Ở tuổi xưa nay hiếm, cụ Lê Thi sử dụng thành thạo Skype, Facebook, dùng Internet để thỏa mãn khát khao tìm hiểu những điều mới lạ.
Thoạt nhìn cụ Lê Thi, sống ở Hà Nội, cũng giống như bao cụ bà lớn tuổi khác. 97 tuổi, răng rụng gần hết, lưng còng, di chuyển chậm chạp, cụ dành phần lớn thời gian nằm trên giường, miệng bỏm bẻm nhai trầu, theo Channel News Asia.
Tuy nhiên, khi nhắc tới niềm đam mê sáng tác, vẽ tranh và hơn hết là học hỏi những điều mới mẻ, cụ lập tức ngồi dậy, mắt sáng lên, cười thật tươi. Cụ kể lại cuộc sống ở Việt Nam thời Pháp thuộc cách đây hơn nửa thế kỷ, chuyện chat Skype với cháu trai đang sống tại Moscow và chuyện viết sách ở tuổi 87.
“Trẻ mãi không già”
Lòng hiếu học và đam mê tri thức khiến cụ Lê Thi trở thành cụ bà sành Internet nhất Việt Nam. Ngày nào cụ cũng đọc tin mới nhất trên Google và Yahoo. Cụ tích cực cập nhật trang Facebook riêng, giữ liên lạc với gia đình và bạn bè trên mạng xã hội này và qua Skype.
Cụ cũng thường lên các diễn đàn văn học và nhiệt tình bình luận. Cụ Lê Thi bắt đầu học sử dụng máy tính năm 2007 vì lúc đó đang sáng tác một quyển tự truyện nhưng tay run, mắt mờ, khiến cụ không cầm được bút viết lên giấy.
Thấy vậy, cháu cụ mua máy tính xách tay về dạy bà cách đánh chữ. Ba năm sau, cụ xuất bản quyển tự truyện “Ngược dòng” dài 600 trang.
Các bạn trẻ ngưỡng mộ, gọi cụ là “trẻ mãi không già”, “xì tin”.
“Mặc dù đã gần trăm tuổi nhưng tâm hồn của tôi mới 20 thôi”, cụ cười nói.
Không chấp nhận số phận
Cụ Thi sinh năm 1920, khi tư tưởng trọng nam khinh nữ trong xã hội Việt Nam rất phổ biến. Anh ruột thậm chí cũng không cho cụ Thi đứng gần.
“Ông anh tôi ông ấy ghê lắm. Ông ấy bảo: ‘Đàn bà, bẩn, đi ra chỗ khác'”, cụ kể lại. “Ông ấy thậm chí không cho tôi ngồi cùng ghế”.
Cụ Thi là con thứ 8 trong gia đình. Khi đó, cụ rất chán nản vì mình sinh ra là nữ, “ai cũng có thể coi thường”. Là con gái, cụ Thi không được đi học, mặc dù bố là thầy giáo. Thế nhưng cụ lại rất yêu sách vở và vẽ tranh.
“Thấy bố, thấy anh đọc sách là tôi tức lắm vì mình mù chữ. Tôi không chấp nhận cái thân sinh ra là nữ này, nghĩ rằng đàn ông mà biết làm cái gì thì tôi cũng sẽ làm được cái ấy”, cụ nói.
Cụ bí mật tìm cách tự học viết và vẽ
“Bố tôi có nhiều sách. Tối nào tôi cũng lén trùm chăn lại đọc”, cụ nhớ lại. “Tôi đốt cành cây rồi viết trên nền nhà. Tôi có thể viết và vẽ mọi thứ”.
Tinh thần yêu nước thôi thúc cụ gia nhập mặt trận Việt Minh, tham gia kháng chiến chống Nhật trong Thế chiến II và cuối cùng là kháng chiến chống Mỹ. Đó cũng là nơi cụ gặp và lấy chồng, một thầy giáo. Chồng cụ hy sinh sau 17 tháng lấy vợ, hai cụ chỉ có một con trai.
“Tôi không hận cá nhân hay quốc gia nào. Tôi chỉ ghét chiến tranh, tôi muốn Việt Nam tốt đẹp hơn để mọi người được sống yên ổn”, cụ nói.
Kẻ thù lớn nhất của đời người là ngu dốt
Nhiều năm sau, dù đã làm qua vô số việc, từ chăn nuôi gia súc đến may vá, thêu thùa, cụ Lê Thi chưa từng từ bỏ đam mê với sách vở. Cụ sống trong một căn phòng ngập nắng, nơi cụ vẫn đọc sách, viết truyện, lướt Internet và vẽ tranh mỗi ngày.
Kể về con trai và ba người cháu nội đều có bằng cấp cao, giọng cụ đầy tự hào. Cụ Thi đã vẽ hơn 2.000 bức tranh, viết khoảng 50 cuốn truyện và hồi ký. Tuy nhiên, cụ vẫn không ngừng lại mà đang ấp ủ dự án khác là viết tiểu thuyết “Vòng xoáy cuộc đời”.
“Tôi đang viết ra những suy nghĩ của mình về cuộc sống hiện đại”, cụ tiết lộ. “Thế giới bây giờ là một vòng xoáy chủ nghĩa vật chất. Người ta ai cũng cho rằng tiền bạc sẽ mang lại hạnh phúc”.
“Tuy nhiên, đối với tôi, hạnh phúc là tự do, là tri thức, là khoa học”, cụ nói. “Tôi cảm thấy tội nghiệp cho những người đang lãng phí thời gian”.
Ở tuổi xưa nay hiếm, cụ Thi thừa nhận tuổi tác đã ảnh hưởng tới mình, khi mà việc sáng tác không dễ dàng như trước. Cụ từng thức cả đêm để sáng tác nhưng bây giờ, chỉ ngồi vài tiếng cụ đã mệt.
Tuy nhiên, cụ vẫn không có ý định bỏ cuộc, cho dù phải mất 10 năm để hoàn thành cuốn sách.
“Tôi muốn truyền lại tri thức của mình cho con cháu. Kẻ thù lớn nhất của đời người là ngu dốt”, cụ nói. “Có hàng triệu điều tôi muốn biết. Có thể tôi sẽ mất thêm một thế kỷ nữa để học hỏi nhưng tôi sẵn lòng làm vậy”.
“Tôi mắc ung thư đã 3 năm nhưng còn sức là tôi còn học”
Sức khỏe của cụ Thi hiện tại rất yếu, cụ đã nghỉ vẽ tranh từ hơn một năm nay và việc lướt web, lâu nhất chỉ diễn ra 15-20 phút/ lần. So với những bức ảnh mà các nhà báo nước ngoài chụp, lưng cụ Thi giờ đã còng hơn nhiều và đôi mắt cũng mờ đục, tai nghễnh ngãng hơn xưa. Cụ Thi nói mình bị mắc bệnh ung thư da đã 3 năm, sức khỏe rất yếu và xương sống bị gãy nên không thể ngồi lâu. Tuy vậy, cụ thấy mình vẫn còn khá minh mẫn và đủ sức tự lo sinh hoạt cá nhân. Những lúc con cháu bận rộn, cụ Thi có thể tự nấu ăn, gọt hoa quả mà không cần nhờ đến sự trợ giúp của bất kỳ ai.
Nhiều năm qua, khi sức khỏe giảm sút, cuộc sống của cụ Thi chỉ bó hẹp trong căn nhà với 4 bức tường bao quanh. Sợ cụ buồn nên con cháu đặt ngay chiếc laptop trên giường, muốn chơi facebook hay nghe nhạc lúc nào, cụ có thể sử dụng tùy thích. Điều này khiến cụ Thi thấy thích thú và thoải mái hơn. Chiếc laptop không chỉ là công cụ giải trí mà nó còn giúp cụ học hỏi được nhiều điều bổ ích.
Cụ Thi kể, từ ngày biết mặt chữ, cụ dành thời gian đọc nhiều sách báo. Những cuốn tiểu thuyết kinh điển như: Hội chợ phù hoa, Những người khốn khổ, Tây Du Ký, Hồng lâu mộng… cụ đều đã từng đọc không sót một trang. Từ năm 2007, khi biết sử dụng máy tính, cụ thường lên mạng cập nhật tin tức qua các trang báo hay đọc cả văn học mạng của người trẻ và nghiên cứu thêm về hội họa.
“Chiếc máy tính này kỳ diệu lắm. Ban đầu tôi chỉ định dùng nó để gõ tiểu thuyết Ngược dòng của mình nhưng rồi dần dần, các cháu dạy tôi lên mạng, thế là tôi biết thêm được nhiều thứ hay ho“.
Mấy năm trước, cụ Thi thường thức thâu đêm suốt sáng để viết tiểu thuyết. Cụ bảo viết là một công việc đòi hỏi sự sáng tạo rất cao và tư duy logic. Để viết tiểu thuyết, cụ phải đọc rất nhiều sách, mở mang hiểu biết của chính mình. Bên cạnh đó, cụ cần hệ thống lại mọi thứ, xây dựng mạch truyện sao cho hợp lý để nội dung của nó vừa mang giá trị nhân văn, vừa truyền tải được câu chuyện riêng của cuộc đời cụ.
Vì việc viết lách hao tổn tâm sức như vậy nên mấy năm nay, cụ Thi không đủ sức thực hiện. Cụ đã đặt bút, thực hiện được hơn 70 trang cuốn Ngược dòng phần 3 nhưng đành phải bỏ dở. Chỉ có chuyện học hành thì cụ chưa dừng lại, chừng nào còn học thêm được thứ gì, mở mang thêm kiến thức được chút nào là cụ vẫn dành thời gian tự học. Có nhiều người cứ hỏi, cụ đã lớn tuổi như thế còn phải mày mò học tập làm gì, cụ Thi chỉ cười bảo “mình thích thì mình học thôi, đâu phải cứ để làm gì thì mới học“.
TinhHoa tổng hợp