12 năm ròng rã, dù tuổi đã già, cụ Xuân vẫn đam mê với công việc từ thiện của mình. Từ phát cơm miễn phí cho những người nghèo, đến tìm nơi chôn cất cho các xác thai nhi vô danh…
Đã 12 năm kể từ ngày quán cơm từ thiện của cụ Huỳnh Văn Xuân, 71 tuổi (ngụ P.Hưng Lợi, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) thành lập. Hằng ngày đều đặn 80 đến 140 phần ăn được đem phân phát miễn phí cho những người nghèo tại bệnh viện, trại trẻ mồ côi, hoặc những nơi cưu mang người bệnh tâm thần.
Bếp ăn từ thiện của cụ người đi người ở cũng nhiều, các thành viên nòng cốt năm nào cũng dần dần nghỉ hết. Nhưng chỉ riêng cụ vẫn kiên trì một mình trụ lại cho đến giờ vẫn chưa từng có ý định dẹp bỏ, còn chút hơi sức nào thì cụ còn làm thôi.
Dần dà tiếng lành đồn xa, nhiều nhà hảo tâm tìm đến quyên góp cho cụ, người có tiền góp tiền, người có gạo góp gạo, không có điều kiện hơn thì người ta góp sức, có người phụ nấu ăn vài ngày, người có khi cả tháng, ra vô liên tục như vậy nên may mắn chẳng thiếu người, cứ vậy nhóm cơm từ thiện do cụ Xuân dẫn đầu đã hoạt động gần chục năm như thế.
Hiện một số người thấy việc làm của cụ ý nghĩa nên đến giúp đỡ đông hơn, đa phần là người lớn tuổi, cùng một số ít bạn trẻ làm nhiều nghề khác nhau. Một số người kinh tế không khá giả, làm thuê làm mướn cũng cố gắng bỏ công phụ nấu cơm giúp người nghèo.
Anh Nguyễn Văn Tính (32 tuổi, ngụ tỉnh Hậu Giang), người gắn bó với tổ nấu ăn từ thiện hơn 4 năm nay, chia sẻ: “Khi ra trường, tôi không có việc làm ổn định, gia cảnh chẳng dư dả gì với nghề làm thuê lắp ráp biển hiệu, kiếm sống qua ngày. Khi biết được công việc nấu cơm từ thiện này, tôi đến tham gia và thấy vui lắm, bởi mình đã góp phần nhỏ bé giúp những cảnh đời khốn khó hơn mình”.
Bên cạnh việc nấu cơm từ thiện, kể từ năm 2017, cụ Xuân còn đứng ra xây dựng một nghĩa trang chôn cất các thai nhi xấu số. Nghĩa trang này được xây dựng trên diện tích 1.700 m2 tại xã Xuân Hòa, H.Kế Sách, Sóc Trăng. Phần đất do chùa Chánh Thiên Cơ quyên góp. Hiện tại có khoảng 137 thai nhi được chôn cất tại đây. Định kỳ cứ thứ ba, năm, bảy hàng tuần cụ Xuân sẽ lại có mặt ở nghĩa trang để dọn dẹp, chăm nom ngôi ngộ cho những đứa trẻ xấu số này.
Ngoài ra, cụ Xuân còn đưa thông tin nhận an táng thai nhi miễn phí cùng số điện thoại để những ai nhặt được xác thai nhi thì hãy liên hệ trực tiếp cho cụ đến tiếp nhận đem về chôn cất.
Tuy nhiên theo thời gian, diện tích đất trong nghĩa trang dùng chôn cất các thai nhi xấu số dần hết chỗ. Kinh phí mở rộng thêm diện tích làm nơi an nghỉ cho các bé ước chừng hơn trăm triệu đồng vượt quá khả năng của cụ. “Tôi mong mỏi những nhà hảo tâm có thể chung tay với tôi mở rộng được nghĩa trang để tiếp tục chôn cất các thai nhi xấu số”, cụ Xuân nói.
Video: “Tôi đi nhặt xác…” – Hành trình cậu sinh viên 19 tuổi nhặt 2.000 thai nhi trong túi rác tại các phòng khám. (Nguồn: Kênh14)
Xã hội càng phát triển, con người càng trở nên lạnh lùng với sự sống. Việc giới trẻ sống thử, phá thai trở thành một điều hiển nhiên. Nhiều người quan niệm rằng, thân thể của mình thì mình có quyền, hay “chúng cũng có biết gì đâu”, “sinh ra mà không chăm được còn tội hơn ấy chứ”… Chính những lối suy nghĩ biến dị đó đã trở thành cái cớ để hàng nghìn những người mẹ lỡ lầm cho phép mình quyền được giết con mà không thấy chạnh lòng.
Thương thay cho những sinh linh bé bỏng chưa kịp mở mắt nhìn cuộc đời. Cụ Xuân dặn lòng cố gắng duy trì công việc chôn cất cho các bé, vì đây là việc duy nhất cụ có thể làm được, ít nhất các con có một nơi yên nghỉ tử tế.
Chúc Di (t/h)