Theo khoản 1 Điều 9 của dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 01/2016/TT-BCA quy định, CSGT chỉ được dừng xe để kiểm soát trong 4 trường hợp thay vì 05 trường hợp như hiện nay.
Cụ thể, 4 trường hợp CSGT được thực hiện việc dừng xe, kiểm soát là:
- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;
- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện, kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
- Tin báo, phản ánh, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Lưu ý rằng, việc dừng phương tiện phải đảm bảo an toàn, đúng quy định của pháp luật; không làm cản trở đến hoạt động giao thông. Trường hợp thực hiện theo mệnh lệnh, kế hoạch, chuyên đề của cấp trên thì phải đặt rào chắn, biển báo… tại khu vực kiểm soát.
Người dân có quyền yêu cầu xem hình ảnh vi phạm
Theo Điều 12, dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 01/2016/TT-BCA thì đối với người điều khiển phương tiện giao thông, khi được CSGT yêu cầu dừng xe và xử lý vi phạm, người điều khiển phương tiện có quyền yêu cầu người kiểm tra cung cấp các bằng chứng chứng minh lỗi vi phạm. Các bằng chứng chứng minh có thể là hình ảnh, video…
Khoản 2 Điều 14 Thông tư 01/2016/TT-BCA có quy định, trường hợp người vi phạm yêu cầu được xem hình ảnh, kết quả ghi thu về hành vi vi phạm thì CSGT phải cho xem ngay nếu đã có hình ảnh, kết quả ghi hình. Nếu chưa có ngay hình ảnh, kết quả ghi hình thì hướng dẫn người vi phạm xem hình ảnh, kết quả ghi thu khi đến xử lý vi phạm tại trụ sở.
Nếu CSGT không chứng minh được lỗi vi phạm thì không có quyền xử phạt lỗi vi phạm đó. Nếu không chứng được lỗi vi phạm của người tham gia giao thông mà cố tình xử phạt, người tham gia giao thông có quyền khiếu nại.
Bên cạnh những nhiệm vụ do lực lượng CSGT thực hiện độc lập thì lực lượng CSGT còn có nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng chống khủng bố, chống biểu tình gây rối và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên các tuyến giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là phương tiện); tham gia cứu nạn, cứu hộ, giải quyết cháy nổ trên các tuyến giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật…
Theo nguồn tin của Bộ Công an thì dự thảo sẽ gồm 03 chương 16 điều và lấy ý kiến đóng góp của người dân tới ngày 2/12/2019.
Vũ Tuấn (t/h)