Trong ánh đèn đường rực rỡ ấy, dòng người qua lại nhiều không đếm xuể, thật không khó để tìm thấy một nhà hàng sang trọng, hay những quán cà phê, trà sữa đắt tiền, nhiều người xúng xính diện những bộ quần áo đẹp và thời thượng qua lại, tiếng nói cười rôm rả, tiếng xe cộ qua lại.
Bề ngoài, Sài Gòn có vẻ thật hào nhoáng!
Nhưng mấy ai biết được, đằng sau vẻ hào nhoáng đó, còn rất nhiều những mảnh đời khó khăn và những câu chuyện chưa tỏ. Có những người họ chẳng còn ước ao gì hơn, ngoài việc chấp nhận số phận.
Ông cụ bị thương ở chân cùng trái tim tuyệt vọng
Như câu chuyện về ông cụ dưới đây, được một bạn có tên Thy (ngụ tại TP. Hồ Chí Minh) đã đăng lên dòng trạng thái của mình với hi vọng sẽ có “mạnh thường quân” nào đó tới giúp cụ ông. Nội dung dòng trạng thái như sau:
“Ông đã lớn tuổi, trước đây cả ngày chạy xe ôm dưới cái nắng gắt khắc nghiệt của Sài Gòn. Tối về thì ôm chiếc xe ngủ một góc ngoài đường, không nhà cửa, không con cháu. Hiện ông bị tiểu đường giai đoạn 3. Bác sĩ trả về, bây giờ chỉ còn sống được ngày nào hay ngày đó thôi.
Chân ông lở loét gần hết nên thịt bắt đầu hoại tử. Để càng lâu sẽ hoại tử hết chân luôn. Vì bốc mùi hôi nên không ai đi xe ông hết. Ông chỉ ngồi vậy, ai cho gì ăn nấy. Mấy người có nhã ý đưa ông về chùa nhưng ông chẳng chịu. Em viết status này không phải vận động kinh phí, chỉ mong có mạnh thường quân, bác sĩ hoặc nhóm từ thiện lớn nào đó khuyên và giúp ông chữa trị vết thương cũng như cho ông chỗ nghỉ ấm một chút thôi. Sắp mùa mưa rồi, nhìn xót lắm.
Nếu ai biết nhóm hay hội nào đó lớn xin chỉ họ giúp ông. Nếu cứ để như vậy thì ông sẽ không sống được bao lâu nữa. Tiền bây giờ không phải là thứ cần thiết nhất với ông. Tốt nhất là ai đó khuyên ông trị cái chân. 9 giờ tối ông thường ngồi ở đường Lý Thái Tổ, phường 1, quận 10, TP.HCM, còn sáng thì không biết ông đi đâu. Nhiều người xót xa cho hoàn cảnh của ông lão neo đơn mắc bệnh hiểm nghèo và cũng muốn giúp cụ”.
Bài đăng của Thy sau đó may mắn được một bạn tên Quang Huy (ngụ tại TP. Hồ Chí Minh) và nhóm từ thiện của mình đọc được. Họ đã nhanh chóng lên đường tìm tới ông cụ đề nghị được giúp đỡ và thuyết phục ông đến bệnh viện chữa trị. Có lẽ do mặc cảm về bệnh tật và sự tuyệt vọng do lâu ngày bị mọi người xa lánh, ông nhất định không đồng ý dù sức khỏe của bản thân đã yếu lắm rồi.
Quang Huy chia sẻ: “Hôm qua mình và nhóm có kêu là mai đưa ông đi sát trùng vết thương nhưng ông không chịu. Có đề nghị xin cho ông vô chùa, ông cũng không chịu. 8 giờ tối nay nhóm mình sẽ ghé lại lần nữa cùng nhóm khác. Hy vọng sẽ thuyết phục được ông tới bệnh viện. Nếu tình trạng này kéo dài thì ông sẽ không sống được lâu, mà bây giờ cho tiền vẫn không phải là cách tối ưu”.
Qua lời chia sẻ của Quang Huy, có thể thấy được dường như ông cụ chỉ chờ được chết để chấm dứt những tháng ngày cùng cực ấy. Có lẽ đã quá lâu ông phải sống cô đơn một mình trong cảnh nghèo khó, không người thân, không nhà cửa, những lúc một mình chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo mà không biết mình sẽ ra đi lúc nào, khoảng thời gian đó với ông quả thật khó khăn mà không ai có thể tưởng tượng được. Cũng có thể đằng sau đó, còn có những câu chuyện uẩn khúc nào đó mà ông chưa từng kể với bất cứ ai.
Những tưởng với sự tuyệt vọng của ông, nhóm từ thiện sẽ khó lòng khuyên nhủ. Thế nhưng, bằng tất cả sự chân thành và quyết tâm của mình, Quang Huy cùng nhóm từ thiện cuối cùng cũng đã đưa được ông đến bệnh viện chữa trị. Hiện tại ông cụ đang chuẩn bị được tiến hành mổ khớp gối, còn đôi chân do bị hoại tử quá nặng nên chắc chắn sẽ phải cắt bỏ.
Tuy nhiên, về việc ký kết giấy tờ và thủ tục làm hồ sơ còn gặp khá nhiều khó khăn do bên cạnh ông không còn thân nhân nào cả.
Hy vọng, ông cụ tới đây có thể khỏe mạnh trở lại, vực dậy tinh thần mà cố gắng tiếp tục cuộc sống. Hy vọng, những người nghe qua câu chuyện của ông có thể dành chút thời gian đến thăm và động viên ông, giúp ông sưởi ấm lại trái tim đã lâu ngày không cảm nhận được sự quan tâm và hơi ấm của tình người. Hy vọng, những tháng ngày cuối đời của ông dù không rõ còn bao xa đi nữa có thể hạnh phúc hơn vì ông đã chịu khổ quá nhiều rồi.
Cuối cùng là hy vọng xã hội ngày càng có nhiều tấm lòng hảo tâm hơn nữa, có thể dành chút thời gian và những gì mình có cũng như mở rộng tấm lòng hơn nữa để có thể san sẻ cùng những mảnh đời còn khó khăn như ông cụ đây.
Chúc Di (t/h)
Xem thêm: