Ngồi một mình trong căn phòng khách sạn tại Việt Nam, cựu binh Mỹ Jim Reischl, 68 tuổi, không giấu nổi cảm giác bồn chồn, xúc động. Ông cho biết mình đã đi một chặng đường dài tới 13.600km, với một đầu gối bị viêm khớp để tìm gặp mối tình đầu sau 45 năm xa cách.
Năm 1969, Trung sĩ Jim Reischl khi ấy 21 tuổi, thuộc lực lượng không quân Mỹ đã đến Việt Nam. Ông đóng quân tại căn cứ Tân Sơn Nhất. Và cũng tại đây, ông đã gặp gỡ và yêu say đắm một thiếu nữ tên là Linh Hoa.
Nhưng hạnh phúc chỉ được một thời gian, vào tháng 7/1970, Jim được lệnh phải rời Sài Gòn trở về nước. Trước khi chia tay, Linh Hoa đã khóc rất nhiều và nói với ông rằng, bà đã mang trong mình giọt máu của ông, nhưng chàng binh sĩ trẻ lúc ấy không tin điều đó.
Một tuần sau, Linh Hoa lại hỏi Jim liệu ông có thể ở lại với bà không, nhưng Jim nói rằng ông không thể. Ngày 1/6/1970, Jim từ biệt Linh Hoa, về nước với nỗi nhớ thương và niềm ân hận.
Về đến Mỹ, ông sống tại bang Minnesota và trở thành một nhân viên vẽ bản đồ cho chính phủ. Ông từng kết hôn 2 lần, và có 1 người con trai.
Thời gian trôi đi, dẫu vẫn luôn bận rộn với cuộc sống riêng, nhưng đôi lúc ông vẫn ray rứt về mối tình đầu năm xưa ở Sài Gòn, và tự hỏi, liệu cô ấy có ổn không?
Năm 2005, cuộc hôn nhân thứ 2 cũng đổ vỡ, Jim lại càng nhớ da diết về mối tình đầu của mình. Không muốn bỏ mất cơ hội như năm ấy, ông bắt đầu tìm kiếm người phụ nữ mà ông từng yêu ở Việt Nam. Jim chỉ nhớ bà tên là “Linh Hoa” nhưng cũng biết đó dường như không phải là tên thật.
Năm 2012, với sự giúp đỡ của các tình nguyện viên thuộc tổ chức Father Found, ông Jim đã trở lại Việt Nam sau 42 năm. Từ đó, mỗi năm ông đều sang Việt Nam 1 lần, có năm 2 lần để tìm lại Linh Hoa.
Phần trích dẫn bức thư mà ông Jim đăng trên báo chí để tìm bà Linh Hoa như sau:
“Linh Hoa yêu mến,
Anh đang đi tìm em. Đã bao năm trôi qua rồi, anh tìm không phải với ước muốn nối lại tình xưa. Anh chỉ muốn nói chuyện với người con gái mà anh đã biết vào những năm 1969 và 1970. Anh muốn biết em ra sao sau những năm vừa qua, em đã có gia đình chưa. Anh hi vọng em đã có gia đình, còn anh, anh có một đứa con trai. Anh biết có lẽ em đang tự hỏi tại sao anh vẫn nghĩ về em.
Những ý nghĩ về em chưa bao giờ rời bỏ anh, có lẽ vì em đã luôn tốt với anh, em đã luôn ở bên anh. Và anh muốn xin lỗi em, xin lỗi là anh đã bỏ mặc em trong thời gian đó. Anh hi vọng em hiểu rằng lúc đó anh chỉ là thằng con trai 21 tuổi, đầy sợ hãi, ở một đất nước xa lạ, và anh chỉ muốn được về nhà.
Bây giờ anh cảm thấy mình có lỗi. Anh biết em đã nói với anh rằng em có mang, nhưng lúc đó anh không chắc anh có thể tin em. Anh đã nghi ngờ em, vì quân đội Mỹ nói rằng phải cẩn thận về những gì những người phụ nữ Việt Nam nói, rằng họ chỉ muốn rời bỏ đất nước của họ. Vì thế anh sợ. Đáng lẽ anh không nên nghĩ thế. Anh mong em hiểu cho anh. Anh đang tìm em để nói với em những điều này. Anh hi vọng em sẽ trả lời anh.
Bây giờ, sau nhiều năm có gia đình, anh đã ly dị, nhưng anh sống ổn. Anh đã có công việc tốt, và bây giờ nghỉ hưu có lương, vì thế anh có thời gian đi tìm em. Tìm em để có thể cảm ơn em, cảm ơn em đã bên anh khi anh đã rất cần một người bên anh trong những năm 1969 và 1970. Em đã luôn tốt với anh. Anh muốn nói với em điều này khi gặp mặt. Bây giờ, cả hai chúng ta đã già rồi.
Trong trường hợp em không muốn gặp lại anh, anh cũng chấp nhận. Anh chỉ muốn biết rằng em ổn. Nếu biết được điều đó, anh sẽ không đi tìm em nữa. Cuối thư, anh cảm ơn em về tất cả những gì em đã làm cho anh thời gian đó và anh hi vọng sẽ sớm nhận được tin em.
JIM REISCHL”
Lá thư ấy sau một thời gian đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.
Giọt nước mắt đầu tiên
Tháng 9/2015, tại làng Mỹ Luông, Đồng bằng sông Cửu Long, có một người phụ nữ 64 tuổi, đang ngồi chăm sóc cho người chồng nằm liệt giường của mình. Rảnh tay, bà lại thong thả đọc tin trên một chiếc ipad.
Thế rồi một tấm ảnh đã khiến bà phải chú ý đến, bà đã bị sốc khi nhìn thấy bức ảnh thời trẻ của mình chụp cùng người lính Mỹ – mối tình năm xưa của bà, ông Reischl. Và người phụ nữ ấy chính là Linh Hoa với tên thật là Nguyễn Thị Hạnh.
Mọi ký ức năm ấy ùa về như một cuốn phim buồn, bà đã suy sụp rất nhiều kể từ sau khi ông Jim rời khỏi Việt Nam, lúc đó bà 19 tuổi và đã mang thai. Bà quyết định rời mảnh đất Sài Gòn ồn ào để về một vùng quê nông thôn sinh sống.
Ngày 18/10/1970, một bé gái ra đời với đôi mắt to, làn da sáng màu giống hệt cha của nó. Bà đặt tên con là Nguyễn Thanh Nguyên Thủy, có nghĩa là “giọt nước mắt đầu tiên”, bởi vì đã không có ai ở bên cạnh bà vào lúc đó.
Rồi bà gửi con cho một người bạn nhờ mang đến trại mồ côi để được chăm sóc tốt hơn. Bà nghĩ thỉnh thoảng có thể thăm con được, chứ bên cạnh bà thì con khổ. Thế nhưng người bạn đột nhiên biến mất, bà hốt hoảng đến tìm con ở trại trẻ, thì các sơ khẳng định rằng, họ không thấy hồ sơ của đứa bé.
Vậy là mọi thông tin về con đột ngột biến mất như chưa từng tồn tại. Bà đã tìm con trong nhiều năm rồi vẫn không có kết quả.
Sau đó, bà kết hôn với một người đàn ông khác, và có với nhau 2 người con. Cuộc sống bà khá bình ổn và hạnh phúc, mặc dù chồng bà hiện đang nằm liệt giường nhiều năm sau một cơn đột qụy, nhưng con cái bà hiện đã trưởng thành, nên cũng không còn gì để lo lắng nữa.
Cho đến khi bà nhận được những dòng tin của ông Reischl, thì mọi ký ức năm đó mới chợt hiện về. Tuy nhiên bà đã không còn trách ông nữa, và quyết định sẽ gửi email cho phóng viên, nhờ giúp bà liên lạc với Jim.
Hai người nhanh chóng liên lạc với nhau, ông cũng rất bất ngờ khi cuối cùng đã tìm được bà. Rất nhiều điều muốn nói, rất nhiều câu muốn hỏi. Cả hai ông bà đều rất hồi hộp trong những ngày chờ đợi được gặp nhau.
Rồi ngày đó cũng đến, cánh cửa mở ra, khi nhìn thấy người phụ nữ nhỏ nhắn trước mặt, ông Jim đã thốt lên: “Thật vui khi lại được gặp em… một lần nữa”. Ông dang rộng cánh tay của mình ôm lấy bà, và bà cũng bật khóc.
Ông Jim tâm sự, từ năm 2012 đến nay, năm nào ông cũng đến Việt Nam ít nhất 1 lần để tìm bà. Và giờ đây mong ước đã thành hiện thực. Kể cả sau khi ông đã về Mỹ thì ông bà vẫn thường xuyên liên lạc với nhau như những người tri kỷ.
Phần bà Hạnh cho biết, bà vẫn mong tìm lại đứa con gái năm xưa của mình. Họ đã mua một bộ xét nghiệm DNA để có thể lấy mẫu DNA từ bà Hạnh và đưa vào kho dữ liệu trên một trang web dành cho những người Mỹ đang tìm người thân.
Bà Hạnh chia sẻ: “Nếu nói rằng tôi hoàn toàn bình tĩnh và vô tư khi gặp lại Jim thì đó là nói dối. Cảm xúc lúc này của tôi đang lẫn lộn. Tôi hạnh phúc với cuộc sống hiện tại của mình. Tôi chỉ có một ước nguyện chưa thực hiện được là có thể tìm thấy lại được đứa con gái đầu của tôi”.
Bởi đối với cả hai ông bà, nếu không thể tìm lại được con gái thì cuộc hội ngộ này vẫn chưa thật sự trọn vẹn.
Chúc Di (t/h)