Vụ tấn công vào nhà ga Nguyên Lãng ngày 21/7 của nhóm côn đồ áo trắng là một bước ngoặt trong phong trào phản đối dự luật dẫn độ tại Hồng Kông. Gần đây, một sĩ quan cảnh sát Hồng Kông đã từ chức tiết lộ rằng, nhóm xã hội đen đó là một tiểu đội cơ động trong đội cảnh sát, được gọi là “TIER 14”.
Cảnh sát cấp cao không cho xuất quân
Ngày 28/12, A Huy (biệt hiệu), đã ở trong ngành cảnh sát được 6 năm tiết lộ với tờ Apple Daily rằng, anh đang làm nhiệm vụ trên đảo Hồng Kông vào ngày xảy ra vụ tấn công ở Nguyên Lãng. Khi đó, có nhiều đơn vị cơ động làm nhiệm vụ tại Trụ sở chính phủ, Trụ sở cảnh sát và Tòa nhà Chính phủ. Điều làm anh thất vọng là sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố Nguyên Lãng, cảnh sát cấp cao quyết định không triển khai đội quân đến hỗ trợ.
Anh cho biết, rõ ràng cảnh sát cấp cao đã thông đồng với xã hội đen (người mặc đồ trắng) tấn công người biểu tình, mượn chuyện này để nhấn mạnh tầm quan trọng của lực lượng cảnh sát, ngay cả khi phải hi sinh những người vô tội thì cũng không tiếc.
A Huy tiết lộ, trong nội bộ lực lượng cảnh sát Hồng Kông gọi bộ đội cơ động là “TIER 1 (Quân đội thứ nhất)”, sĩ quan cảnh sát từng nhận nhiệm vụ bộ đội cơ động là “TIER 2”, sĩ quan cảnh sát có thâm niên hoặc mới vào được gọi là “TIER 3”, xã hội đen cũng được coi là một tiểu đội của bộ đội cơ động, được nội bộ cảnh sát gọi là “TIER 14”.
Khoảng 9 giờ tối ngày 21/7, một nhóm côn đồ mặc áo trắng tay cầm gậy tấn công bừa bãi người biểu tình, dân thường và nhà báo ở Nguyên Lãng, Hồng Kông. Người già, phụ nữ mang thai và trẻ em cũng bị tấn công, khiến ít nhất 45 người bị thương. Toàn bộ cuộc tấn công kéo dài gần hai giờ, nhưng cảnh sát Hồng Kông không hề xuất hiện.
Video: Nhóm côn đồ mặc áo trắng tấn công bừa bãi người biểu tình ở Nguyên Lãng tối 21/7
Sau vụ việc, trên mạng lan truyền một số video. Có phương tiện truyền thông chụp được cảnh những cảnh sát tới muộn đặt tay lên vai người mặc áo trắng, chào hỏi lẫn nhau và còn “hộ tống họ đi”. Cảnh sát cũng tuyên bố sau khi sự việc diễn ra rằng: “Không nhìn thấy ai cầm vũ khí tấn công”.
A Huy tiết lộ, tại thời điểm đó, một số đồng nghiệp khi xem tivi truyền hình trực tiếp và nhìn thấy những người xã hội đen mặc đồ trắng đánh người bừa bãi tại nhà ga tàu điện ngầm phía Tây ở Nguyên Lãng đã rất cao hứng: “Họ vỗ tay hoan hô, cảm thấy họ không thể tự tấn công người biểu tình. Có xã hội đen giúp họ dạy dỗ người biểu tình, bọn họ cảm thấy vui vì điều đó”.
Vụ tấn công Nguyên Lãng khiến người dân đặt câu hỏi lớn về sự cấu kết giữa cảnh sát Hồng Kông và xã hội đen, nghi ngờ cảnh sát thông đồng với phần tử xã hội đen đánh người, từ đó cảnh sát bị người dân gọi là “hắc cảnh”.
A Huy cũng nói rằng, cảnh sát và xã hội đen đã sát cánh bên nhau. Anh tức giận từ chức do không đồng ý hòa nhập với cảnh sát. Cuộc tấn công ngày 21/7 khiến anh cảm thấy “chán nản”.
Xã hội đen quản lý Hồng Kông
Trên thực tế, sự cấu kết giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với xã hội đen từ lâu đã là một bí mật công khai. ĐCSTQ cũng bị người dân gọi là băng đảng xã hội đen lớn nhất thế giới. Ngay từ năm 1984, lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình khi nói về xã hội đen Hồng Kông đã phát biểu rằng: “Không phải tất cả xã hội đen Hồng Kông đều là người xấu, cũng có nhiều người tốt”.
Nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Trịnh Nghĩa từng tiết lộ rằng, sau vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan xuyên quốc gia của mặt trận thống nhất chuyên xử lý các sự vụ ở nước ngoài và thuê người đứng đầu xã hội đen Hồng Kông đảm nhiệm vị trí quan trọng. Trong khi cảnh sát Hồng Kông đang phải ra sức đối phó với đám xã hội đen thì việc làm này của ĐCSTQ không khác gì là một gậy cảnh tỉnh.
Năm 1993, Bộ trưởng Bộ Công an ĐCSTQ Đào Tứ Câu công khai tuyên bố: “Xã hội đen không phải đều giống nhau, trong số họ cũng có người yêu nước yêu Đảng”.
Phát biểu của ông Đào đã gây ra phản ứng lớn trong chính phủ Anh và Hồng Kông tại thời điểm đó. Theo báo cáo của tờ Apple Daily, một loạt tài liệu được nước Anh giải mã mới đây cho thấy, khi đó phía Anh lo lắng rằng các băng đảng xã hội đen Hồng Kông sẽ cấu kết với công an Trung Quốc trong tương lai, cùng hợp tác gây náo loạn Hồng Kông.
Hiện nay, phong trào phản đối dự luật dẫn độ đã tiếp diễn trong hơn nửa năm. Việc lạm dụng quyền lực và bạo lực của cảnh sát Hồng Kông được chính quyền Trung Quốc ủng hộ công khai, và họ ngày càng trở nên lưu manh, thậm chí bắn đạn thật vào người biểu tình trên đường. Đến nay, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ hơn 6.500 người biểu tình. Trong cuộc diễu hành ngày đầu tiên của năm mới, cảnh sát Hồng Kông đã lập kỷ lục bắt giữ hơn 400 người.
Người Hồng Kông cho rằng bây giờ là “xã hội đen quản lý Hồng Kông”.
A Huy nói rằng, việc cảnh sát Hồng Kông bắt giữ nhiều người là để đe dọa những người biểu tình, “muốn thực hiện hiệu ứng răn đe” khiến họ ít ra ngoài hơn.
Tiểu đội Tốc Long không dám lộ mặt
Ngoài ra, do một số sĩ quan cảnh sát Hồng Kông sử dụng các biện pháp tàn bạo đối với người biểu tình, không giống hành vi thường thấy của cảnh sát Hồng Kông, làm dấy lên nghi ngờ rằng công an Trung Quốc trà trộn vào lực lượng cảnh sát Hồng Kông để đàn áp người dân Hồng Kông.
A Huy chưa thể khẳng định điều này, nhưng anh tiết lộ một chi tiết: Sau khi cảnh sát hoàn thành nhiệm vụ và trở về đồn, mọi người đều sẽ tháo mặt nạ nghỉ ngơi hoặc chào nhau. Tuy nhiên, có một nhóm thành viên tiểu đội Tốc Long không bao giờ gỡ bỏ mặt nạ ngay cả khi thời tiết nóng, chỉ vào phòng nghỉ ngơi, gần như không dám lộ mặt.
Hiện tại, Ủy ban Chính trị và Pháp luật ĐCSTQ, nơi chuyên trấn áp dân chúng trong nước đã tham gia sâu vào các vấn đề của Hồng Kông. Khi Tập Cận Bình gặp Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga tại Thượng Hải và Bắc Kinh, Bộ trưởng Bộ Công an ĐCSTQ Triệu Khắc Chí và Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật ĐCSTQ Quách Thanh Côn đều có mặt.
Khi tân Cảnh sát trưởng Hồng Kông Đặng Bính Cường (Chris Tang) đến thăm Bắc Kinh hồi đầu tháng 12, ông đã gặp Triệu Khắc Chí và Quách Thanh Côn. Quách Thanh Côn tuyên bố rằng Ủy ban Chính trị và Pháp luật ĐCSTQ sẽ “hỗ trợ đầy đủ cho cảnh sát Hồng Kông” tiếp tục “ngăn bạo trừ loạn”. Triệu Khắc Chí cũng tuyên bố rằng “Bộ Công An Trung Quốc luôn là hậu phương vững chắc của Cảnh sát Hồng Kông”.
Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình trong năm mới cũng thể hiện sự cứng rắn của Bắc Kinh đối với phong trào đấu tranh dân chủ ở Hồng Kông mà không có sự nhượng bộ nào.
Minh Huy (Theo NTDTV)