Vì sao 10/3 Âm lịch được chọn là ngày giỗ Tổ Hùng Vương và ngày giỗ đó là giỗ vị vua nào là câu hỏi phổ biến của nhiều người.
Dân gian có câu ‘Dù ai đi ngược về xuôi – Nhớ ngày Giỗ tổ mùng Mười tháng Ba’. Cứ đến 10/3 Âm lịch hằng năm, người dân lại nô nức đổ về Đền Hùng (Phú Thọ) để làm lễ dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng. Đây là ngày lễ trọng đại của dân tộc để con cháu tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn đối với công lao dựng nước của các vua Hùng.
Bà Tạ Thị Kim Nhung – Phó Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết:
“Theo Ngọc Phả Hùng Vương lưu giữ ở Khu dich tích Đền Hùng viết năm 1470, ngày 10/3 Âm lịch là ngày giỗ của Vua Hùng cuối cùng (đời thứ 18) và ngày đó được chọn là ngày chính cho tất cả ngày giỗ Tổ Hùng Vương’.
Thuở xưa, dưới chân núi Hùng có 3 làng thờ Vua Hùng. Trong đó, làng Cổ Tích, xã Hy Cường, thành phố Việt Trì, Phú Thọ chọn 3 ngày 9, 10 và 11/3 Âm lịch để tổ chức lễ hội tưởng nhớ công ơn Vua Hùng.
Chiều 9/3, người dân lên miếu Thượng rước Tổ thánh về đình Cổ tích.
Ngày 10/3 là ngày lễ chính với các lễ tế được diễn ra.
Đến ngày 11/3, rước tượng Vua Hùng trở lại miếu”.
Còn theo TS Phạm Văn Tuấn – Viện nghiên cứu Hán Nôm cho hay, trước năm 1917, lễ hội diễn ra một cách tự phát, không thường niên và thường được tổ chức ở quy mô nhỏ.
“Đến ngày 25/7/1917, Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc có công văn dâng lên Bộ Lễ triều đình Nguyễn xin lấy ngày 10/3 Âm lịch làm ngày tổ chức lễ hội. Sau khi được đồng ý, từ năm 1918 trở về đây, lễ hội được tổ chức định kì vào 10/3 Âm lịch’.
Ngày 2/4/2007, Quốc hội nước ta đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên ngày Giỗ tổ Hùng Vương“.
Giỗ tổ Vua Hùng là giỗ Vua nào?
Theo truyền thuyết, Kinh Dương Vương lấy Long Nữ sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân kết duyên với Âu Cơ sinh ra Hùng Vương. Do vậy, theo logic, giỗ Tổ vua Hùng, tức là giỗ tổ phụ Kinh Dương Vương.
Cũng theo truyền thuyết, nước ta có 18 đời vua Hùng, mỗi đời được tính là 1 triều đại, tương tự như nhà Lê, nhà Nguyễn… sau này và có thể có một hoặc nhiều vị vua.
Theo tài liệu lịch sử ghi lại, ngày giỗ tổ đã có từ cách đây 2.000 năm. Thời Thục Phán – An Dương Vương, trên núi Nghĩa Lĩnh đã có cột đá thề với nội dung: ‘Nguyện có đất trời chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu thất hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập’.
Các đời vua sau này ghi nhớ công ơn của các đời vua Hùng dựng nước và giữ nước nên sau này, việc giỗ Tổ vua Hùng được coi là dịp lễ để tưởng nhớ các đời vua Hùng nói chung.
Tổng hợp