Tinh Hoa

Đài Loan vào top nơi sinh sống tốt nhất thế giới, Trung Quốc rớt hạng mạnh

Thiên nhiên Đài Loan, sự thân thiện và nền kinh tế tiên tiến đã đưa đất nước này trở thành nơi tốt nhất để sinh sống trên thế giới, vượt qua cả Mỹ, Úc và Hồng Kông.

Đài Loan được bình chọn là đất nước tốt nhất cho người nước ngoài lựa chọn sinh sống và làm việc, năm 2016. (Ảnh: Internet)

Trong cuộc khảo sát mới nhất của InterNations Expat Insider, hơn 14.000 người nước ngoài sinh sống tại 191 quốc gia được hỏi về chất lượng cuộc sống, tài chính cá nhân và sự cân bằng trong công việc và cuộc sống.

Kết quả Đài Loan là nước đứng đầu bảng xếp hạng, trước Malta và Ecuador. Trong khi đó, Kuwait và Hy Lạp là những quốc gia tệ nhất đối với người nước ngoài để lựa chọn sinh sống.

“Đài Loan là đất nước chiến thắng. Đó là nơi tốt nhất cho chất lượng cuộc sống cũng như tài chính cá nhân“, Malte Zeeck, người đứng đầu InterNations, mạng lưới những người sinh sống ở nước ngoài lớn nhất thế giới cho biết.

Martin Lindström, tổng giám đốc của Ikea tại Đài Loan là người gốc Thụy Điển đã sống trên hòn đảo này trong gần một thập kỷ.

“Đài Loan là một trong những viên ngọc quý bí ẩn nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương”, ông nói. “Nơi đây tạo cho tôi cảm giác giống như là nhà vậy”.

Ông chỉ vào đất nước xinh đẹp với những ngọn núi và cơ hội tuyệt vời cho việc đi bộ đường dài hoặc đạp xe đạp, cũng như các món ăn và những quán cà phê tuyệt vời ở hòn đảo này. “Nhưng điều quan trọng nhất là người dân nơi đây thật sự rất thân thiện”, ông nói thêm.

Một lễ hội ở Đài Loan. (Ảnh: Internet)

Cuộc khảo sát cho thấy một con số ấn tượng 85% người nước ngoài tỏ ra hài lòng với tình hình tài chính của họ, so với mức trung bình toàn cầu là 64%.

“Giá cả về ăn uống và giao tiếp xã hội ở Đài Loan rất phải chăng, đặc biệt là khi so sánh với các điểm đến khác ở châu Á Thái Bình Dương”, mặc dù giá thị trường nhà đất ở đây ngày càng tăng, Lindström cho biết.

Cùng với vẻ đẹp tự nhiên và cơ hội tài chính tốt mà Đài Loan cung cấp cho người nước ngoài, cuộc khảo sát cũng chỉ ra điều kiện làm việc ở đây được đánh giá khá cao, cho thấy sự cân bằng lành mạnh giữa công việc và cuộc sống.

Những người được khảo sát thường hài lòng với chất lượng và giá cả hợp lý của hệ thống y tế địa phương và tổng thể môi trường. Họ cũng cảm thấy dễ dàng tương tác với người dân địa phương, mặc dù nhiều người nói rằng việc học tiếng Trung quả là một thử thách.

Trong khi người nước ngoài có vẻ hạnh phúc tại Đài Loan, thì ở nước láng giềng Trung Quốc lại không được như vậy. Vị trí của nước này trong bảng xếp hạng giảm 10 bậc lên  đến vị trí 48 trong số 67 quốc gia.

Vấn đề lớn nhất được đề cập đến ở đất nước này là ô nhiễm môi trường, có đến 84% những người được khảo sát có cái nhìn tiêu cực về môi trường nơi đây.

Nghiên cứu kết luận, nền kinh tế phát triển nhanh chóng và các cơ hội việc làm cũng xuất hiện cùng với chi phí y tế công cộng.

“Ô nhiễm chắc chắn là một vấn đề lớn. Đây được coi là lý do mà người nước ngoài không muốn tới đó”, Zeeck nói. “Các bậc cha mẹ đang rất lo lắng về sức khỏe đặc biệt là của những đứa trẻ”.

Trung Quốc đứng vị trí 48 trong số 67 quốc gia. (Ảnh: Internet)

Mặc dù các cơ hội cho người nước ngoài phát triển sự nghiệp được xem là tích cực ở Trung Quốc, nhưng sự cân bằng công việc và cuộc sống lại không cao, hơn một phần tư người nước ngoài không hài lòng với thời gian làm việc của họ.

Theo một báo cáo của UniGroup được công bố trên tờ Wall Street Journal năm 2015, những lo ngại về ô nhiễm và các yếu tố khác đang bắt đầu làm giảm số lượng người nước ngoài muốn sinh sống ở đây. Số người rời khỏi Trung Quốc lớn gấp 2 lần số người chuyển đến.

Hồng Kông cũng tụt hạng mạnh trên bảng xế hạng trong vòng 2 năm qua, từ vị trí thứ 10 năm 2014 lên 44 trong năm 2016.

Chất lượng cuộc sống ở đây được xếp hạng trên trung bình, nhưng điểm chi phí cuộc sống lại thấp hơn đáng kể. Đây được xem là thị trường có giá nhà đất đắt đỏ nhất thế giới.

Kết quả là, Hồng Kông đã chứng kiến ​​một cuộc di cư của những người Hoa Kỳ, Anh và Australia trong năm qua, theo số liệu từ Cục xuất nhập cảnh, tờ South China Morning Post cho biết.

“Họ rời thành phố này để hồi hương về Châu Âu, Úc, Hoa Kỳ, trong khi một số đến Singapore tìm một công việc mới”, Jon Boag, giám đốc công ty di dời Swift Relo nói.

Singapore trượt ra khỏi top 10 và đứng thứ 13 trong bảng xếp hạng. Sự rớt hạng này chủ yếu là do thời gian làm việc dài và chi phí sinh hoạt cao, trong khi đó vẫn tiếp tục được xem là một trong những quốc gia an toàn nhất trên thế giới.

Theo Forbes