VOV.VN – Lượng khách du lịch bằng đường bộ tăng trên 35% thì lượng khách du lịch bằng tàu biển lại giảm sâu đến 70%.
Tại thành phố Đà Nẵng, trong khi lượng khách du lịch bằng đường bộ tăng trên 35% so với cùng kỳ thì lượng khách du lịch bằng tàu biển lại giảm sâu đến 70%. Nguyên nhân do “vỡ” thị trường khách du lịch truyền thống Trung Quốc. Thêm nữa, không có cảng đón tàu du lịch chuyên biệt cũng là lý do khiến rất ít tàu du lịch cập cảng đưa du khách lên bờ… Đà Nẵng được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế về du lịch tàu biển do có cảng quốc tế Tiên Sa gần trung tâm thành phố, giao thông kết nối thuận lợi với các điểm du lịch khác như đô thị cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam, cố đô Huế.
Thời gian qua, Đà Nẵng đã tập trung khai thác lợi thế này để thu hút lượng khách du lịch đến bằng tàu biển. Trên thực tế, từ năm 2011 đến năm 2013, gần 100 ngàn du khách theo tàu biển cập cảng Tiên Sa đến với địa phương này. Tuy nhiên, từ tháng 5 năm 2014, sau khi xảy ra sự kiện Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào hạ đặt trái phép trong vùng biển, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì lượng khách du lịch bằng đường biển giảm hẳn. Ông Trần Lực, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty Lữ hành Saigontourist tại Đà Nẵng thừa nhận, từ giữa năm 2014 đến nay, nhiều tour, tuyến được các hãng lữ hành lên lịch sẵn từ trước đã bị khách hàng trả lại, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động du lịch: “Tình hình chung kinh tế thế giới nó cũng tác động phần nào đến mức chi tiêu của khách du lịch thay. Thay vì họ đi những tuyến đường xa thì họ chọn những tuyến gần hơn. Trước những yếu tố đó, làm cho lượng khách du lịch tàu biển đến Đà Nẵng năm nay là tương đối khó về mặt khai thác nguồn khách”. Hiện Đà Nẵng cũng chưa có cảng chuyên biệt phục vụ tàu du lịch, gây không ít trở ngại cho các loại tàu biển khi cập cảng. Ông Nguyễn Tất Thưởng, phụ trách khai thác tàu biển của Công ty TNHH Destination Asia VietNam chi nhánh tại Đà Nẵng nêu thực tế ở cảng tổng hợp Tiên Sa Đà Nẵng, tàu du lịch biển cập chung cầu cảng với các loại tàu hàng. Trên mặt cầu cảng thì đại diện ngành Văn hóa – Thể thao và du lịch chờ đón khách. Trên không thì giàn cần cẩu chuyên dụng bốc dỡ những container hàng hóa vươn ra như những cánh tay khổng lồ vô cùng nguy hiểm. Không những vậy, mặt cầu cảng chật hẹp nên khi đón tàu với số lượng khách lớn thì đơn vị dịch vụ mặt đất rối lên do phải chen lấn đường với những xe container chở hàng. Nếu cùng một lúc có khoảng 3 tàu du lịch biển hạng trung cập cảng Tiên Sa thì sẽ không có chỗ cho xe đậu đỗ đón khách đưa đi các điểm tham quan. Điều này gây tâm lý khó chịu cho du khách và khó xử cho các đơn vị lữ hành cũng như đơn vị quản lý. Ông Nguyễn Tất Thưởng lo lắng: “Cảng Tiên Sa không có phần riêng cho hành khách. Nên khi thuyền trưởng là người chịu trách nhiệm cao nhất về hành khách cũng như tàu, thì để hành khách của mình đi qua đi lại chung với xe, với lại tàu hàng cho nên cũng bất tiện cho tàu”. Theo Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng, những tháng đầu năm nay, dù thời tiết rất thuận lợi nhưng số lượng tàu biển đưa du khách cập cảng Tiên Sa của thành phố Đà Nẵng lại giảm sâu. Đến hết tháng 7, ngành du lịch thành phố mới đón được 20 chuyến tàu biển, trong khi năm 2013 là 90 chuyến, giảm 70% lượng khách so với các năm trước. Nguyên nhân chính do tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, một thời gian dài các địa phương miền Trung đua nhau đầu tư mỗi tỉnh, thành một sân bay, một cảng biển với khoảng cách khá gần, gây nên tình trạng “bội thực” cảng biển và xé lẻ nguồn khách vốn ít ỏi. Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết: “Phát triển mạnh một số cảng biển với cự ly gần thì nó cũng là một đối trọng. Một số cảng thuộc địa phương quản lý, cơ chế, chính sách cho các hãng tàu cập cảng thuận lợi hơn so với cảng thuộc Trung ương. Chưa có cảng riêng cho đón tàu biển du lịch cũng là khó khăn cho việc đẩy mạnh khai thác du lịch đường biển”./. |
Theo VOV