Các nhà khoa học tại Đại học Harvard (Mỹ) vừa chứng minh được hiện tượng băng tan khiến Trái Đất của chúng ta quay chậm lại, cho thấy những ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu đến hoạt động ổn định của hành tinh chúng ta.
Theo kết quả một nghiên cứu mới được nhóm tác giả công bố, băng tan là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ quay và cả độ nghiêng trục quay của hành tinh, bởi sự phân phối nước từng bị đóng băng đang dần thay đổi, trên phạm vi toàn thế giới.
Trước nay, người ta biết tốc độ quay của Trái đất bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố, bao gồm: sự chuyển dịch của phần lõi nóng chảy bên dưới hành tinh; hoặc gia tốc thủy triều – gây ra bởi những thay đổi lực hấp dẫn giữa trái đất và mặt trăng. Đến nay, quá trình tan chảy của các mảng băng cũng được chứng minh là có liên quan đến vấn đề này.
Mực nước biển dâng lên với tốc độ đáng kể từ khi diễn ra sự nóng lên toàn cầu, do con người gây ra (đặc biệt là trong thế kỷ qua), kéo theo thay đổi nhất định của vòng quay địa cầu.
Bằng cách kết hợp các phép tính và mô phỏng từ máy tính, một nhóm các nhà khoa học dẫn đầu bởi giáo sư địa lý Jerry Mitrovica của Đại học Harvard cuối cùng đã khẳng định lý thuyết nói trên.
Cụ thể, nghiên cứu chỉ ra rằng, từ năm 500 TCN đến nay, vòng quay của Trái đất đã chậm lại khoảng 16.000 giây, tương đương 4,5 giờ. Theo nhóm chuyên gia, một phần trong số 6.000 giây đó có thể do sự thay đổi mực nước biển gây ra.
Phần lớn sự thay đổi mực nước biển trong thời giai từ cuối kỷ băng hà đến nay xuất phát từ các quá trình tự nhiên. Đồng thời, các nhà khoa học cũng cho rằng, rất có thể trong tương lai, khi mực nước biển tiếp tục tăng do hiện tượng ấm lên toàn cầu, vòng quay của Trái đất sẽ tiếp tục chậm lại.
Mặc dù tác động này chỉ chiếm vài giây mỗi năm và bạn cũng không thực sự cảm nhận được, nhưng nó cho thấy những ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu đến hoạt động ổn định của hành tinh chúng ta.
Theo Tinh Tế