Vào ngày 7/7, Tổng thống Thái Anh Văn cùng các quan chức Đài Loan đã lần lượt chỉ trích Bắc Kinh và chính phủ Hồng Kông, sau các công bố chi tiết về luật an ninh quốc gia mới được thực thi vào hôm 6/7, Epoch Times đưa tin.
Phát biểu với các phóng viên hôm 7/7, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nêu lên mối lo ngại rằng, điều khoản yêu cầu các tổ chức và cá nhân Đài Loan cung cấp thông tin cho cảnh sát Hồng Kông, sẽ vi phạm quyền hạn của công dân Đài Loan.
“Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ việc thực thi luật an ninh quốc gia Hồng Kông. Khi cần thiết, chúng tôi sẽ đưa ra cảnh báo hoặc hướng dẫn cho công dân, và các tổ chức có liên quan để ngăn chặn họ khỏi bị tổn hại bởi luật này”, lãnh đạo Đài Loan tuyên bố.
Bà Thái nói thêm rằng, nếu luật an ninh quốc gia mới này gây tổn hại đến lợi ích của Đài Loan, chính quyền Đảo chắc chắn sẽ xem xét các biện pháp đáp trả.
Bà Thái Anh Văn cũng chỉ trích, luật an ninh hạn chế các quyền tự do ở Hồng Kông và “hạn chế khát vọng dân chủ của người Hồng Kông”.
Động thái mới nhất của Hồng Kông đã thu hút những lời chỉ trích từ lưỡng đảng Đài Loan. Quốc Dân Đảng đã đưa ra một tuyên bố vào tối 7/7, lưu ý rằng Đài Loan “không có nghĩa vụ phải hợp tác với chính phủ Hồng Kông trong việc thúc đẩy điều tra hình sự và ngăn chặn tội phạm chính trị”.
Ngày 30/6, Bắc Kinh chính thức ban hành luật an ninh quốc gia. Luật này cho phép hình sự hóa các cá nhân có bất kỳ hành vi vi phạm nào như: lật đổ, ly khai, khủng bố và thông đồng với các lực lượng nước ngoài chống lại ĐCSTQ, với mức phạt tối đa là tù chung thân.
Vào tối 6/7, chính phủ Hồng Kông đã xem xét chi tiết Điều 43 của luật bao gồm, cảnh sát được phép xâm nhập vào tài sản riêng mà không cần xin phép, và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet xóa tin nhắn khỏi nền tảng của họ.
Cảnh sát Hồng Kông cũng có thể yêu cầu các tổ chức, cá nhân nước ngoài và Đài Loan cung cấp thông tin về các cá nhân bị nghi ngờ là vi phạm luật an ninh khi còn ở Hồng Kông. Thông tin bao gồm tài sản cá nhân và các nguồn thu nhập, cũng như các khoản chi tiêu của tổ chức tại Hồng Kông, theo công báo của chính phủ.
Việc không cung cấp thông tin cho cảnh sát Hồng Kông, có thể dẫn đến các tổ chức và cá nhân bị truy tố và kết án theo luật an ninh, và có thể bị phạt tới 100.000 đô la Hồng Kông (khoảng 12.900 USD) hoặc ngồi tù 6 tháng.
“Đài Loan là một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Chúng tôi sẽ không bao giờ là đồng phạm của Trung Quốc. Chúng tôi sẽ bảo vệ sự an toàn cho công dân chúng tôi”, Thủ tướng Đài Loan – Tô Trinh Xương phát biểu với các phóng viên hôm 7/7.
Thủ tướng Tô cho biết thêm rằng, quyết định của Bắc Kinh về việc thông qua luật an ninh quốc gia Hồng Kông khiến thế giới thấy, Trung Quốc đã phản lại lời hứa đối với Hồng Kông như thế nào.
Bắc Kinh hứa sẽ bảo vệ quyền tự trị của Hồng Kông trong 50 năm, sau khi thành phố này chuyển chủ quyền từ Anh sang Trung Quốc năm 1997, trong khuôn khổ “một quốc gia, hai chế độ”.
Hội đồng các vấn đề Đại lục của Đài Loan (MAC) – một cơ quan chính phủ liên quan đến các vấn đề xuyên eo biển, đã lên án chính phủ Hồng Kông trong một thông cáo báo chí được đưa ra hôm 7/7.
MAC cho biết, các chi tiết về Điều 43 được định nghĩa một cách mơ hồ, tạo ra sự hoảng loạn giữa những người Đài Loan hiện đang làm việc tại Hồng Kông, và bóp nghẹt mối quan hệ bình thường hóa giữa Đài Loan và Hồng Kông.
“Chúng tôi nghiêm khắc cảnh báo Bắc Kinh và chính phủ Hồng Kông không nên vượt qua ranh giới trong các hành vi vi phạm nhân quyền và làm tổn thương lợi ích hợp pháp của các nhóm và viện nghiên cứu của chúng tôi tại Hồng Kông,” MAC tuyên bố.
Trong khi đó, Lưu Phúc Đặc (Liao Fu-te) – một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu pháp lý hàng đầu của Đài Loan – Institutum Iurisprudentiae cho biết, nước này có luật điều chỉnh việc bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Trong một cuộc phỏng vấn với chi nhánh truyền thông NTD, Lưu giải thích rằng người dân hoặc tổ chức ở Đài Loan có thể vi phạm luật của chính quyền đảo, nếu họ quyết định truyền tin tức đến Hồng Kông, ngay cả khi cảnh sát Hồng Kông yêu cầu.
Ông đề nghị chính phủ Đài Loan, nên tích cực thông qua luật tương tự như Đạo luật Magnitsky, để trừng phạt các quan chức nước ngoài vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông. Đạo luật Magnitsky của Hoa Kỳ quy định các biện pháp trừng phạt kinh tế, đối với các cá nhân nước ngoài vi phạm nhân quyền.
Thiện Thành (Theo Epoch Times)