Các nhà khoa học có thể sử dụng ADN thu được từ hiện trường vụ án để tái tạo lại hình ảnh tội phạm nhờ công nghệ lắp ráp ảnh phân tử.
Các nhà khoa học ngày nay có thể sử dụng ADN thu được ở hiện trường vụ án để tái tạo lại hình ảnh gương mặt của kẻ phạm tội. Quá trình trên được gọi là “lắp ráp ảnh phân tử”.
“Công nghệ này mở ra viễn cảnh tái tạo khuôn mặt nhờ một vài tế bào”, Gabriel Weston, bác sĩ phẫu thuật giải thích trong loạt phim Lịch sử Truy Bắt Tội phạm của BBC.
Để kiểm tra hiệu quả của phương pháp này, ADN lấy từ mẫu nước bọt của Gabriel được gửi nặc danh đến một nhóm các nhà khoa học Bỉ. Từ dữ liệu này, Tiến sĩ Peter Claes, một chuyên gia ảnh y khoa tại Đại học Leuven, đã tái tạo lại hình ảnh khuôn mặt Gabriel.
Người ta có thể đánh giá mức độ chính xác khi so sánh hình ảnh khuôn mặt thật của Gabriel và hình ảnh tạo ra dựa trên cấu trúc di truyền.
“Xương lông mày của cô nhô ra ngoài nhiều hơn người bình thường, cằm cũng vậy“, Tiến sĩ Claes mô tả khuôn mặt Gabriel.
“Cô có một chiếc cằm đặc biệt, nhô cao hơn so với một người châu Âu tầm thước, nhưng theo tôi, nét này không xấu. Má cô hơi phẹt, nhưng khó mà định hình chính xác điểm này trên khuôn mặt, vì nó phụ thuộc vào chế độ ăn uống.”
Sau khi chồng xếp khuôn mặt dự đoán lên một bức ảnh của Gabriel thì tất cả mắt, mũi, miệng, cằm đều nằm ở đúng vị trí. Tuy nhiên, chúng hơi tròn so với người thật.
Claes cùng với các đồng nghiệp ở Mỹ đang xây dựng cơ sở dữ liệu khuôn mặt và ADN. Trên cơ sở này, ông tạo ra mô hình cấu trúc khuôn mặt dựa vào 20 gen. Họ đang phát triển nhanh chóng công nghệ này, nâng số gen lên 200. Dự kiến, sau vài năm nữa, ảnh thu được sẽ chính xác hơn.
Theo VnExpress