Sáng 3/12, tiếp xúc với cử tri ba quận 1, 3, 4, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang bày tỏ bức xúc của cử tri về tình hình tham nhũng, tình hình biển Đông. Cử tri tại TPHCM kiến nghị không được đặc xá, giảm án đối với tội phạm tham nhũng. Ngoài ra, cần coi tham nhũng là tội phản quốc.
Không gì tệ hơn nếu cơ quan chống tham nhũng lại tham nhũng
Theo cử tri Nguyễn Kim Hương (quận 4), nạn tham nhũng còn rất nghiêm trọng, gây giảm sút niềm tin của người dân, đặc biệt là tham nhũng trong chính cơ quan chống tham nhũng. Việc kê khai tài sản cán bộ còn hình thức và chưa hiệu quả. Cụ thể là chưa có vụ tham nhũng nào được phát hiện thông qua việc kê khai tài sản.
Qua đó, bà Hương nhắc lại một số vụ việc như cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ tại Vĩnh Phúc bị công an bắt, cán bộ thanh tra Nhà nước ở Thanh Hóa bị bắt quả tang nhận hối lộ… “Hơn nữa, tình trạng nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp, tham nhũng vặt diễn ra trên nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi”, bà Hương cho hay.
Ngoài ra, bà Hương cũng đề cập đến một số vụ sai phạm lớn liên quan cổ phần hóa, mua bán tài sản công như vụ Mobifone mua lại AVG, sai phạm tại tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.
“Cần coi tội tham nhũng như tội phản quốc, bán ma túy. Nhân dân có nhu cầu chính đáng là tiêu diệt tham nhũng chứ không chỉ ở mức độ phòng chống nữa”. Bà Hương đề nghị không nên đặc xá, giảm án cho tội phạm tham nhũng.
Trong khi đó, cử tri Nguyễn Xuân Cường đặt vấn đề: “Ai tham lam? Ai nhũng nhiễu?”. Theo ông, chỉ “quan” mới có đất để tham lam, có quyền để nhũng nhiễu. Dân không có điều kiện để làm việc này.
Ông Cường ví von: Ông bà mình dạy “Nhà dột từ nóc”, “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Vì vậy, phải xử lý các quan lớn trước, quan bé sau để làm gương. Phải kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng. Những của cải, tài sản nào cán bộ không giải trình được nguồn gốc thì cần tịch thu.
Vấn đề chủ quyền Biển Đông
Cử tri Hoàng Thị Tuyết Mai (phường 15, quận 4) chia sẻ: Vừa qua, khi bộ phim “Người Tuyết bé nhỏ” được công chiếu, hình đường lưỡi bò xuất hiện trong phim đã gây phẫn nộ trong dư luận nhân dân.
Bà Hoàng Tuyết Mai cho biết: Chiến lược cài cắm đường lưỡi bò là rất rõ ràng. Không thể có chuyện ngẫu nhiên đường lưỡi bò xuất hiện trên các vật dụng đưa vào Việt Nam. Các ngôi sao nổi tiếng của Trung Quốc lần lượt lên tiếng ủng hộ…
“Còn cơ quan chức năng của mình thì… đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Nếu còn tiếp tục bị động như vậy thì hậu quả sẽ rất khó lường. Cần có chiến lược và giải pháp để người dân có thể ứng xử một cách phù hợp khi phát hiện các sản phẩm, phim ảnh có cài cắm đường lưỡi bò”, bà Mai đề xuất.
Theo cử tri Nguyễn Văn Hoè (quận 3), đề nghị cần có thái độ kiên quyết đối với các hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo và vùng đặc quyền kinh tế của đất nước.
Ông Hòe cương quyết: “Ông cha mình đã dạy rằng khi ngoại bang xâm phạm bờ cõi, một tấc đất, một tấc biển cũng không thể nhân nhượng. Chúng ta phải kiên quyết bảo vệ cương thổ. Mỗi tấc đất, mỗi tấc biển cha ông chúng ta đã mất biết bao xương máu…”.
Tăng đại biểu chuyên trách lên 50%
Cử tri Nguyễn Hữu Châu (quận 3) nêu thực tế hiện nay nhiều đại biểu Quốc hội đóng 2 vai, vừa vai chính quyền vừa vai đại biểu nên không có nhiều thời gian cho chuyên môn. Bên cạnh đó, nhiều bộ ngành không muốn tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội. “Tôi đề nghị gia tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách lên 40 – 50%”, cử tri Châu nói.
Đồng tình, cử tri Hoàng Thị Lợi (quận 1) cũng đề nghị tăng đại biểu chuyên trách để giảm số lượng đại biểu kiêm nhiệm bởi cử tri cho rằng các đại biểu kiêm nhiệm không họp thường xuyên lại hay “bay đi bay về” giải quyết công việc làm tốn thời gian và chi phí của nhà nước.
Cử tri Lợi cũng đề nghị Ban Thường vụ Quốc hội nên đổi mới cách làm luật. “Quốc hội có thể thành lập các công ty luật cùng các chuyên gia có kiến thức pháp luật và kinh nghiệm thực tế biên soạn luật chứ không nên giao cho các bộ ngành hoặc Chính phủ. Thời gian qua, nhiều luật hoặc nghị định do các bộ soạn thì có nhiều bất cập”, cử tri Lợi cho biết.
Nhiều cử tri nêu thực tế mô hình chính quyền như hiện tại giống như hình tháp ngược, cán bộ cấp cao rất nhiều nhưng càng xuống dưới càng teo tóp. Điều này không phù hợp bởi các chính sách của nhà nước triển khai xuống dân đều thông qua chính quyền cơ sở. Với thực tế ở TP.HCM, không nên quy định máy móc cấp phường có bao nhiêu dân bởi ở khu vực trung tâm thành phố có những phường dân không đông nhưng lại có nhiều nhà hàng, khách sạn và cơ quan hành chính trọng yếu của chính phủ. Cán bộ ở các phường này phải làm rất nhiều việc so với các phường khác.
Vấn đề nước sạch và ô nhiễm không khí
Cử tri Lý Tuyết Mai (quận 1), đề nghị xử phạt thật nặng hành vi xả thải chất độc hại xuống đầu nguồn các dòng sông cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân, phạt nặng xe đang lưu thông mà xả nhiều khói bụi. Bên cạnh đó là khuyến khích, tạo điều kiện để người dân dùng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế nấu nướng bằng than. Các dự án bất động sản cũng phải quy định chủ đầu tư trồng nhiều mảng xanh để thanh lọc không khí.
Cử tri cũng nhấn mạnh phải chế tài nặng với những tổ chức, cá nhân làm ô nhiễm nguồn nước, cùng lúc là kiểm tra định kỳ chất lượng cơ quan cấp nước chứ không phải chờ có sự cố mới kiểm tra.
Cử tri Chu Thị Bình, quận 3, cũng lo lắng về tình hình ô nhiễm môi trường, nhất là khi TP.HCM luôn theo sát Hà Nội về độ ô nhiễm không khí. Về nguồn nước thì sau sự cố ở Hà Nội, bà Bình cho rằng các tỉnh thành khác cũng cần kiểm tra lại chất lượng cung cấp nước sạch.
“Hiện các con sông là nguồn cung cấp nước cho TP cũng đang bị ô nhiễm. Phải có giải pháp quan trắc cả về nước và không khí, báo kết quả thường xuyên cho dân biết để có giải pháp tự bảo vệ mình”, bà Bình kiến nghị.
Từ Nguyên (t/h)