Mới đây, Lưu Tuệ Khanh (Emily Lau) cựu nghị viên Hội đồng Lập pháp Hồng Kông đã chia sẻ về tình hình hiện tại của Hồng Kông trong một cuộc hội thảo thông qua video. Bà hình dung “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” giống như là chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang lái một chiếc xe tải nghiền nát chính sách “một quốc gia hai chế độ”.
Tờ Epoch Times đã đưa tin về bài phát biểu của Lưu Tuệ Khanh tại một cuộc hội thảo. Bà nói rằng bà đã tham gia diễn đàn này tại một thành phố (Hồng Kông) vô cùng hỗn loạn và căng thẳng. Ngày 9/6 là tròn một năm diễn ra phong trào phản đối dự luật dẫn độ, hàng trăm người bao gồm cả những người trẻ tuổi, đã xuống đường biểu tình, mặc dù điều này là bất hợp pháp.
Bà hình dung “Luật An ninh Quốc gia” được thông qua vào ngày 18/6 giống như chính quyền ĐCSTQ đã lái một chiếc xe tải nghiền nát chính sách “một quốc gia hai chế độ”.
Lưu Tuệ Khanh cho biết, “kể từ khi Hồng Kông được bàn giao cho Trung Quốc vào năm 1997, trong 20 năm tình hình không đến nỗi tệ. Mặc dù chúng ta không có dân chủ, nhưng chúng ta được hưởng tự do, pháp trị, và an ninh cá nhân còn tốt hơn một số quốc gia được gọi là dân chủ”.
“Tuy nhiên, kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào cuối năm 2012, các vấn đề bắt đầu nảy sinh, vì ông ta quyết tâm đàn áp người dân Đại lục và Hồng Kông. Bây giờ tôi cho rằng cộng đồng quốc tế đã coi Hồng Kông là tiên phong trong cuộc đấu tranh chống lại ĐCSTQ”. Bà nói.
Bà cho rằng, “Trong nhiều năm qua, người phương Tây đã tin rằng, bằng cách cho ĐCSTQ tham dự vào thì Trung Quốc cũng sẽ lấy phương thức văn minh mà hội nhập với thế giới, nhưng sự thật không phải vậy, Trung quốc không đi theo hướng dân chủ. Trên thực tế, quan điểm của Tập Cận Bình hoàn toàn ngược lại. Vì vậy ở Hồng Kông chúng tôi cảm thấy rất sợ hãi và sốc”.
Nhưng nhiều người Hồng Kông sẽ không bị đe dọa. Hồng Kông đang đấu tranh để duy trì sự tự do và an toàn cá nhân, điều mà pháp luật đã ban hành. “Bất luận như thế nào, chúng tôi cũng sẽ đứng vững.”
“Bất hạnh là chính quyền của Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã lấy virus Vũ Hán như một cái cớ để giới hạn số người có thể tụ tập công khai xuống còn 8 người. Nhưng thực tế họ đã cho mở cửa công viên giải trí, rạp chiếu phim hoặc trung tâm mua sắm. Vì vậy chúng tôi muốn hỏi tại sao không thể cho phép mọi người biểu tình trong hòa bình.” Bà nói.
Lưu Tuệ Khanh nói rằng, bà muốn liên lạc với cộng đồng quốc tế và nói với mọi người rằng, “chúng tôi không đấu tranh giành độc lập, nhưng chúng tôi hy vọng rằng ĐCSTQ sẽ giữ lời hứa trong tuyên bố chung đã ký với Anh vào năm 1984. Tuân thủ những lời hứa trong Luật cơ bản, cho phép chúng tôi tự do phát triển dân chủ và trở thành một thành phố quốc tế”.
Nếu Hồng Kông tự do, mọi người từ tất cả các quốc gia có thể đến thăm, làm việc và sinh sống ở đây. “Xin hãy lấy Pháp trị và độc lập Tư pháp làm cơ sở, trợ giúp Hồng Kông bảo trì tự do. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc như một thành viên rất có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.
Lưu Tuệ Khanh là một chính trị gia, nhà báo và người ủng hộ tự do báo chí trong phong trào dân chủ của Hồng Kông. Trước khi Hồng Kông được chuyển giao cho ĐCSTQ, bà là người phụ nữ đầu tiên được bầu trực tiếp vào Hội đồng Lập pháp Hồng Kông. Bà cũng là chủ tịch của Đảng Dân chủ Hồng Kông, đại diện cho khu vực tuyển cử phía Đông của New Territories năm 1990, mãi cho đến khi bà từ chức vào năm 2016.
Tại Diễn đàn an ninh quốc tế Halifax vào tháng 11 năm ngoái, bà và Trần Hạo Hoàn (Figo Chan) đã đại diện cho Phong trào Dân chủ Hồng Kông nhận giải thưởng Lãnh đạo và phục vụ cộng đồng John McCain.
Minh Huy (Theo NTDTV)