Tinh Hoa

Cưa sừng tê giác để bảo vệ động vật hoang dã

Săn bắt tê giác lấy sừng làm thuốc phục vụ cho mục đích kiếm lợi khiến loài động vật hoang dã này đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng là việc làm không có lương tâm và thiếu trách nhiệm với cộng đồng.

© Jason Gilchrist

“Khi chiếc cưa điện cắt vào gốc sừng tê giác đang sống nằm ngay dưới đất, nó lắc và rung lên kèm theo một mùi khó ngửi giống như mùi tóc cháy. Tôi lo lắng và cảm thấy khó chịu trước mùi vị này”, một thành viên đoàn bảo tồn động vật kể lại.

May mắn cho con tê giác này vì tôi không phải là một tay săn trộm và không cần máu hay tiền thưởng. Đây là một phần của chương trình bảo tồn mà tôi đã tham gia chỉ hơn một tháng trước, với hoạt động địa phương nhằm cưa bỏ sừng tê giác trắng tại Nam Phi. Bằng cách loại bỏ chiếc sừng, chúng tôi có thể ngăn chặn các động cơ săn trộm loài này. Tuy nhiên, trong tâm tôi đã diễn ra một cuộc xung đột cảm xúc bởi việc lấy đi sừng tê giác chẳng khác gì điều mà những kẻ xấu làm. Trong một thế giới lý tưởng, chúng tôi sẽ không phải làm điều này, nhưng đó là vì lợi ích cho loài tê giác và

cả các loài động vật.

Sau khi cưa bỏ chiếc sừng, con tê giác lại trở về với cuộc sống tự nhiên. Giống như tóc hay móng tay của bạn, sừng tê giác được cấu tạo từ chất keratin, do vậy việc cắt bỏ nó không gây đau đớn và nó sẽ dần mọc lại.

Nhưng nếu những kẻ săn trộm đến trước chúng tôi, họ gần như chắc chắn sẽ giết tê giác để lấy sừng, và cái chết của chúng sẽ thật đau đớn.

Di chuyển mục tiêu

Một phương pháp khác để ngăn chặn những kẻ săn trộm là di chuyển tê giác đến nơi khác. Tôi đã tham gia vận chuyển tê giác đi xa hàng trăm km trong các thùng gỗ lớn phía sau những chiếc xe tải để đến một địa điểm an toàn hơn.


Việc cưa sừng và vận chuyển đều cần đến đội ngũ bắt giữ tê giác, những chiếc trực thăng, những chiếc xe tốc độ cao cùng các tay lái điêu luyện…, bác sĩ thú y về động vật hoang dã và cả sự sợ hãi của loài động vật rất lớn (gần như không bao giờ thật sự ngủ) này. Đó là một việc làm có ý nghĩa lớn lao nhưng cũng nguy hiểm cho cả đội và cả loài tê giác.

Tuy nhiên, bất chấp những biện pháp quyết liệt và tốn kém, tình trạng săn trộm tê giác ở châu Phi vẫn ở mức báo động, với động cơ chủ yếu là nhu cầu từ thị trường chợ đen ở châu Á.

Tội ác nhằm vào động vật hoang dã (hoặc môi trường) không chỉ dừng lại ở loài tê giác trắng, nhưng loài này được đặt lên hàng đầu cho Phi Châu và cho nỗ lực bảo tồn. Nếu chúng ta không thể cứu chúng khỏi sự tuyệt chủng bởi hoạt động thương mại bất hợp pháp, thì chúng ta còn hi vọng gì có thể kiểm soát được nạn săn thú rừng lấy thịt, giải cứu những con tinh tinh nhỏ bị bắt cóc làm vật nuôi hoặc phục vụ cho ngành công nghiệp giải trí, ngăn chặn tình trạng ô nhiễm công nghiệp đang phá huỷ hệ sinh thái, hoặc ngăn ngừa sự mất mát của những vạt rừng lớn cùng đa dạng sinh học phụ thuộc của nó? V.v…

Phạm vi quốc tế

Tội ác nhằm vào động vật hoang dã là tội ác phổ biến trên toàn thế giới và hậu quả sau cùng là làm suy yếu các chức năng của hệ sinh thái mà nhân loại chúng ta đang phụ thuộc vào.


Tội phạm về động vật hoang dã thường là tội phạm quốc tế. Hàng hoá được buôn bán qua biên giới từ nơi sẵn có đến nơi có nhu cầu. Đây là lý do tại sao chúng ta cần một mạng lưới điều tra và thực thi pháp luật quốc tế có hiệu quả, và tại sao chúng ta cần nó hoạt động trên đất Phi châu. Interpol – một tổ chức kết nối các cơ quan thực thi pháp luật và các đối tác trên phạm vi quốc tế gần đây vừa công bố sự hình thành của một nhóm tội phạm động vật hoang dã chuyên biệt mới ở Đông Phi.

Không phải những quốc gia có tội phạm về động vật hoang dã thiếu động lực để giải quyết vấn đề của họ. Tôi đã trực tiếp chứng kiến các nỗ lực ngăn chặn và phòng chống mà Bộ Môi trường và Bảo tồn thiên nhiên, các đơn vị chính phủ Nam Phi có nhiệm vụ bảo vệ đa dạng sinh học được triển khai để giải quyết nạn săn trộm tê giác. Nhưng hiện tại những nỗ lực để giải quyết vấn nạn này trên khắp lục địa và xa hơn nữa rõ ràng là không đủ, và bất kỳ sự hỗ trợ hoặc nâng cao nguồn lực nào chỉ có tác dụng trợ giúp mà thôi.

Tương đương với vàng hoặc cô-ca-in

Ngân sách của các tổ chức thực thi và bảo tồn Phi Châu hạn hẹp hơn rất nhiều so với số tiền mà tổ chức tội phạm quốc tế kiếm được. Một kg sừng tê giác ước tính có trị giá 65.000 USD, đáng giá hơn cả vàng hay cô-ca-in có trọng lượng tương đương. Khối lượng sừng một con tê giác trắng trưởng thành trung bình khoảng sáu kilogram, tương đương mức giá 390.000 USD! Sự hỗ trợ mà Interpol mang lại có thể sẽ khắc phục phần nào tình trạng mất cân đối nguồn lực.

Hai loài động vật có vú lớn nhất Trái Đất. (Steve  Slater/Flickr)

Bắt nguồn từ một báo cáo gần đây nêu bật sự sụt giảm số lượng của loài voi châu Phi và tê giác do nạn săn bắt trộm Đông Phi, một tổ chức Interpol mới đã được thành lập. Giống như tê giác, voi cũng là loài cần phải được bảo tồn với những biệp pháp mạnh mẽ.

Việc chia sẻ thông tin tình báo giữa các cơ quan ở châu Phi và châu Á có thể sẽ là một cách thức hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ voi châu Phi và tê giác trắng bị chết. Đây là hai loài động vật có vú trên cạn lớn nhất trên Trái đất.

Cần có biện pháp tập trung vào những kẻ săn trộm ở châu Phi (nguồn cung) và những tên buôn ở châu Á (nhu cầu), đồng thời tăng cường giáo dục về môi trường và vấn đề pháp lý của một số sản phẩm động vật hoang dã. Đây có thể là giải pháp tốt hơn để cứu voi, tê giác và các loài khác. Bằng cách thành lập những nhóm điều tra tội phạm môi trường chuyên biệt tại Nairobi, Interpol có thể cung cấp các nguồn lực và hỗ trợ cho địa phương trong vấn đề này.

Việc đặt cơ sở của nhóm tại ở Kenya cũng là động thái tốt. Kenya là một trong những quốc gia có số lượng voi và tê giác cao nhất ở châu Phi. Vì vậy, quốc gia này cũng là tiêu điểm của nạn săn trộm. Chỉ tính riêng trong năm 2013, Kenya bị mất ít nhất 59 con tê giác và 302 con voi vì nạn săn trộm.

Kenya là xứ sở cho cả hai phân loài phía bắc và phía nam của loài tê giác trắng bên cạnh loài tê giác đen. Chỉ cách đây vài ngày, cái chết của Suni, tê giác trắng miền Bắc đầu tiên sinh ra trong điều kiện nuôi nhốt, làm cho chi này của gia đình tê giác có khả năng đã tuyệt chủng. Suni là một trong hai con đực còn sống sót (con khác là Sultan, 35 tuổi, khá già so với loài tê giác nói chung), và bây giờ chỉ còn sáu cá thể còn sót lại.

Số lượng các phân loài phía bắc đã sụt giảm mạnh do tình trạng săn bắn trái phép trong nhiều năm. Sự suy giảm của phân loài này là hệ quả của việc phòng chống tội ác đối với động vật hoang dã kém hiệu quả. Chúng ta đang dần mất đi thế giới hoang dã. Vì vậy, cần phải đầu tư nhiều hơn nữa trong cuộc chiến chống tội ác nhằm vào động vật hoang dã, tăng cường hợp tác quốc tế song song với các hành động dài hạn nói trên. Từ đó có cơ sở hy vọng rằng chúng ta có thể ngăn chặn điều tương tự xảy ra với những loài khác.

Jason Gilchrist là một nhà sinh thái học tại Đại học Edinburgh Napier. Ông nhận được tài trợ từ Đại học Edinburgh Napier và từ tổ chức Carnegie ủy thác cho các trường đại học của Scotland vì đã có một nghiên cứu xuất sắc.


Bài viết này được công bố lần đầu trên The Conversation.

Theo Đại Kỷ Nguyên