Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một đợt bùng phát dịch bệnh Ebola mới đã khiến 100 người tại Cộng hòa Dân chủ Congo bị lây nhiễm, hàng chục người đã thiệt mạng vì căn bệnh này.
Ngày 1/7, trường hợp lây nhiễm đầu tiên được ghi nhận tại tỉnh Equateur, ổ dịch đầu tiên được ghi nhận là tại thành phố Mbandaka.
WHO cho biết: “Dịch bệnh đã lan ra 11 trong tổng số 17 khu vực y tế. Trong 100 trường hợp được ghi nhận, có 96 trường hợp được xác định nhiễm bệnh, 4 trường hợp còn lại thuộc diện nghi nhiễm”.
Khoảng 43 người đã tử vong vì chủng virus Ebola., triệu chứng khi bị nhiễm bệnh là sốt xuất huyết.
“Dịch bệnh gây ra những thách thức lớn về nguồn lực, ảnh hưởng lan rộng đến tận khu vực rừng rậm và vùng xa xôi của tỉnh. Giai đoạn đỉnh điểm nhất, dịch bệnh còn lan rộng hơn 320km từ Đông sang Tây, từ Nam qua Bắc”, WHO đưa tin.
Tổ chức cho biết có thể sẽ mất nhiều ngày để cứu trợ cho những người dân bị ảnh hưởng. Theo WHO, nguồn cung và đội ngũ phản ứng tuyến đầu phải đến những khu vực chịu ảnh hưởng không có tuyến đường, có thể phải đi thuyền qua sông.
Dịch bệnh Ebola xuất hiện tại tỉnh Equateur vào tháng 5/2018, đã giết chết ít nhất 33 người.
Bà Matshidiso Moeti thuộc tổ chức WHO cho biết: “Với 100 ca nhiễm Ebola trong chưa đầy 100 ngày, dịch bệnh đang bùng phát tại tỉnh Equateur ở mức độ đáng lo ngại. Chủng virus này đang lây lan trên một địa hình rộng và gập gềnh, đòi hỏi những giải pháp can thiệp tốn kém. Dịch COVID-19 cũng đang gây tiêu tốn nguồn cung, và phải để mắt đến, nếu không thì sẽ khó để mở rộng quy mô ứng phó dịch bệnh”.
Tháng 8/2020, các nhân viên y tế Congo đã từng phản đối về việc không được trả lương.
Bộ trưởng Y tế tỉnh – ông Bruno Efoloko cho biết, Thống đốc đã kết thúc đàm phán với những cán bộ y tế đình công vào chiều ngày 17/8. Ông cho biết đội ngũ y tế phản đối tháng lương mà Bộ Y tế công bố gần đây, khi cho rằng mức lương quá thấp, và chỉ trích chính phủ không trả lương cho họ kể từ khi bắt đầu có dịch bệnh mới bùng phát.
Ông Efoloko chia sẻ với Reuters, khẳng định một số kỹ thuật viên phòng thí nghiệm đã quay trở lại làm việc sau cuộc đàm phán: “Công đoạn đàm phán diễn ra thành công. Phòng thí nghiệm giờ đã đi vào hoạt động. Bộ y tế quốc gia cam kết sẽ xem xét những yêu cầu của họ. Chúng tôi sẽ tiếp tục thuyết phục những cán bộ khác để khôi phục công tác hoạt động hiệu quả”.
Tháng 6/2020, Congo đã ăn mừng khi xử lý xong ổ dịch Ebola bùng phát tại miền Đông đất nước. Đây được ghi nhận là ổ dịch nghiêm trọng thứ hai, khiến hơn 2.200 người thiệt mạng trong 2 năm vừa qua.
WHO cho biết, công tác phản ứng hiện nay thực sự đang cần đến nguồn chi viện.
Bà Moeti cho hay: “Nếu không có thêm hỗ trợ, các cán bộ tuyến đầu sẽ khó có thể đẩy lùi được dịch bệnh. COVID-19 không phải là mối nguy duy nhất cần được hỗ trợ mạnh mẽ. Theo như chúng tôi biết thì gần đây, chúng ta đã ngó lơ trước những nguy hại của dịch bệnh Ebola”.
Bệnh Ebola đáng sợ như thế nào?
Bệnh Ebola do virus Ebola gây nên, Các dấu hiệu và triệu chứng thường bắt đầu từ 2 ngày đến 3 tuần sau khi bị nhiễm virus.
Bệnh có nguy cơ tử vong rất cao, nó thường giết chết 25% đến 90% những người mắc bệnh, với tỷ lệ trung bình khoảng 50%. Lý do tử vong thường là do huyết áp tụt thấp do mất máu và nước khi bệnh nhân xuất huyết, và thường xảy ra sau từ 6 đến 16 ngày sau khi các triệu chứng xuất hiện.
Virus lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể, hoặc cũng có thể lây do tiếp xúc với các vật phẩm bị nhiễm chất dịch đó.
Kiểm soát dịch bệnh đòi hỏi phải có các dịch vụ y tế, phối hợp và sự tham gia của cộng đồng. Điều này bao gồm phát hiện nhanh chóng, truy tìm dấu vết của những người đã tiếp xúc, tiếp cận nhanh chóng với các dịch vụ phòng thí nghiệm, chăm sóc những người bị nhiễm bệnh, và xử lý người chết đúng cách thông qua hỏa táng hoặc chôn cất.
Việt Anh (Theo ET)