích dẫn nội dung cuốn “Điệp viên Trung Quốc” nói rằng, vào năm 1999, thi thể của một phụ nữ Đức tóc vàng được tìm thấy tại nhà riêng ở Munich. Cô là sinh viên khoa Nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Ludwig-Maximilian. Tên cô là Violetta Zhang. Họ của cô như vậy là do chồng cũ của cô là người Trung Quốc.
Mặc dù các phương tiện truyền thông đưa tin rằng cô đã tự tử bằng cách cắt vào cổ tay của mình, nhưng các cơ quan khác nhau báo cáo thời gian tự tử không giống nhau, và cũng không có vết máu nào tại hiện trường. Các báo cáo pháp y mà Faligot đọc được cũng không đề cập đến việc cắt vào cổ tay.
Một chi tiết quan trọng khác là trước khi Violette chết một năm, thi thể của Qiu Guanghui đã được tìm thấy ở Bắc Kinh. Qiu là Cục trưởng Cục 8 của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc và phụ trách Viện Quan hệ Quốc tế Hiện đại Trung Quốc (CICIR).
Điều kỳ lạ là ở trên Wikipedia, trong số các giám đốc trước đây của CICIR, chỉ có tên của Qiu biến mất. Do đó, ngoại giới không thể biết tên tiếng Trung của anh là gì.
Được biết, trong số 2500 viện chính sách của Trung Quốc, CICIR chắc chắn là một trong những viện chính sách nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất. CICIR được tuyên truyền là một tổ chức học thuật thuần túy, chuyên về quan hệ quốc tế, chính trị, chống khủng bố, tình báo và tình hình cách mạng của nhiều quốc gia, nhưng trên thực tế, CICIR thuộc Bộ An ninh Quốc gia, và giống như Học viện Xã hội Giang Nam ở Tô Châu, đây là một cơ quan tình báo học thuật tiên tiến của Bộ An ninh Quốc gia, chịu trách nhiệm đào tạo nhân viên tình báo.
Thẩm Vinh Khâm trích dẫn nội dung của “Điệp viên Trung Quốc” chỉ ra rằng, không có nhiều thông tin liên quan đến CICIR trên Baidu, và những thông tin đó cũng không chính xác. Ví dụ, về thời điểm CICIR được thành lập, ban đầu tổ chức này được Chu Ân Lai chỉ thị thành lập vào năm 1965. Đây là tổ chức nghiên cứu quan hệ quốc tế duy nhất được phép tiếp tục hoạt động trong Cách mạng Văn hóa, nhưng Baidu cho biết nó được thành lập vào năm 1980.
Được biết, CICIR đã liên hệ với các tổ chức nghiên cứu ở nhiều quốc gia trên thế giới, từ đó dưới danh nghĩa trao đổi của các nhà nghiên cứu, nó có thể truy cập vào tinh hoa của giới học thuật từ nhiều quốc gia khác nhau.
Bài báo nói rằng, CICIR ban đầu không liên kết với Bộ An ninh Quốc gia, nhưng sau đó trở thành một phần của việc mở rộng quyền lực của Bộ An ninh Quốc gia.
Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc ban đầu là một tổ chức chịu trách nhiệm về tình báo và phản gián. Theo các báo cáo, kể từ khi ‘băng Thượng Hải’ của Giang Trạch Dân đến Bắc Kinh, đã không tin tưởng và không có quan hệ tốt với thị trưởng Trần Hy Đồng và nhân viên đến từ Sở công an Bắc Kinh.
Do đó, Giang Trạch Dân đã mở rộng quyền hạn của Bộ An ninh Quốc gia bao gồm chống khủng bố, chống tham nhũng và giám sát người dân, từ đó bỏ qua những người có liên quan ở Bắc Kinh để tự ý thiết lập hệ thống tình báo và công an của riêng mình. Từ đây, Bộ An ninh Quốc gia đã không ngần ngại đối phó với những người bất đồng chính kiến. Ví dụ như luật sư nhân quyền Trần Quang Thành đã bị bức hại.
Liên quan đến việc Giang Trạch Dân mở rộng quyền lực của Bộ An ninh quốc gia, bắt nguồn từ ngày 4/7/1995, khi Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương tiến hành kiểm tra Trần Hy Đồng, cựu bí thư Thành ủy Bắc Kinh. Nghe nói Giang Trạch Dân đã sử dụng Bộ An ninh Quốc gia để vạch trần vụ án của Trần Hy Đồng, sử dụng nhân sự của Bộ An ninh Quốc gia để thâm nhập vào hoạt động gây quỹ của Đặng Bân ở Vô Tích, Giang Tô, sau đó thu thập bằng chứng về mối quan hệ giữa các nhân viên có liên quan của Văn phòng Thành ủy Bắc Kinh và Đặng, Đặng nhanh chóng bị xử tử.
Lực lượng An ninh Quốc gia đã nắm được điểm yếu trong cuộc sống riêng tư của Trần, dùng điều đó để bêu xấu ông và thay thế Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia ngay sau khi vụ án của Trần được kết thúc.
Tạp chí “Tranh Minh” ở Hồng Kông tiết lộ trong số báo tháng 5/2015 rằng, các di chứng chính trị của vụ án Trần Hy Đồng là vô cùng nghiêm trọng. Năm đó khi mà Giang Trạch Dân cho phép Bộ An ninh Quốc gia can thiệp, đã phá vỡ các quy tắc của ĐCSTQ khi muốn hạ bệ Trần Hy Đồng. Quy tắc này tức là Bộ An ninh Quốc gia không được can thiệp vào các cuộc đấu tranh nội bộ của Đảng.
Sau khi Giang Trạch Dân chỉ thị cho Bộ An ninh Quốc gia tham gia vào việc hạ bệ đối thủ chính trị Trần Hy Đồng, quan chức của ĐCSTQ đã sử dụng các phương pháp như nghe lén, ăn cắp hình ảnh và ghi âm để đối phó với các đối thủ chính trị. Tình hình ở Trung Nam Hải ngày càng trở nên khó lường.
Do đó, Bộ An ninh Quốc gia đã có thể mở rộng quyền lực vào đến Bộ Ngoại giao cùng với Bộ Công tác Mặt trận Thống nhất, lợi dụng các Đại sứ quán Trung Quốc ở nhiều quốc gia khác nhau để thiết lập một hệ thống tình báo toàn cầu, đến nay các thành viên của Bộ An ninh Quốc gia vẫn len lỏi trong các Đại sứ quán Trung Quốc ở nước ngoài, nắm được công nghệ từ các quốc gia khác nhau luôn là một trong những mục tiêu chính của các cơ quan tình báo.
Thẩm Vinh Khâm còn nói rằng, liên quan đến nguyên nhân cái chết của Violetta Zhang và Qiu Guanghui, theo như thư tuyệt mệnh đáng ngờ của Violetta và lời khai của người bạn Armin và những người khác vào thời điểm đó, cái chết của Violetta có liên quan đến cuộc chiến giữa cơ quan tình báo BND của Đức và Bộ An ninh Quốc gia của Trung Quốc. Đại sứ quán của Trung Quốc ở Munich là nghi phạm giết người đáng nghi nhất, có lẽ họ trừng phạt cô vì đã mang họ Trung Quốc mà lại “phản bội” Trung Quốc.
Còn Qiu Guanghui đã tự sát ở Bắc Kinh, nguyên nhân được cho là vì anh ta nghiện cờ bạc. Ví như anh ta đã mất 2 triệu đô la Hồng Kông trong một sòng bạc Ma Cao và sau đó bị phát hiện đã chiếm đoạt 1,2 triệu đô la Mỹ trong các quỹ công cộng để đánh bạc.
Thẩm Vinh Khâm nói trong bài báo rằng, Giang Trạch Dân chỉ là người khởi đầu cho quá trình biến các đại sứ quán Trung Quốc ở nước ngoài trở thành các cơ quan gián điệp trên toàn thế giới. Sau đó, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình đã khiến các cơ quan này đạt đến quy mô như ngày nay.
Minh Huy (Theo Secretchina)