Thông qua ADN thu thập tại hiện trường, các nhà khoa học đã có thể dựng lại được gương mặt của chủ nhân chuỗi ADN.
Mới đây, một công ty công nghệ di truyền mang tên Parabon Nanolabs đã sử dụng ADN thu thập được từ hiện trường vụ án, thông qua đó dựng nên hình ảnh khuôn mặt của hung thủ.
Và bức hình trên là kết quả mà công ty Parabon giao cho cảnh sát.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiền công ty này sử dụng công nghệ di truyền cho mục đích hỗ trợ điều tra. Hồi đầu tháng 5, Parabon Nanolabs đã cùng với một cơ quan quảng cáo tại Hồng Kông tạo ra những tấm poster cỡ lớn với hình ảnh gương mặt của những người vứt rác bừa bãi.
Sử dụng ADN thu thập được từ bã kẹo cao su cũng như đầu lọc thuốc lá, Parabon tập trung vào những gene quy định đặc tính cơ bản của con người như màu tóc, màu mắt. Sau đó, họ dùng máy tính dựng nên hình ảnh gương mặt của những đối tượng gây ô nhiễm môi trường, rồi in lên những tấm poster khổ lớn dán tại những nơi đông người qua lại trong thành phố.
Dựng những khuôn mặt từ “hư không”
Ít ai biết rằng, thực ra ý tưởng xây dựng khuôn mặt dựa vào ADN đã tồn tại từ rất lâu.
Năm 2012, một họa sĩ tại New York – bà Heather Dewey-Hagborg – đã sử dụng công nghệ này để dựng nên khuôn mặt của những người bà không hề quen biết, thông qua ADN lấy được từ đầu lọc thuốc lá và bã kẹo cao su trên đường phố.
Để tách lấy ADN, bà chỉ cần thực hiện một quy trình hết sức đơn giản tại phòng thí nghiệm ở London. Sau đó, Deway-Hagborg sử dụng một đoạn mã đặc biệt dựa trên phần mềm xây dựng khuôn mặt được viết bởi các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Basel, Thụy Sĩ, nhằm tách lấy các gene quy định đặc điểm ngoại hình như tóc, màu mắt. Ngoài ra, ADN cũng cho biết những thông tin như màu da, độ rộng của mũi, khoảng cách giữa hai mắt, v.v…
Triển lãm của bà, mang tên “Những gương mặt không quen”, đã được mở ra ở rất nhiều quốc gia trên thế giới.
Chỉ “gần giống” mà thôi
Do ADN không thể cho chúng ta biết thông tin về tình trạng sức khỏe, cũng như tuổi tác, nên những gương mặt được dựng nên sẽ chỉ có những nét tương đồng chứ không phải là bản sao hoàn hảo. Theo lời bà Dewey-Hagborg, những gương mặt này giống “người trong gia đình”.
Những khuôn mặt mà công ty Parabon dựng nên cũng không phải là ngoại lệ. Ông Ellen Greytak, giám đốc công ty cho biết: “Chúng tôi chỉ có thể giúp các cơ quan chức năng có một cái nhìn tổng quan về người mà họ cần tìm kiếm”.
Điều này không khó hiểu, bởi trong mỗi người chúng ta đều có chứa hơn 3 tỉ cặp nhiễm sắc thể – được ký hiệu bằng các chữ cái A, C, G và T. Một trong những phương pháp phân tích gene là tập trung vào những nhóm nhiễm sắc thể đi kèm với các đặc tính cụ thể, như tóc, màu mắt, khả năng kháng một số bệnh dịch nhất định, v…v… Phương pháp phân tích này được các nhà khoa học gọi là SNP.
Nhìn chung, phương pháp này rất hiệu quả trong việc phân tích một số đặc tính cụ thể của con người. Chẳng hạn như, các nhà khoa học có thể dự đoán màu mắt xanh hoặc nâu, cũng như tóc đỏ với độ chính xác gần như tuyệt đối. Tuy nhiên, để xác định một người có phải tóc vàng hay không thì khó hơn rất nhiều. Đồng thời, những yếu tố như hình dạng gương mặt, hay chiều cao lại là một vấn đề khác hoàn toàn nữa.
Hồng Khang tổng hợp