Nhà sản xuất hàng tiêu dùng Iris Ohyama của Nhật Bản sắp trở thành công ty đầu tiên nhận trợ cấp của chính phủ để chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm sự lệ thuộc vào Bắc Kinh, theo Nikkei.
Đại diện của Iris Ohyama cho biết họ sẽ bắt đầu sản xuất khẩu trang y tế tại nhà máy Kakuda ở tỉnh Miyagi, miền bắc Nhật Bản kể từ đầu từ tháng 6/2020. Công ty sẽ đi vào sản xuất khẩu trang toàn diện, bao gồm cả loại vải không dệt nhằm giữ vị thế độc lập với các nhà cung ứng nước ngoài. Iris có kế hoạch sản xuất 150 triệu khẩu trang mỗi tháng vào tháng 8/2020.
Chính phủ Nhật Bản đã dành hơn 240 tỷ yên (2,2 tỷ USD) trong ngân sách bổ sung tài khóa 2020 để trợ cấp cho các công ty để giúp các nhà sản xuất chuyển quy trình sản xuất ra khỏi Trung Quốc và tái tổ chức chuỗi cung ứng của họ trong bối cảnh virus corona phá vỡ chuỗi cung ứng giữa các đối tác thương mại lớn, theo South China Morning Post.
Iris ban đầu dự định sử dụng một khoản trợ cấp khuyến khích sản xuất khẩu trang y tế của chính phủ. Nhưng hiện tại công ty này đang dùng trợ cấp đó để tái phân bổ chuỗi cung ứng. Tổng vốn đầu tư cho việc sản xuất khẩu trang tại Nhật Bản sẽ tăng lên 3 tỷ yên so với kế hoạch ban đầu là 1 tỷ yên, trong đó Iris hy vọng sẽ có khoản trợ cấp khoảng 75% trong tổng số vốn đầu tư mới.
Iris hiện đang có cơ sở sản xuất khẩu trang ở thành phố cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh và Tô Châu, phía tây Thượng Hải. Các sản phẩm chủ yếu được sản xuất từ các loại vải không dệt và các vật liệu chính khác sẵn có tại các công ty địa phương.
Virus Vũ Hán đã làm đình trệ sản xuất và hoạt động hậu cần trên toàn thế giới, phơi bày khuyết điểm của các công ty Nhật Bản, vốn phụ thuộc tới hơn 20% nhu cầu về linh kiện và vật liệu từ Trung Quốc.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Shinzo Abe đã ra quyết định hỗ trợ các khoản đầu tư nhằm kích thích tăng cường mạng lưới sản xuất và mua sắm trong nước. “Các sản phẩm phụ thuộc vào một quốc gia và có giá trị gia tăng cao sẽ được đưa trở lại sản xuất tại Nhật Bản. Ngay cả khi các sản phẩm không phụ thuộc vào một quốc gia và không có giá trị gia tăng cao, địa điểm sản xuất sẽ được đa dạng hóa sang các nước Đông Nam Á (ASEAN),” ông Abe nói trong cuộc họp của chính phủ vào tháng 3/2020.
Chính phủ Nhật Bản sẽ kêu gọi các công ty cân nhắc liệu việc mua sắm và sản xuất ổn định có thể được duy trì trong thời kỳ khủng hoảng hay không. Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ cải cách trong các ngành công nghiệp chủ chốt như: sản xuất phụ tùng ô tô và linh kiện điện tử.
Đại dịch Vũ Hán đã xuất hiện ở 210 quốc gia vùng lãnh thổ sau khi bùng phát lần đầu tiên tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái. Tính đến sáng 22/4, theo trang thống kê Worldometers, toàn thế giới đã có 2.552.491 người nhiễm virus, trong đó có 177.234 ca tử vong. Nhật Bản hiện ghi nhận 11.135 ca nhiễm, trong đó có 263 ca tử vong.
Thiện Thành (Theo Nikkei Asian Review)