Làm việc không có ngày nghỉ, công việc thì vô cùng độc hại nhưng hàng trăm công nhân vệ sinh ở Hà Nội vẫn bị nợ lương từ 5 đến 10 tháng, nhiều người phải đi nhặt ve chai, vay nợ để kiếm sống. Trong đó có nhiều hoàn cảnh gia đình vô cùng đáng thương như phải đi thuê nhà hằng tháng, nuôi mẹ già, con nhỏ ăn học, chồng đau ốm quanh năm…
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Đoàn (60 tuổi, quê Nam Định), lên Hà Nội làm nhân viên công ty môi trường từ năm 2010 cho biết, những ngày làm việc ở công ty, vợ chồng ông không còn biết ngày nghỉ, lễ, tết là gì nhưng cuối cùng lại bị nợ lương.
‘Làm mà không được trả lương, trong khi công việc vô cùng độc hại’
Cụ thể, từ tháng 7/2020, công ty đã nhiều lần không thanh toán tiền lương cho ông và vợ. Tính đến nay, vợ chồng ông đã bị nợ 10 tháng lương. Điều đáng nói là không chỉ ông mà nhiều công nhân khác cũng gặp tình trạng tương tự.
Ông Đoàn cho biết, công nhân ai cũng bức xúc, dù đã gửi đơn lên chính quyền địa phương, công ty nhiều lần nhưng vẫn không được giải quyết.
Vì quá khó khăn nên công nhân các ông phải đi nhặt giấy vụn ở các khu chung cư để bán kiếm tiền sinh hoạt, nhưng mỗi ngày giỏi lắm cũng chỉ được vài chục nghìn, hôm nào may mắn lắm thì được gần 100.000 đồng, dù bóp mồm bóp miệng cũng chẳng đủ sống, nhiều người thậm chí còn phải đi vay lãi…
Chia sẻ về hoàn cảnh của mình, chị Nguyễn Thị Đào cho biết, công ty nợ lương khiến chị phải đi thu gom rác ở khu vực đường Hồ Tùng Mậu (quận Nam Từ Liêm), vì số tiền kiếm được ít ỏi nên chị phải vay mượn để trang trải qua những ngày dịch bệnh.
Chồng đau ốm, bệnh tật, chị Đào trở thành lao động chính trong gia đình, cuộc sống đã khó khăn nay còn khó khăn hơn.
“Chồng đau ốm nên tôi là lao động chính trong gia đình. Làm mà không được trả lương trong khi công việc thì vô cùng độc hại. Từ đầu năm 2021 chúng tôi chuyển về công ty mới do công ty cũ không trúng thầu nữa, lương công ty mới trả phải đập vào tiền đã vay mượn trước đây nhưng vẫn chưa đủ…”, chị Đào chia sẻ.
Giữa đại dịch khó khăn, bức xúc muốn nghỉ việc nhưng do yêu nghề nên vẫn tiếp tục làm
Liên quan đến sự việc trên, bà Nguyễn Thị Phương, tổ trưởng tổ môi trường phụ trách trả lương cho công nhân ở phường Tây Mỗ và Cầu Diễn cho biết, trên địa bàn bà quản lý có khoảng 80 công nhân chưa được trả lương, nếu tính thêm cả địa bàn quận Nam Từ Liêm thì có đến hàng trăm công nhân môi trường cũng đang ngày đêm trông ngóng lương về.
Theo bà Phương, công nhân môi trường dù làm cực nhọc nhưng lương 30 ngày chỉ được 5 triệu, đến nay bình quân mỗi một công nhân ở tổ đều đang bị nợ 5 tháng lương. Công nhân bức xúc muốn nghỉ việc nhưng do yêu nghề và được bà Phương động viên nên cũng nguôi ngoai tiếp tục làm.
Được biết, công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ cao Minh Quân (gọi tắt là Công ty Minh Quân) đã được đổi tên thành công ty cổ phần tập đoàn Nam Hà Nội (trụ sở tại Q.Hà Đông, Hà Nội).
Kể từ đầu năm 2021, Công ty Minh Quân không còn trúng thầu ở quận Nam Từ Liêm nên những công nhân môi trường của công ty bị nợ lương thuộc quản lý của công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội chi nhánh Cầu Diễn (Urenco7).
Công ty bất ngờ trúng hàng loạt gói thầu thu gom rác trên địa bàn
Xác nhận sự việc trên, giám đốc công ty cổ phần tập đoàn Nam Hà Nội, ông Trần Quang Tuấn cho biết, từ tháng 1/2021, công ty này đã mua lại cổ phần của công ty Minh Quân. Phía công ty Minh Quân đang có khoản nợ 38 tỷ đồng chưa trả nên Công ty Nam Hà Nội cũng chưa thanh toán được cho công nhân.
Ông Tuấn cho biết, trong tháng 7 tới, sau khi được Công ty Minh Quân thanh toán tiền công nợ thì công ty sẽ nhanh chóng trả lương cho công nhân.
Trước đó, vào tháng 1/2021, UBND TP. Hà Nội thông tin Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh đã ký văn bản giao Thanh tra TP chủ trì thanh tra toàn diện công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn TP liên quan đến công ty Minh Quân.
Trong giai đoạn 2017 – 2020, công ty Minh Quân bất ngờ trúng hàng loạt gói thầu thu gom rác trên địa bàn TP. Cũng trong thời gian này công nhân môi trường đã phản ánh nhiều lần về việc bị nợ lương.
Yên Yên (t/h)