Bệnh viện dã chiến Lôi Thần Sơn, nằm tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, là bệnh viện chuyên khoa cấp cứu được xây dựng để đối phó với đại dịch COVID-19. Sau khi chính quyền tuyên bố đã đẩy lùi thành công dịch bệnh COVID-19 và “đóng cửa” bệnh viện vào ngày 15/4, các công nhân xây dựng vẫn luôn phải đấu tranh vì quyền lợi và đòi khoản bồi thường chưa được trả của họ.
Yi Xiang (bí danh) là một nam công nhân xây dựng 26 tuổi đến từ thành phố Thập Yển, tỉnh Hồ Bắc. Tháng Hai vừa qua, anh đã nộp đơn ứng tuyển làm việc cho một dự án xây dựng bí ẩn. Phải đến ngày bắt đầu công việc, anh mới nhận ra mình được thuê để xây dựng một bệnh viện dã chiến.
Theo Yi Xiang, các công nhân không chỉ bị các nhà thầu quỵt tiền lương ở nhiều mức độ khác nhau mà còn không được nhận khoản phụ cấp cách ly vốn được các nhà thầu cam kết từ trước. Thay vào đó, họ bị lực lượng an ninh và cảnh sát đánh đập, đàn áp.
Trợ cấp tạm thời cho người dân tỉnh Hồ Bắc
Là một người dân tỉnh Hồ Bắc, Yi Xiang đã vô cùng khó khăn để kiếm được việc. Không ai muốn nhận những người từ vùng tâm chấn dịch bệnh vào làm, thậm chí cả những người ở khu vực gần tâm chấn trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát cũng chịu cảnh tương tự. Trước đó, anh Yi sống ở thành phố Thâm Quyến, phía đông nam Trung Quốc.
Vào tháng 2/2020, anh bắt gặp một quảng cáo giới thiệu việc làm trên WeChat và đăng ký ứng tuyển. Đó là một dự án công trình tại Vũ Hán, bao ăn ở và 14 ngày cách ly sau khi dự án hoàn thành. Quảng cáo chỉ cung cấp duy nhất mức lương và không thêm thông tin gì khác.
Đến giữa tháng 2/2020, Yi Xiang cùng hàng chục công nhân khác đến công trường bằng xe do nhà thầu chuẩn bị. Theo lời anh kể, mọi thứ đều bị kiểm soát, giữ bí mật nghiêm ngặt, và phải khi đến nơi anh mới biết rằng đó là công trường xây dựng bệnh viện dã chiến Lôi Thần Sơn. Anh đã sốc vì đáng lẽ công trình phải được hoàn thành xong từ ngày 8/2.
Bệnh viện chưa hoàn thành nhưng đã tiếp nhận bệnh nhân
Yi Xiang làm việc tại công trường xây dựng từ ngày 20/2 đến 27/2. Mỗi ngày anh phải làm việc từ sáng đến hơn 9 giờ tối.
Tuy nhiên, bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân từ trước đó. Các công nhận đều lo sợ sẽ bị lây bệnh, nhưng họ không còn cách nào khác.
Anh Yi chia sẻ: “Có thể đi đâu được chứ? Lệnh phong tỏa đã được thi hành. Không có phương tiện di chuyển. Cũng không có ai ở đó. Chúng tôi buộc phải chấp nhận nghịch cảnh và vượt qua nó”.
Mỗi ngày, có hàng chục xe cứu thương di chuyển đến bệnh viện, ít nhất 30-40 bệnh nhân được chuyển đến, hầu hết là những người trong độ tuổi 60 hoặc 70. Một vài người trong số họ bị nhiễm bệnh nặng. Các công nhân xây dựng đã cố gắng để tránh xa bệnh nhân, nhưng thường phải đứng ngay bên cạnh họ.
Một lần, anh Yi trông thấy hai y tá với đồ bảo hộ đang di chuyển xác một bệnh nhân được che mặt bằng một tấm vải trắng. Anh đã nhìn thấy dưới tấm vải màu tóc trắng của bệnh nhân này.
Người công nhân này cũng chứng kiến các cuộc biểu tình diễn ra gần bệnh viện. Bệnh viện được xây dựng gần khu dân cư nơi hàng trăm người dân vừa mới trả tiền đặt cọc nhà cho tập đoàn China Poly Group. Những ngôi nhà mới của họ đã bị sử dụng làm nơi cách ly mà không thông qua sự cho phép của họ. Cuộc biểu tình sau đó kết thúc và một số chủ nhà đã bị cảnh sát bắt giữ.
Anh Yi cho biết khi đặt chân đến công trường, đã có ít nhất 500 công nhân đang có tại địa điểm xây dựng.
Bị quỵt tiền công và không được trả phụ cấp cách ly
Yi Xiang cho biết, anh được trả mức lương 600 NDT (khoảng gần 2 triệu đồng) cho mỗi ngày làm công. Khi tham gia vào nhóm chat trên WeChat, anh phát hiện ra mỗi công nhân lại có một mức thù lao khác nhau khi một số được trả thù lao 2500 NDT (hơn 8 triệu đồng), 1800 NDT (gần 6 triệu đồng) và 1000 NDT (khoảng 3,3 triệu đồng).
“Mức lương sẽ phụ thuộc vào người thuê nhân công. Càng có nhiều nhà thầu phụ thì mức lương càng thấp”, anh cho hay.
Sau khi dự án kết thúc vào ngày 27/2, các công nhân phải thực hiện cách ly trong 14 ngày. Nhà thầu, Công ty TNHH China Construction Third Engineering Bureau (gọi tắt CCTEB), đã cam kết sẽ có phụ cấp cách ly mỗi ngày là 300 NDT (gần 1 triệu đồng) và khoản phụ cấp sẽ được thanh toán sau khi kết thúc quá trình cách ly.
Tuy nhiên, mọi thứ lại không theo đúng dự kiến.
14 ngày sau đó, tức vào cuối giai đoạn cách ly, chính quyền Vũ Hán không cho phép công nhân rời đi vì thành phố đã bị phong tỏa. Nhà thầu CCTEB thông báo các công nhân sẽ được nhận trợ cấp 300 NDT mỗi ngày. Nhưng họ đã không trả tiền theo đúng cam kết.
Đến ngày 27/3, hàng trăm công nhân đã bị cách ly. Từ ngày 14/3, mâu thuẫn đã xảy ra giữa nhà thầu và các công nhân.
CCTEB đã thuê lực lượng bảo vệ an ninh, một số được trang bị gậy gỗ và thép tấm để đàn áp các công nhân. Lực lượng cảnh sát đã can thiệp và bắt giữ một vài công nhân. Yi Xiang cho hay: “Ngày hôm sau mọi thứ lại tái diễn. Họ vẫn không chịu trả tiền, nên các cuộc xung đột chưa bao giờ xử lý được”.
Cuối cùng, những cuộc xung đột giữ công nhân và nhà thầu CCTEB đã bị vạch trần trên mạng.
Tuyên truyền lấp liếm
Ngày 28/3,Tổng thư ký Đảng Cộng sản Trung Quốc thành phố Vũ Hán cùng các phóng viên từ đài truyền hình CCTV của nhà nước Trung Quốc đã đến địa điểm xảy ra xung đột. Tuy nhiên, không một công nhân nào biết về chuyến thăm cho đến khi tin tức được công bố vào ngày 1/4.
Yi Xiang chia sẻ: “Người quản lý và hai công nhân thực hiện phỏng vấn đều không phải là người của chúng tôi”.
Các công nhân đến từ tỉnh Hồ Bắc sau đó đã bị bỏ rơi lang thang trên các con phố. Đến cuối tháng 3/2020, khi công nhân từ các tỉnh khác đã rời đi và những công nhân địa phương được trở về nhà, thì Yi Xiang và 6 tới 7 công nhân khác đến từ tỉnh Hồ Bắc đều không có chỗ nương thân.
“Chúng tôi không thể rời đi. Không ai dám thuê chúng tôi. Nếu trở về nhà thì chỉ mang thêm rắc rối cho người trong gia đình”, anh Yi chia sẻ.
CCTEB sau đó đã đưa những công nhân này ra khỏi khu cách ly.
Yi Xiang chia sẻ với tờ Epoch Times rằng mặc dù nhà thầu CCTEB đã đồng ý đàm phán, nhưng vẫn không thực hiện giải quyết bất kỳ điều gì.
“Họ tận dụng cuộc khủng hoảng toàn quốc để kiếm lời và họ không muốn để bất kỳ ai vạch trần điều này. Họ đã xử lý điều này bằng cách công kích và giam giữ bất hợp pháp,” anh cho hay.
“Khi có công nhân nào bị ốm hay sốt, họ sẽ bị bỏ lại. Chúng tôi là lực lược chiến đấu tuyến đầu và đây là cách mà họ đối xử với chúng tôi”.
Theo hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã, bệnh viện dã chiến Lôi Thần Sơn được hoàn thành xây dựng trong vòng chưa đầy 2 tuần bởi 15.000 công nhân, với sức chứa 1402 giường bệnh tại 32 gian và bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân vào ngày 8/2.
Thiện Thành (Theo Epoch Times)