Khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT đã né tránh trách nhiệm cá nhân. Vậy ai sẽ gánh trách nhiệm về đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi 34.000 tỷ xuống cấp, cầu Bạch Đằng 7000 tỷ bị lún võng?
Câu chuyện cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi mới khánh thành đã hỏng vẫn làm nóng dư luận xã hội và nghị trường Quốc hội.
Không phải bỗng dưng dư luận lại sục sôi bức xúc trước việc dự án có giá trị đầu tư lên đến hơn 34.000 tỷ bỗng dưng tràn ngập “ổ gà, ổ trâu”. Cũng không phải tự nhiên, tại nghị trường Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đã bày tỏ bức xúc, đề nghị Chính phủ xử lý nghiêm những sai phạm trước tình trạng cao tốc đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Hữu Cầu đã lấy chính dự án cao tốc 34.000 tỷ mới đưa vào sử dụng nhưng chỉ sau vài cơn mưa đã hỏng này để làm dẫn chứng cho câu nói: “Nếu như đầu nhiệm kỳ các đại biểu Quốc hội lên tiếng phản ứng gay gắt về 12 dự án thất thoát lãng phí hàng nghìn tỷ của Bộ Công Thương, thì bây giờ lại phát sinh nhiều dự án thất thoát lãng phí do Bộ Giao thông Vận tải quản lý”.
Rõ ràng, sự xuống cấp hư hỏng của cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi đã buộc người dân lo lắng về vấn nạn thất thoát, lãng phí đầu tư công lớn cũng như chất lượng công trình.
Bởi ngay sau khi lộ diện “ổ gà, ổ voi” trên cao tốc nghìn tỷ, hàng loạt yếu kém của dự án này lần lượt được phơi bày trên mặt báo. Đến mức khi Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã đi thị sát để đếm ổ gà trên đường cao tốc và kết luận bước đầu nguyên nhân vụ việc. Đó là chất lượng công trình chưa đảm bảo, có dấu hiệu bớt xén nguyên vật liệu; năng lực thi công của một số nhà thầu cũng như trách nhiệm của các đơn vị tư vấn, giám sát còn nhiều thiếu sót cần phải chấn chỉnh.
Tuy nhiên, công trình được đầu tư đến 34.000 tỷ là tuyến đường huyết mạch phát triển kinh tế của miền Trung, mang nhiều niềm tin, sự kỳ vọng vào những ý nghĩa được cho là lớn lao của tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên ở khu vực miền Trung này lại có chất lượng kém khiến người dân hụt hẫng và vô cùng bức xúc.
Như đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã nói, tuyến giao thông huyết mạch đầu tư cả mấy chục ngàn tỷ mà nhanh chóng xuống cấp nghiêm trọng. Ông Nhưỡng ví von tuyến cao tốc huyết mạch Đà Nẵng – Quảng Ngãi đầu tư 34.500 tỷ đồng vừa xây xong đã hỏng như “xơ vữa động mạch”.
Trong khi đó, đại biểu Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cũng bày tỏ băn khoăn về chất lượng thi công đường cao tốc. Bà Nga đặt câu hỏi: Có nước nào đường cao tốc nhanh hỏng như Việt Nam không? Có phải chất lượng thi công công trình không đúng với yêu cầu thiết kế không? Có hay không chuyện “rút ruột” công trình. Đồng thời, đề nghị cần đánh giá lại chất lượng các công trình hạ tầng, nhất là các công trình đầu tư công.
Tất nhiên, để xảy ra những sự việc nhưng trên, Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), đơn vị tư vấn giám sát của các nhà thầu và các cá nhân liên quan không thể tránh khỏi trách nhiệm, thậm chí bị kiểm điểm, kỷ luật nhưng dư luận cũng quan tâm đến trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.
Tại nghị trường Quốc hội, khi chất vấn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) đề cập đến dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và thẳng thắn đặt câu hỏi về chất lượng công trình cũng như trách nhiệm của Bộ trưởng GTVT.
Tuy nhiên, thật lạ lùng trong phần trả lời đại biểu Phạm Thị Thu Trang, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã không nhắc đến chất lượng của dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và cũng không đề cập đến trách nhiệm cá nhân như câu hỏi chất vấn của đại biểu.
Xuyên suốt trong vụ việc phát lộ những sai phạm tại đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là hình ảnh lão nông dân Phạm Tấn Lực (xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) 4 năm miệt mài thu thập chứng cớ tố cáo gian lận của nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) khi thi công đường cao tốc 34.000 tỷ đồng. Trong đó, với vai trò là Bộ trưởng Bộ GTVT, lẽ ra phải nhận trách nhiệm với vai trò lãnh đạo ngành để từ đó đưa ra những giải pháp chấn chỉnh, rút kinh nghiệm cho những dự án khác và chủ động phát hiện, kịp thời khắc phục những yếu kém, ngăn ngừa tình trạng “rút ruột công trình”, đảm bảo chất lượng…nhưng “tư lệnh” ngành giao thông lại không làm được điều đó.
Ngay tại cuộc họp báo Chính phủ vừa qua, khi báo chí đã đặt câu hỏi về việc ông Lê Tiến Thành, Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi thừa nhận dự án này chỉ đạt 6/10 về chất lượng, Thứ trưởng Bộ GTVT cũng chỉ trả lời chung chung rằng, những đánh giá định tính thì không có cơ sở. Còn trong quá trình thi công đều tuân theo tiêu chuẩn kỹ thuật, từ nguyên liệu đầu vào, rồi xác suất, sau đó so sánh với yêu cầu thiết kế. Đây là kết quả trong quá trình giám sát thi công, không do cá nhân nào phát biểu.
Trong vụ việc đường cao tốc 34.000 tỷ Đà Nẵng – Quảng Ngãi hư hỏng, người dân kỳ vọng người đứng đầu Bộ GTVT nhận trách nhiệm, bởi nhận trách nhiệm sẽ đi đôi với việc kiên quyết xử lý nhưng kỳ vọng chính đáng ấy chưa được đáp ứng, chứ chưa nói đến sự kỳ vọng vào lời xin lỗi của người đứng đầu ngành.
Khi người đứng đầu ngành chưa nhận trách nhiệm thì nhiều thông tin về sự xuống cấp của con đường cao tốc này sẽ tiếp tục xuất hiện trên mặt báo, như việc quá trình thi công vòng xoay cao tốc nối vào đường Trì Bình – Dung Quất lại tiếp tục xảy ra sụt lún quá mức cho phép và cần 300 ngày để khắc phục.
Mới đây, dư luận tỉnh Quảng Ninh cũng rất lo lắng trước thông tin dự án Cầu Bạch Đằng có tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ mới đưa vào sử dụng và vừa chính thức thu phí đã có tình trạng lún võng. Theo đó, lái xe nào mới đi qua đoạn giữa 3 trụ cầu lần đầu sẽ bị giật mình vì mặt cầu lồi lõm rất khó lái. Nếu xe chạy nhanh trên 100 km/giờ, nguy cơ va chạm với các xe chạy song song rất lớn.
Tuy nhiên, khi “tư lệnh ngành” chưa nhận trách nhiệm người đứng đầu thì dư luận đặt ra câu hỏi: Ai sẽ là người gánh trách nhiệm với những dự án như trên?
Theo Kienthuc