Sau khi lập hội đồng chuyên môn để đánh giá về việc thanh niên được chẩn đoán chấn thương phần mềm nhưng sau đó phải cưa chân, Sở Y tế TP HCM kết luận do kinh nghiệm của bác sĩ còn hạn chế.
Vợ chồng ông Lê Ngọc Nam và bà Lý Thị Kim Chi, ngụ tại Long An, đã đi nhiều nơi cầu cứu về việc con trai Lê Hoàng Lâm, 27 tuổi bị đoạn chi 1/3 dưới đùi phải oan ức.
Theo ông Nam, ngày 21/6, Lâm bị ngã khi chạy xe máy làm chân phải sưng to, đau nhức nên gia đình chuyển đến Bệnh viện huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, khám. Bác sĩ nơi đây thông báo bệnh nặng rồi đặt nẹp ngoài cố định chân và chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Long An.
Sau đó, ông Nam xin chuyển lên Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM vì thấy chân con đau nhức nhiều hơn. Thăm khám và chụp X-quang, bác sĩ T.C.K. ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM xem kết quả rồi kết luận “chấn thương phần mềm gối phải” và cho thuốc uống đồng thời hẹn tái khám sau một tuần. 3 ngày uống thuốc bệnh không giảm, trong khi chân của con tím tái, không cử động được nên cả nhà đưa Lâm lên lại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình.
Rạng sáng ngày 25/6, Lâm được chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy sau khi các bác sĩ nơi đây nhận thấy chân “có vấn đề”. Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy kết luận, chân của Lâm đã bị hoại tử do tắc động mạch khoeo phải, cần phẫu thuật cắt bỏ gấp nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Tỉnh dậy sau phẫu thuật, Lâm không tin vào mắt mình khi chân phải đã bị cắt cụt ngang đùi. “Nó ngồi khóc rồi đòi nhảy lầu tự tử”, ông Nam nói trong nước mắt.
Tuy nhiên, “họ chỉ hứa lắp chân giả cho con tôi và nói hỗ trợ cho bệnh nhân mở tạp hóa hoặc tiệm Internet”, ông Nam chua chát và bức xúc về việc đại diện lãnh đạo thách thức ông đi kiện về sự cố tắc trách này.
Hôm 20/7, lãnh đạo Sở Y tế TP HCM cho biết, sở đã lập hội đồng chuyên môn để đánh giá về ca bệnh này.
Theo kết luận của hội đồng chuyên môn cấp sở, việc tiếp nhận bệnh nhân là đúng quy trình, song bác sĩ chưa đánh giá đầy đủ tình trạng tổn thương dẫn đến chưa tiên lượng được diễn tiến phức tạp của tổn thương động mạch khoeo.
Sở Y tế TP HCM cũng chỉ ra trong kết luận, nguyên nhân chủ quan gây ra sai sót chuyên môn trong ca bệnh là “do kinh nghiệm của bác sĩ còn hạn chế trong chẩn đoán và xử trí trường hợp khó”.
Theo Tiền Phong