Cựu giám đốc một phòng khám Kế hoạch hóa Gia đình ở Mỹ tiết lộ rằng tất cả phòng khám của tổ chức này đều có mô hình kinh doanh dựa trên hạn ngạch phá thai và buôn bán thai nhi.
Cô Abby Johnson từng quản lý một phòng khám Kế hoạch hóa Gia đình (KKHGĐ) ở Mỹ trong 8 năm. Đây là một sơ sở thuộc Tổ chức kế hoạch hóa gia đình Hoa Kỳ (Planned Parenthood). Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Tucker Carlson của hãng tin Fox News dưới đây, cô đã tiết lộ những bí mật rợn người về công việc trước đây của mình.
Johnson: Công việc của tôi là phụ trách các hoạt động hàng ngày, tuyển dụng và sa thải nhân viên, duy trì ngân quỹ, bao gồm cả hạn ngạch phá thai mà chúng tôi được giao hàng tháng.
Tucker: Nghĩa là mỗi tháng phòng khám sẽ phải thực hiện một số ca phá thai nhất định?
Johnson: Đúng vậy. Mỗi bộ phận phá thai trong các phòng khám KKHGĐ đều có hạn ngạch phá thai hàng tháng mà họ phải thực hiện.
Tucker: Tại sao?
Johnson: Đó là cách mà họ kiếm tiền. Khoảng 50% thu nhập là tiền thu được từ các dịch vụ phá thai. Và vì vậy, để giữ cho các phòng khám hoạt động, họ phải thực hiện rất nhiều ca phá thai.
Tucker: Thế còn việc chụp X-quang tuyến vú và những việc cứu người khác thì sao?
Johnson: À, X-quang tuyến vú là chuyện khá buồn cười. Không có phòng khám KHHGĐ nào ở quốc gia này cung cấp dịch vụ chụp X-quang tuyến vú, họ không cung cấp dịch vụ chăm sóc trước sinh. Người ta không làm rất nhiều điều mà họ nói họ sẽ làm.
Chúng ta hãy nghĩ sâu hơn một chút về vấn đề này. Nếu mô hình kinh doanh của một công ty có những thứ như hạn ngạch thì lẽ dĩ nhiên họ thường khuyến khích khách hàng mua sản phẩm của họ chứ không ai lại khuyên họ đừng mua nó. Trong đa số trường hợp thì điều này dễ lý giải.
Tuy nhiên trong trường hợp các phòng khám KHHGĐ, không khó để nhận ra rõ ràng có một mâu thuẫn về lợi ích ở đây. Vì các y bác sĩ phải là những người có y đức cao thượng và sẽ hỗ trợ hết mình quyền được chọn của phụ nữ, cũng như quyền được sống của thai nhi, chứ không thể là những nhà buôn chỉ mong kiếm tiền từ việc phá thai.
Nhưng trên thực tế, là một cơ sở kinh doanh, chắc chắn một phòng khám KHHGĐ không thể hỗ trợ một cách khách quan cho quyền được chọn của người phụ nữ, càng không thể nói tới quyền được sống của thai nhi. Họ sẽ ủng hộ người phụ nữ phá thai, bởi vì đó là bản chất của mô hình kinh doanh của họ, là điều quyết định sự sống còn của phòng khám. Và như cô Johnson đã kể lại trong cuộc phỏng vấn, người ta có nhiều chiến lược để tương tác với thai phụ nhằm mục đích tối đa hóa số ca phá thai.
Họ còn bán cả thai nhi…
Tucker: Vậy là họ cũng bán cả mô bào thai, các bộ phận của thai nhi, và cô cũng đã chứng kiến chuyện đó xảy ra. Mô hình kinh tế đó là gì?
Johnson: Vâng, tại chi nhánh nơi tôi làm việc, chúng tôi bán một thai nhi hoàn chỉnh với giá khoảng 200 đô la. Việc này được thực hiện thông qua một công ty tên là Amphioxus, và cơ sở ở Houston nơi tôi làm việc là cơ sở lớn thứ hai ở bán cầu Tây sau cơ sở lớn nhất ở Trung Quốc. Chúng tôi có khả năng thực hiện khoảng 75 ca phá thai mỗi ngày, 6 ngày một tuần. Thậm chí, bạn chỉ cần nhìn vào một nửa số phụ nữ có mô thích hợp để “hiến” hoặc “bán”, bạn sẽ thấy một phòng khám thôi cũng thu về được 2 triệu đô la một năm.
Tucker: Nhưng tôi tưởng những cơ sở y tế như phòng khám KHHGĐ không được phép bán các bộ phận cơ thể người.
Johnson: Vâng, chuyện này khá thú vị, đó là nhờ cách sắp xếp mọi thứ mà họ đã biến nó thành một giao dịch kinh doanh hợp pháp. Luật nói rằng họ có thể tính phí cho những dịch vụ như vận chuyển và xử lý những thứ tương tự. Vì vậy nếu khéo thu xếp thì có vẻ như họ chỉ đang trả tiền cho các dịch vụ đó, nhưng sự thật là không có chuyện xử lý hay vận chuyển nào ở đây. Amphioxus đã đến và lấy chúng đi. Đó là cách họ biến nó thành hợp pháp.
Video phỏng vấn cô Abby Johnson
Chuyện những phòng khám KHHGĐ kiếm tiền bằng cách bán xác thai nhi sau khi phá thai đã khiến nhiều người không khỏi bị sốc. Nhưng khi sự thật được phơi bày thì chuyện này vẫn không dừng lại.
Việc các giao dịch này vẫn tiếp tục diễn ra đều đặn cho thấy những người có chức trách thực tế không quan tâm gì tới chuyện này, và dường như họ cũng không màng tới sinh mạng con người. Kết quả là các phòng khám KHHGĐ vẫn mãi lặp đi lặp lại một luận điệu để bao biện cho việc làm của họ, đó là làm giàu từ việc bán thai nhi và mô bào thai hoàn toàn không liên quan gì đến quyền được chọn của người phụ nữ.
Những con người dần trở nên vô cảm
Có một điều đáng sợ không kém nữa là đối với những con người làm việc tại đây như Johnson, môi trường này đã khiến họ trở thành những người vô cảm. Họ đã mất đi cảm xúc với sinh mạng thiêng liêng của con người.
Tucker: Thế trong 8 năm ở đó, có đồng nghiệp nào của cô từng cảm thấy ghê tởm về chuyện này, về “công ty” mà cô từng làm việc không?
Johnson: Vâng, chuyện là… khi phải làm một công việc như vậy, anh sẽ trở nên rất đen tối, anh không còn thấy đó là một hành vi đáng ghê tởm nữa, trái lại, nó trở thành một trò vui. Cấp trên của tôi từng đùa cợt về những thai nhi mà chúng tôi đã phá. Ví dụ, mã bảo mật cho hệ thống báo động của chúng tôi là 2229, vì bấm trên bàn phím số của điện thoại sẽ ra chữ “BABY”, và họ cảm thấy chuyện đó rất khôi hài.
Tủ đông trong phòng thí nghiệm là nơi chúng tôi cất trữ các bộ phận thai nhi. Sau khi sắp xếp các bộ phận lại với nhau, chúng tôi đưa vào tủ đông, và mọi người gọi đùa với nhau rằng đó là “nhà trẻ”. Vậy đấy, anh sẽ dần dần trở nên rất đen tối. Và mặc dù, cũng có lúc anh nhận ra những gì mình đang làm rất ghê tởm, nhưng sự chai sạn vẫn cứ thế lớn dần lên.
Nếu bạn đã để ý đến mô hình kinh doanh này thì ắt hẳn bạn sẽ nhận ra việc kiếm tiền trên mạng sống và sức khỏe con người đang tràn ngập toàn bộ ngành công nghiệp y tế. Các nghiên cứu về thuốc men và phương pháp điều trị chỉ được cấp vốn dựa trên lợi tức tiềm năng, chứ không phải trên sự hiệu quả hay an toàn cho người bệnh. Người ta đã bỏ ra rất nhiều nỗ lực để bình thường hóa chuyện này, và mỗi cá nhân chúng ta dường như đều được dạy để coi trọng lợi ích cá nhân hơn là sinh mạng con người.
Các hoạt động man rợ và vô nhân đạo như trên đang bị phơi bày ngày càng nhiều, không chỉ trong ngành y mà còn trong tất cả các lĩnh vực khác của đời sống con người. Việc phát giác những chuyện chấn động này đã giúp đánh thức lương tri và khiến chúng ta phải lựa chọn: chúng ta muốn sống với những giá trị nào và sống trong một xã hội ra sao? Đã đến lúc mọi người cùng nhau đối diện với những gì chúng ta từng tránh né và phủ nhận trong quá khứ, vì một tương lai tốt đẹp hơn đang chờ phía trước.
Thiên Hoa (Theo Collective Evolution)