Tinh Hoa

Cựu điệp viên Edward Snowden: iPhone có thể chứa phần mềm gián điệp

Theo cựu điệp viên Edward Snowden, mỗi chiếc iPhone có thể đều được cài một phần mềm gián điệp tự kích hoạt nhằm thu thập thông tin từ người dùng.

Edward Joseph Snowden là cựu nhân viên của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) cũng là điệp viên của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA).

Edward Joseph Snowden là cựu nhân viên của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA), đồng thời cũng là điệp viên của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA), và là người đã làm rò rỉ những bí mật hàng đầu của chính phủ Mỹ và Anh cho giới báo chí về những chương trình theo dõi người dân.

Sau hàng loạt những tài liệu “gây tranh cãi” được anh tiết lộ, thì mới đây, trong cuộc phỏng vấn với hãng tin của Nga là RIA Novosti, luật sư của Snowden cho rằng trước khi mỗi chiếciPhone được xuất xưởng, nhà sản xuất đã bí mật cài một phần mềm gián điệp với thiết kế đặc biệt, có thể tự kích hoạt nhằm thu thập thông tin từ người dùng.

Tờ báo dẫn lời vị luật sư này: “Thân chủ của tôi không bao giờ sử dụng iPhone, thay vào đó là một chiếc điện thoại có chức năng nghe gọi đơn giản. Phần mềm gián điệp trên iPhone có thể được kích hoạt mà không cần tới sự cho phép của người dùng. Chỉ với một nút bấm mọi thông tin cá nhân của chủ sở hữu đã có thể được thu thập và đó là lý do tại sao thân chủ tôi từ chối sử dụng iPhone”.

Điều này đang làm dấy lên những lo ngại từ phía khách hàng của Apple, những người đã hoàn toàn tin tưởng vào hãng khi “Táo Khuyết” tung ra iOS 8 với những lời cam kết mạnh mẽ, như “quyền riêng tư của người dùng là số 1”, hay “Apple không cho phép các cơ quan an ninh sử dụng thông tin của khách hàng”.

Trước những luồng thông tin như vậy, đại diện của Snowden cũng nhấn mạnh, việc cựu điệp viên từ chối dùng iPhone hoàn toàn là những suy đoán và những nghi ngại mang tính cá nhân nếu xét trên phương diện nghề nghiệp.

Ngoài ra, những tuyên bố từ anh cũng không hề cố ý châm trọc hay chỉ trích iPhone của Apple, bởi trong tình cảnh lưu vong hiện nay, cũng như việc từng hoạt động trong môi trường điệp viên đầy những cạm bẫy, việc từ chối sử dụng các thiết bị công nghệ cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro là điều dễ hiểu.

Do đó, để kiểm chứng thông tin trên, có lẽ chúng ta phải chờ tới khi các tổ chức và công ty bảo mật kiểm tra vấn đề này, tương tự như vụ scandal của Xiaomi vào năm ngoái.

Theo Genk