Ngoài cáo buộc nhận hối lộ của trùm buôn lậu xăng dầu, cựu đại tá Chỉ huy trưởng Biên phòng Kiên Giang Nguyễn Thế Anh còn có dấu hiệu ‘vi phạm chế độ một vợ, một chồng’ khi sống chung và có con riêng với một phụ nữ khác.
Theo báo Tiền Phong, Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương vừa hoàn thành cáo trạng, truy tố 14 bị can, trong đó có nhiều cựu sĩ quan Cảnh sát biển, liên quan đến đường dây buôn lậu hơn 198 triệu lít xăng dầu từ Singapore về Việt Nam do ông ‘trùm’ Phan Thanh Hữu (Giám đốc công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) cầm đầu.
Nhận hối lộ 560.000 USD và 6,2 tỷ đồng
Trong vụ án, cơ quan tố tụng cáo buộc, đầu năm 2020, Phan Thanh Hữu vận chuyển xăng nhập lậu vào tiêu thụ trong nội địa nên hẹn gặp Nguyễn Thế Anh (cựu đại tá Chỉ huy trưởng Biên phòng Kiên Giang, cựu Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) tại khách sạn REX (ở đường Nguyễn Huệ, Quận 1) để ‘nhờ vả’.
Tại cuộc gặp, cựu đại tá Thế Anh yêu cầu Hữu hàng tháng phải chi cho cấp trên và một số lực lượng khác tổng số tiền 60.000 USD và 950 triệu đồng.
Kết quả điều tra xác định, từ tháng 10/2019 đến tháng 01/2021, Phan Thanh Hữu đã chi để hối lộ cho Nguyễn Thế Anh là 560.000 USD và 6,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, bản cáo trạng không nhắc đến việc Thế Anh đã chia số tiền này cho ai, ngoài người em họ Nguyễn Văn An (sinh năm 1989, người đi nhận tiền từ Hữu giúp Thế Anh) được cho một khoản nhỏ để mua sữa cho con.
Sau khi Phan Thanh Hữu bị cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Đồng Nai bắt tạm giam để điều tra, Nguyễn Thế Anh gọi điện thoại cho Nguyễn Văn An tìm cách trốn đi lánh nạn một thời gian. An vượt biên trốn sang Lào nhưng sau đó bị công an địa phương bắt và giao cho phía Việt Nam.
Căn cứ vào kết luận điều tra, Viện kiểm sát Quân sự Trung ương đã truy tố Nguyễn Thế Anh về tội ‘Nhận hối lộ’ và ‘Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép’.
Sống chung và có con riêng với người không phải vợ mình
Ngoài hai tội nêu trên, Viện kiểm sát Quân sự Trung ương còn cáo buộc cựu Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có dấu hiệu ‘Vi phạm chế độ một vợ, một chồng’ khi sống chung với một phụ nữ khác và có con riêng.
Cụ thể, vào năm 2006, cựu đại tá Nguyễn Thế Anh đăng ký kết hôn với chị N.T.D. (sinh năm 1984, là quân nhân), đến cuối năm 2019 thì họ ly hôn.
Quá trình điều tra vụ án, cơ quan tố tụng xác định năm 2013, Nguyễn Thế Anh quen biết và nảy sinh tình cảm với chị P.T.H. (SN 1979, trú tại Quận 3, TP.HCM). Từ đầu năm 2015, hai người chung sống với nhau như vợ chồng và có con chung tên S. (sinh năm 2015).
Tại với cơ quan điều tra, cựu đại ta Thế Anh không thừa nhận bé S. là con của mình và chị H. Tuy nhiên, khi cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng ra quyết định trưng cầu Viện – y Quân đội xét nghiệm AND, kết quả xác định giữa Nguyễn Thế Anh và cháu S. có cùng huyết thống.
“Như vậy, trong thời gian đang tồn tại mối quan hệ hôn nhân với N.T.D., Nguyễn Thế Anh đã chung sống như vợ chồng và có con chung với P.T.H., có dấu hiệu vi phạm chế độ một vợ, một chồng”, Viện kiểm sát kết luận.
Theo Viện kiểm sát, việc sống chung như vợ chồng của cựu đại tá Thế Anh với chị H. không phải là nguyên nhân dẫn đến việc ly hôn giữa ông với chị D.
Mặt khác, trong thời gian Thế Anh và chị H. chung sống với nhau vẫn đang tồn tại mối quan hệ hôn nhân giữa chị H. với chồng là B.T.B. Đến tháng 05/2015, chị H. và chồng mới ly hôn.
Theo báo Thanh Niên, dự kiến vào ngày 12/07 tới, Tòa án quân sự Quân khu 7 sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 14 bị cáo trong vụ buôn lậu, nhận hối lộ, tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài và không tố giác tội phạm.
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 3 ngày (từ 12 – 14/07) tại Tòa án quân sự thủ đô Hà Nội, do thẩm phán Nguyễn Hồng Phong làm chủ tọa.
Vũ Tuấn (t/h)