BizLIVE – Trong khi đại diện Bộ Công thương cho rằng việc người dân phải mua giá đường cao do doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước, đại diện Hiệp hội Mía đường lại đẩy quả bóng trách nhiệm về phía Bộ Công thương.
Giá đường Hoàng Anh Gia Lai thấp hơn nhiều so với trong nước. Ảnh: TL Trong phát biểu mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú đã đánh giá: “Nhiều năm qua, 90 triệu người dân Việt Nam liên tục phải tiêu thụ đường ăn với giá cao gấp rưỡi, thậm chí có thời điểm gấp đôi so với thế giới. Tại thời điểm hiện tại, giá bán đường giao tại cửa các nhà máy trong nước đang cao khoảng gấp rưỡi giá đường ăn thế giới”.
Tuy nhiên, trong phản hồi dài 9 trang của Hiệp hội Mía đường, ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường cho biết, giá thành đường của Việt Nam hiện nay có cao hơn một số nước trong khu vực và trên thế giới nhưng không phải là quá cao. Nguyên nhân giá thành cao là do giá mía cao. Cũng theo ông Hải, giá đường tiêu thụ nội địa của Việt Nam thấp hơn nhiều nước trên thế giới, chỉ cao hơn một số ít nước như Brazil, Ấn Độ. “Chúng ta không thể so sánh giá tiêu thụ nội địa với giá thương mại thế giới. Lại càng không thể có so sánh khập khễnh giữa giá tiêu thụ nội địa với giá đường lậu, đặc biệt là đường lậu từ quota C của Thái Lan”, ông Hải nêu quan điểm. Ông Hải phân tích cụ thể, giá tiêu thụ nội địa của Việt Nam bắt đầu là giá bán sỉ cấp 1 từ các nhà máy đường không cao, có cao chăng là giá lẻ, chênh lệch giữa giá sỉ và giá lẻ có khi lên đến 50 – 60 % mà dư luận đã lên tiếng chênh lệch quá cao giữa giá sỉ và giá lẻ thuộc về các nhà thương mại trung gian và bán lẻ. Vị đại diện Hiệp hội Mía đường đặc biệt nhấn mạnh, đẩy trách nhiệm sang Bộ Công thương: “Đây là phạm vi của quản lý thị trường thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương quản lý, để người tiêu dùng được ăn đường giá rẻ thì yếu tố quan trọng nhất làm ngay sẽ mang lại hiệu quả vô cùng lớn là Bộ Công thương nên có biện pháp để quản lý chặt để triệt nạn đầu cơ làm giá nếu có, không loại trừ bất cứ doanh nghiệp nào có liên quan”. Ngành mía đường bảo thủ? “Nguyên liệu trong giá thành đường tại Việt Nam vào khoảng 12.000 đồng/kg trong khi Thái Lan là 8.000 đồng/kg, Hoàng Anh Gia Lai là 5.000 đồng/kg. Mỗi năm người tiêu dùng Việt Nam bị móc túi 4.000 tỷ, thay vì mua đường với giá 17.000 đồng/kg đã phải mua với giá 21.000 đồng/kg thậm chí 25.000 đồng/kg”, ông Phú dẫn chứng. Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại
Đặc biệt, ông Phú chỉ ra bất cập trong khâu phân phối, trung gian được hưởng lợi nhiều trong chuỗi sản xuất, phân phối. “Luật Mía đường của Thái Lan quy định người sản xuất mía được 70% lợi nhuận sau khi bán ra hạt đường cuối cùng còn lại các khâu trung gian, bán buôn bán lẻ chỉ được hưởng 30% trong khi đó tại Việt Nam, người nông dân lại thua thiệt nhất”, ông Phú nói. Cũng theo ông Phú, có thời điểm sốt đường, Vụ thị trường trong nước vào nhà máy đường đề xuất việc nhà máy giao thẳng đường cho siêu thị đóng gói bán nhưng các nhà máy này không trả lời. “Ngành đường là ngành bảo thủ, thao túng giá, đầu cơ, giết người tiêu dùng. Chúng ta hội nhập sâu rộng nên không thể duy trì câu chuyện này”, ông Phú nhấn mạnh. Ông Phú cho rằng, chỉ cần mỗi phân xưởng, nhà máy sản xuất đường tự đóng gói đường sẽ bớt đi 3 khâu trung gian. Tuy nhiên để làm được điều này Bộ Công thương cũng cần “siết” các quy định, doanh nghiệp sản xuất đầu nguồn phải chịu trách nhiệm đến cùng về giá cả hàng hóa. Đồng thời, phải có cơ chế để người nông dân có cổ phần tại các nhà máy đường, hệ thống siêu thị như các nước đã làm thay vì mô hình liên kết 4 nhà như hiện nay. Cuối cùng ông Phú kết luận, khi mở cửa hội nhập, mức thuế về 0%, đường từ các nước như Thái Lan, Lào sẽ “đổ bộ” vào, đến lúc đó sẽ không còn hiện tượng “đá đẩy trách nhiệm” như hiện nay, “bầu sữa bảo hộ” không còn, các doanh nghiệp khỏe sẽ sống, yếu sẽ chết. TÂM AN Tin liên quan Bị nghi ngờ năng lực, bầu Đức nói gì? “Cuộc chiến” mía đường: Hiệp hội Mía đường “phản pháo” Thứ trưởng Tú Vì sao doanh nghiệp mía đường Việt nên “tập cạnh tranh” với HAGL?
Cùng dòng sự kiện
|
Theo BizLive