Tinh Hoa

Cuối cùng bí ẩn “vùng chết chóc” bên trong cơn lốc xoáy cũng được giải mã

Từng là bí mật không thể giải mã của giới khoa học, vùng bên trong của 1 cơn lốc xoáy cuối cùng cũng được nhà nghiên cứu người Canada khám phá.

Nổi tiếng là vùng có điều kiện thời tiết gần như yên bình, tĩnh lặng, khó có thể tin, mắt bão chính là khu vực trung tâm của các cơn lốc xoáy thuận nhiệt đới có cường độ rất mạnh xuất hiện trên Trái đất.

Cho đến nay, mắt bão vẫn là khu vực bí ẩn nhất đối với các nhà khoa học. Bên trong khu vực tưởng chừng tĩnh lặng này ẩn chứa những nguy hiểm chết người nào mà đến nay con người chưa thể thấu hiểu?

Câu trả lời đến từ vị giáo sư Georgios Vatistas thuộc trường Đại học Concordia (ở Montreal, Canada).

Chúng ta đều biết, lốc xoáy là một dạng bão cực kỳ nguy hiểm, có thể càn quét và tàn phá mọi thứ trên mặt đất tại những nơi mà nó đi qua.

Phát triển từ một ổ dông siêu mạnh hay từ một dải gió giật mạnh, lốc xoáy được tạo nên từ một luồng không khí xoáy tròn có thể rộng đến hàng chục km và di chuyển với vận tốc cực lớn qua hàng trăm km.

Để khám phá bí mật bên trong lốc xoáy, giáo sư đã tiến hành nghiên cứu trường hợp cơn lốc xoáy Scottsbluff ở bang Nebraska (Mỹ) xảy ra vào ngày 27/6/1955,

Những nhân chứng của cơn lốc xoáy khủng khiếp xảy ra cách đây 62 năm cho biết, khi cơn lốc Scottsbluff cuốn qua họ, khí hậu đột nhiên thay đổi kỳ lạ:

Nhiệt độ bỗng giảm mạnh mặc dù đó là thời điểm giữa hè, khiến họ thấy rét run. Chưa hết, không khí xung quanh lúc đó trở nên ngột ngạt, khó thở như bị thiếu khí trầm trọng.

Sau hơn 60 năm xảy ra hiện tượng thiên nhiên đáng sợ này, các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được vì sao cơn lốc xoáy năm đó lại khiến con người cảm thấy kỳ lạ đến vậy.

Sau 33 năm dày công tìm hiểu và nghiên cứu cơn lốc Scottsbluff, giáo sư Vatistas cùng với cộng sự là hai sinh viên ưu tú của mình, giáo sư người Canada cuối cùng cũng giải mã thành công bí ẩn bên trong mắt bão của một cơn lốc xoáy.

Bí ẩn được giải mã đó mang tên “Vùng chết chóc” (Death Zone).

Theo đó, “thành phần” của “Vùng chết chóc” chính là nhiệt độ giảm mạnh và lượng oxy bên trong cơn lốc xoáy thì thiếu hụt trầm trọng.

Giáo sư Vatistas cho biết, khi vòng xoáy càng lớn thì nhiệt độ và lượng oxy bên trong cơn lốc càng giảm mạnh.

Cụ thể với trường hợp của cơn lốc Scottsbluff, giáo sư cho biết, nhiệt độ bên trong cơn lốc xoáy lúc đó rơi từ 27 độ C xuống còn 12 độ C. Cùng với đó, mật độ không khí ở khoảng 20% (thấp hơn lượng không khí đo được ở một địa điểm cao 8.000 m trên Trái đất).

“Đó chính là “Vùng chết chóc”. Nơi khiến sự sống khó tồn tại nếu con người hoặc bất cứ sinh vật nào bị “mắc kẹt” vào đó”, giáo sư Vatistas cho biết thêm.

Ông hi vọng, với kết quả nghiên cứu này của mình, giới khoa học thế giới sẽ hiểu thêm về những hiện tượng thời tiết cực đoan luôn xảy ra trên thế giới như lốc xoáy, vòi rồng.

Sau khi kết quả nghiên cứu được công bố rộng rãi, giới khoa học ghi nhận kết quả sẽ giúp các kĩ sư cải thiện hoạt động của ống thiết bị làm lạnh trong máy móc, linh kiện điện tử…

Theo Soha