Tinh Hoa

Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc chưa từng phản đối quy định 1 quốc tịch

Liên quan đến quy định “đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”, quy định này đã được thông qua vào ngày 19/6/2020 với 0 phiếu chống. Nghĩa là ông Phạm Phú Quốc chưa bao giờ phản đối quyết định này, dù thời điểm đó ông đã có 2 quốc tịch. 

(Ảnh: Kiểm Tin)

Nhằm làm rõ trách nhiệm đại biểu quốc hội của ông Phạm Phú Quốc đối với quy định đại biểu quốc hội chỉ có 1 quốc tịch, Kiểm Tin đã tra cứu và tìm ra các thông tin như sau:

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội quy định “đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam” đã được thông qua trong phiên họp chiều 19/6/2020 với 0 phiếu phản đối.

Trước đó, trong các phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 8 tháng 10/2019 và kỳ họp thứ 9 tháng 6/2020, quy định 1 quốc tịch nói trên đã không gặp bất kỳ ý kiến phản đối nào từ bất kỳ đại biểu Quốc hội nào.

Quy định nói trên cũng đã được đưa ra lấy ý kiến trong đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019), và đoàn đề nghị sửa đổi tăng mức độ quan trọng thành “có 1 quốc tịch là quốc tịch Việt Nam và không có quốc tịch khác” mà không có ý kiến phản bác nào.

Trong suốt quá trình từ lấy ý kiến, thảo luận và biểu quyết thông qua dự luật có quy định đại biểu quốc hội 1 quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, ông Phạm Phú Quốc là đại biểu thuộc đoàn TP HCM, và lúc đó ông đã có 2 quốc tịch.

Trong bài viết trước, Kiểm Tin cũng đã khẳng định, việc ông Phạm Phú Quốc có quốc tịch Cyprus là do được chính Bộ Nội Vụ nước này đặc cách chứ không phải do gia đình ông bảo lãnh.

Cần bao nhiêu tiền để có quốc tịch Cyprus?

Một số báo chí trong nước vài ngày qua đã đưa con số tối thiểu 2,15 triệu USD (tương đương 50 tỷ đồng) là chi phí mà vợ chồng ông Phạm Phú Quốc phải trả để có quốc tịch Cyprus, tuy nhiên, Kiểm Tin đã tra cứu để tìm được các thông tin xác thực như sau:

Kiểm Tin đã chuyển ngữ tài liệu đính kèm thư của Bộ Nội vụ Cyprus đề xuất đặc cách cấp quốc tịch cho vợ chồng ông Phạm Phú Quốc để xác nhận 2 vợ chồng tham gia chương trình đầu tư vào hạ tầng và bất động sản của Cyprus.

Kiểm Tin đã tra cứu trang web chính thức của chương trình, Cyprus Developer Alliance, thì được biết đương đơn được yêu cầu đầu tư tối thiểu 2 triệu euro để có quốc tịch cho cả gia đình.

Ngoài 2 triệu euro đầu tư vào hạ tầng và bất động sản nói trên, đương đơn còn được yêu cầu đóng góp 200’000 euro.

(Ảnh: Kiểm Tin)

Quá trình xét cấp quốc tịch mất chừng 6 tháng, và đương đơn chỉ phải đến Cyprus 1 lần duy nhất để lấy dữ liệu sinh trắc làm thẻ thường trú chứ không bị yêu cầu phải sống ở Cyprus trước, trong khi xem xét và sau khi được cấp quốc tịch.

Căn cứ vào các thông tin trên, chưa tính các loại phí đi kèm thì vợ chồng ông Phạm Phú Quốc phải bỏ ra tối thiểu 2’200’000 euro, tương đương 61,6 tỷ đồng để có quốc tịch Cyprus.

Kiểm Tin