Nhiều ĐBQH không đồng tình thêm ngày nghỉ lễ vào 27/7 mà đề xuất nên nghỉ lễ thêm vào ngày Gia đình Việt Nam, ngày khai giảng năm học mới hoặc dành một ngày này để tôn vinh đàn ông.
Nhất trí với đề xuất thêm 1 ngày nghỉ lễ
Chiều 29/5, tại phiên thảo luận về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhiều ĐBQH bày tỏ nhất trí với đề xuất có thêm một ngày nghỉ lễ trong năm nhưng băn khoăn với phương án nghỉ lễ vào ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7).
GS Nguyễn Anh Trí (đại biểu Hà Nội) cho rằng không nên chọn nghỉ ngày 27/7 vì sẽ khiến cho một bộ phận người dân từng thuộc về ‘chiến tuyến bên kia’ tâm tư, nhất là trong bối cảnh chiến tranh đã lùi xa.
Thay vào đó, ĐB Trí đề xuất, nên bố trí ngày nghỉ lễ mới vào đúng ngày gia đình Việt Nam (28/6) vì đây là ngày để cho các gia đình quây quần, đoàn tụ bên nhau.
Đồng tình với ĐB Nguyễn Anh Trí, Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Tới cũng không đồng ý lấy ngày 27/7 làm ngày nghỉ.
“Khi tiếp xúc cử tri, có nhiều người phản ánh, trong đó có những thân nhân của thương binh liệt sỹ, họ nói những câu mà tôi thấy rất chạnh lòng, đó là ngày tang thương mất mát, ngày những người đã hi sinh xương máu cho đất nước mà lại lấy ngày đó làm ngày nghỉ thì người ta hoàn toàn phản đối”, ông Tới chia sẻ.
Song, theo quan điểm của riêng ông thì tốt nhất là nghỉ liền kề ngày 30/4-1/5 hoặc nghỉ liền kề ngày Tết. Còn nếu chọn thêm 1 ngày nữa thì sẽ có xáo trộn rất nhiều.
Tuy nhiên, ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên- Huế) lại cho rằng thêm một ngày nghỉ lễ trên vào ngày khai giảng của học sinh sẽ hợp lý hơn.
“Dịp toàn dân đưa trẻ tới trường, không cho nghỉ thì các bậc cha mẹ vẫn xin nghỉ để cùng con tựu trường”, ĐB Nghĩa lý giải.
Có hay không ngày tôn vinh nam giới?
Riêng ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) thì cho rằng, việc bổ sung một ngày nghỉ lễ trong năm là cần thiết nhưng vào ngày nào thì Chính phủ nên lắng nghe ý kiến từ phía người dân. Bà đề xuất nên có một ngày để tôn vinh nam giới giống như ngày phụ nữ Việt Nam.
“Quan điểm của tôi là khi chúng ta có ngày tôn vinh phụ nữ thì cũng nên dành một ngày để tôn vinh đàn ông. Trên thế giới đã có rất nhiều nước có ngày này, Việt Nam vẫn chưa có. Đây cũng là tâm nguyện của tôi bấy lâu nay”, bà Khánh cho hay.
Giáo dục ý thức ‘uống nước nhớ nguồn’
Ở chiều ngược lại, ĐB Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Tập đoàn TKV ủng hộ việc nghỉ thêm ngày 27/7.
“Tôi là con liệt sỹ nhưng không phải vì thế mà ủng hộ. Nên ủng hộ việc này vì đối tượng này không nhiều nhưng quan trọng là việc này giáo dục thế hệ trẻ ý thức ‘uống nước nhớ nguồn’”, ông Chuẩn cho hay.
ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cũng đồng tình ngày nghỉ lễ 27/7, gọi là ngày tri ân. Vì ngày tri ân có hàm nghĩa là tưởng nhớ, mang ơn với người xả thân vì nước. Việc này cũng mang ý nghĩa ngược dòng lich sử để tri ân, giáo dục tuyền thống uống nước nhớ nguồn, tác động đến đạo đức xã hội, đạo đức gia đình.
Vẫn có ý kiến cho rằng không nên có ngày nghỉ 27/7
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân bày tỏ băn khoăn lý do tại sao lại chọn ngày 27/7 là ngày nghỉ lễ. Theo nữ Bí thư, lượng ngày nghỉ lễ hiện nay là đã vừa, nếu tính toán thêm ngày nghỉ lễ nữa thì không hợp lý.
“Ngày nghỉ lễ của Việt Nam cũng nhiều rồi, 1 đất nước còn khó khăn, đòi hỏi phải chung tay góp sức làm nhiều hơn cho sự phát triển. Nếu thêm 1 ngày nghỉ lễ nữa thì ý nghĩa của ngày nghỉ lễ này là gì? Tại sao chọn ngày 27/7?”, bà Xuân đặt câu hỏi.
ĐB Phạm Văn Hòa, Đồng Tháp cũng bày tỏ không thống nhất việc thêm ngày nghỉ 27/7. Theo đó, ĐB Hòa phân tích: “Trước giờ mặc dù không nghỉ nhưng thực tế cũng như nghỉ.
Vào ngày này, hầu hết các cơ quan, đoàn thể đều tổ chức đi thăm cán bộ chính sách, tổ chức lễ lạt. Nếu quy định nghỉ trong luật sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của DN, không có lợi cho người sử dụng lao động. Hơn nữa thời gian nghỉ tết của Việt Nam đã dài rồi”.
Vũ Tuấn (t/h)
Xem thêm: