Theo PGĐ Công ty bảo hiểm BSH chi nhánh Hà Nội thì những tờ bảo hiểm xe máy của công ty hiện đang bán tràn lan trên vỉa hè sẽ không có giá trị để được chi trả bồi thường khi người mua gặp sự cố giao thông.
Theo nguồn tin của phóng viên, trong những ngày tổng kiểm soát phương tiện giao thông, phóng viên đã đi dọc tuyến đường Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân, Hà Nội, bắt gặp không dưới 3 điểm bán bảo hiểm xe máy bên lề đường.
Tiếp cận một người phụ nữ bán kính nhưng căng băng rôn bán bảo hiểm, phóng viên ngỏ ý muốn mua bảo hiểm xe máy, người bán giới thiệu tờ bảo hiểm của Công ty Cổ phần bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH).
Tờ bảo hiểm có 2 phần gồm giấy chứng nhận bảo hiểm tự nguyện mô tô – xe máy (màu trắng) và giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc bắt trách nhiệm dân sự (màu vàng), giá cả 2 tờ bảo hiểm là 70.000 đồng.
Sau khi yêu cầu phóng viên cho xem cà vẹt xe máy thì chỉ sau khoảng 2 phút, người bán đã hoàn thành một giao dịch mua bảo hiểm xe máy. “Đảm bảo bảo hiểm thật, bị vấn đề gì cứ đến công ty bảo hiểm trình báo là được bồi thường”, người phụ nữ bán bảo hiểm cam kết.
Khi phóng viên hỏi về nguồn lấy các cuốn bảo hiểm và ngỏ ý muốn được bán, người phụ nữ từ chối cung cấp thông tin và cho biết ‘đây là hàng tuồn từ công ty, được vài quyển, không cung cấp cho người khác được’.
‘Bảo hiểm vỉa hè không có giá trị về pháp lý, không được bồi thường’
Liên hệ với Công ty bảo hiểm BSH chi nhánh Hà Nội, ông Nguyễn Văn Luận, Phó giám đốc chi nhánh cho biết, tờ bảo hiểm trên không có giá trị về cả mặt pháp lý hay để bồi thường. Mặc dù, 2 giấy chứng nhận bảo hiểm được xác nhận là hàng thật của công ty.
“Tờ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự không có thông tin về biển kiểm soát, số khung, số máy. Còn phần bảo hiểm tự nguyện thì không ghi số tiền bảo hiểm mà người mua tự nguyện mua”, ông Luận nói và cho biết người bán tờ bảo hiểm trên hoàn toàn sai về nghiệp vụ. Kể cả khi gặp CSGT, người điều khiển xe máy vẫn có thể bị phạt khi trình tờ bảo hiểm này.
Liên quan đến vấn đề các cuốn bảo hiểm được bán trôi nổi trên vỉa hè và người bán lại bán những tờ bảo hiểm không có giá trị, ông Luận nói đây là vấn đề chuyên môn của từng chi nhánh. “Ở chi nhánh chúng tôi có những chế tài xử phạt khi cá nhân nào làm mất những ấn chỉ này (tờ bảo hiểm có mã số, con dấu của công ty và chữ ký của Tổng giám đốc). Còn việc phân phát các cuốn bảo hiểm sẽ tùy vào từng chi nhánh, có chi nhánh hợp tác với các cây xăng, đại lý bán hoặc các cộng tác viên”, ông Luận cho hay.
Người mua bảo hiểm xe máy mệnh giá 10.000 đồng vẫn bị xử phạt
Theo các cơ quan chức năng, bảo hiểm xe máy (BHXM) có mệnh giá 10.000 đồng/năm là bảo hiểm dành cho người ngồi trên xe máy, người mua sẽ được bồi thường tối đa là 10 triệu đồng nếu có rủi ro xảy ra.
Đây là loại bảo hiểm tự nguyện, không phải là bảo hiểm bắt buộc theo luật pháp quy định (là loại có mệnh giá 66.000 đ/năm đang hiện hành). Điều này đồng nghĩa là người điều khiển phương tiện vẫn bị xử phạt từ 100.000- 200.000đ khi chỉ xuất trình BHXM có mệnh giá 10.000 đồng/năm.
Một yếu tố khác mà người bán BHXM loại 10.000đ hay lập lờ giải thích thậm chí không giải thích rõ là người mua chỉ được bồi thường (tối đa 10 triệu đồng) khi đã mua cả BHXM mệnh giá 66.000 đ/năm (có nghĩa là phải mua cùng lúc 2 loại BHXM).
Chuyên gia hướng dẫn cách đòi bồi thường bảo hiểm xe máy
Theo ông Nguyễn Khắc Xuân (Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn bảo hiểm InFair) thì BHXM mọi người đang mua là BH TNDS chủ xe đối với bên thứ ba, BH thay chủ xe thực hiện trách nhiệm bồi thường cho bên bị thiệt hại do chủ xe gây tai nạn chứ không phải BH cho bản thân chủ xe và xe của người mua.
Cụ thể, mức trách nhiệm như sau: thiệt hại về người: 100 triệu đồng/người/vụ, không hạn chế số người/vụ và số vụ/năm. Thiệt hại về tài sản: 50 triệu đồng/vụ, nếu gây thiệt hại cho nhiều người cũng chỉ đền tối đa 50 triệu đồng/vụ, không hạn chế số vụ/năm.
Để được bồi thường, người mua bảo hiểm phải thực hiện theo đúng thủ tục. Việc đầu tiên khi xảy ra tai nạn là gọi ngay cho đường dây nóng của công ty bảo hiểm ghi giấy chứng nhận bảo hiểm để được chỉ dẫn và làm theo. Sau đó, thông báo cho cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất và thỏa thuận đền bù với đối phương bằng văn bản được cơ quan CSGT ghi nhận vào hồ sơ.
Đối với thiệt hại về tài sản: Khi thỏa thuận yêu cầu công ty BH tham gia, hướng dẫn thỏa thuận. Thông thường công ty BH sẽ duyệt giá (nếu sửa chữa) và trả tiền cho đơn vị sửa chữa. Nếu không, công ty BH sẽ cùng người mua BH và bên thứ ba ‘chốt’ số tiền bồi thường, sau đó công ty BH sẽ hoàn lại (lưu ý công ty BH sẽ hướng dẫn người mua BH thu thập chứng từ chứng minh thiệt hại).
Đối với thiệt hại về người: Công ty BH sẽ căn cứ vào tỷ lệ thương tật (căn cứ vào kết luận ghi trên bệnh án, giấy ra viện) tính số tiền bồi thường A = 100 triệu đồng x tỷ lệ thương tật. Nếu số tiền này lớn hơn số tiền người mua BH đã bồi thường thì trả bằng số tiền đã bồi thường. Còn nếu số tiền người mua BH đã bồi thường lớn hơn số này thì BH trả đúng số A này.
Lưu ý, đối với thiệt hại ước tính dưới 10 triệu đồng, không bắt buộc phải có hồ sơ của cơ quan có thẩm quyền. Công ty BH phải tự lập biên bản hiện trường, lấy chữ ký người làm chứng và tự xin xác nhận của chính quyền địa phương.
Cung cấp hồ sơ cho công ty BH để nhận tiền đền bù gồm:
– Thông báo tai nạn và yêu cầu bồi thường (giám định viên sẽ đưa mẫu cho người mua BH ghi và nhận).
– Hồ sơ vụ TNGT của cơ quan có thẩm quyền (không bắt buộc CSGT).
– Bản án (nếu có).
– Chứng từ chứng minh thiệt hại tài sản (một hoặc tất cả: Báo giá sửa chữa, hóa đơn, thỏa thuận đền bù, biên bản định giá của hội đồng định giá tài sản).
– Chứng từ chứng minh thiệt hại về người: (Giấy ra viện, kết luận giám định thương tật, thỏa thuận đền bù).
Vũ Tuấn (t/h)