Thiên Phúc nhớ được quốc kỳ của hơn 120 nước, 200 loài động, thực vật xung quanh và các chữ số hàng trăm khi mới 23 tháng tuổi. Lên 2 tuổi, bé đã có thể bày tỏ suy nghĩ của mình bằng Tiếng Anh. Tới năm 3 tuổi, Phúc bắt đầu đọc sách Tiếng Anh về các chủ đề khoa học, tự nhiên, xã hội…
Hiểu được tầm quan trọng của Tiếng Anh, với mong muốn sau này có thể đồng hành cùng con, anh Hồ Hoàng Dũng (35 tuổi, ngụ thôn Thượng Giang, xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) đã tự học ngôn ngữ này từ khi vợ mang bầu.
Hiện tuy mới 4 tuổi nhưng con trai anh là bé Hồ Thiên Phúc đã có thể giao tiếp và đọc sách song ngữ bằng cả bằng Tiếng Việt lẫn Tiếng Anh.
Theo anh Dũng thì con trai anh đã đọc hàng trăm quyển sách từ đơn giản đến phức tạp, thậm chí bé còn có thể đọc được cả sách Tiếng Anh chuyên ngành, sách nghiên cứu khoa học.
Nói về con trai, anh Dũng hăng hái chia sẻ rằng, con anh có trí nhớ rất tốt, bé nhớ được quốc kỳ của hơn 120 nước, 200 loài động, thực vật xung quanh và các chữ số hàng trăm khi mới 23 tháng tuổi. Lên 2 tuổi, bé đã có thể bày tỏ suy nghĩ của mình bằng Tiếng Anh. Tới năm 3 tuổi, Phúc bắt đầu đọc sách Tiếng Anh về các chủ đề khoa học, tự nhiên, xã hội,… Anh Dũng luôn theo sát từng bước đi của con, chỗ nào mà con không hiểu, anh sẽ giảng lại cho con bằng Tiếng Anh.
Việc đọc sách của Phúc diễn ra rất tự nhiên, gia đình bé không hề bắt ép, tạo áp lực buộc con phải đọc sách này sách kia. Cậu bé tự tìm tòi sách rồi chăm chú ngồi đọc hàng giờ liền.
Theo anh Dũng thì đây là tác dụng của giáo dục sớm. Từ khi vợ mang bầu, anh Dũng đã tìm hiểu kỹ về thai giáo, cách giáo dục sớm, phương cách nuôi dạy con đúng cách.
Sau khi có nhiều thông tin, anh bắt đầu chọn lọc những điều thực sự phù hợp với đặc trưng riêng của con mình. Bởi người bố hiểu mỗi đứa trẻ đều có một đặc điểm, tính cách riêng.
Tự học Tiếng Anh để đồng hành cùng con
Anh Dũng đóng vai trò là người thầy, người dìu dắt cho con mình, thế nhưng ít ai biết rằng, ngày trước ngoại ngữ của anh không hề tốt, tận đến khi vợ mang bầu anh mới quyết tâm học bằng được Tiếng Anh để thuận tiện cho việc dạy con.
Ông bố 8x chia sẻ, với anh khó nhất là kỹ năng nói vì không có đối tượng thực hành. Khi nói sai, anh cũng không biết sai ở đâu và sửa sai như thế nào. Vì con, anh Dũng quyết tâm đi tìm hiểu nhiều phương pháp học khác nhau và điều chỉnh cách học sao cho phù hợp với mình.
Cứ có thời gian rảnh là anh lại tranh thủ học, anh thường hình dung ra các tình huống giao tiếp với con rồi tự nói với chính mình.
Tình yêu dành cho con chính là động lực to lớn giúp anh vượt qua khó khăn. Với anh, phương pháp vững nhất chính là gắn việc học với thực tế, minh họa cụ thể bằng những gì diễn ra xung quanh. Nếu không có thực tiễn thì mọi phương pháp rất khó có thể triển khai được.
Xây dựng quá trình học cho con
Khi con 1 tuổi anh đã cho con làm quen từ vựng thông qua luyện nghe, ban đầu anh cho bé nghe những bài hát tiếng Anh cho trẻ trên YouTube, sau đó nghe những câu chuyện cổ tích và các cuốn sách và tranh bằng tiếng Anh… Quá trình này diễn ra vô cùng tự nhiên, giúp con trẻ tự làm quen và nạp vốn từ cho chính mình.
Tùy theo tâm trạng và phản ứng của bé anh sẽ cho bé nghe mỗi ngày từ 30 đến 60 phút theo một khung giờ cố định. Việc này giúp bé tạo thói quen và kích thích sự hứng thú cho bé.
Anh Dũng chia ra 4 giai đoạn khi trẻ bắt đầu học tiếng Anh gồm: Giai đoạn nạp vốn từ qua việc nghe nhạc, video, sách, truyện…; Giai đoạn trẻ bắt chước theo ngôn từ được nạp được để nói; Giai đoạn trẻ tư duy ngôn ngữ; Giai đoạn tư duy sâu.
Theo anh ba mẹ giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc học của con, thay vì ném điện thoại hoặc máy tính bảng cho con, các bậc phụ huynh hãy kiên trì, học cùng con, nhờ đó mà có sự tương tác tốt nhất.
Vợ chồng anh phân ra việc dạy tiếng Anh là của chồng còn vợ phụ trách dạy tiếng Việt để con không bị loạn ngôn.
Một trong số những bí quyết quan trọng nhất của anh đó là để trẻ tập trung vào việc luyện nghe, khi nào trẻ tích lũy đủ vốn từ thì sẽ tự nói được.
Vai trò của thai giáo
Theo anh Dũng, ngày mang bầu, mỗi ngày vợ anh đều giữ thói quen sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ đúng giờ, dành 10-15 phút buổi sáng và tối để trạng thái tinh thần thoải mái và tập trung nói chuyện với em bé trong bụng. Nhắn nhủ với bé những lời yêu thương hoặc bất kỳ điều gì mong muốn ở bé.
Anh cũng tích cực nói chuyện với con, hỏi han xem bé có khỏe không, thường xuyên nói yêu bé và đọc truyện thiếu nhi cho bé nghe.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi sinh ra bé vẫn nhớ những ký ức từ lúc trong bụng mẹ, Với Phúc, biểu hiện rõ nhất đó là bé có khả năng ghi nhớ cực nhanh các thông tin xung quanh.
Có con giỏi là thế nhưng anh Dũng tâm sự rằng mục đích chính của anh khi áp dụng việc thai giáo sớm, không phải để ‘biến’ con nổi bật hơn người mà là giúp con có được cái tâm yêu thương và một thái độ sống vui vẻ tích cực.
Trẻ con như một tờ giấy trắng, môi trường do cha mẹ tạo ra cho con trẻ sẽ là những gì mà các bé học được, bởi vậy có thể nói là tương lai con trẻ nằm trong tay chính các bậc phụ huynh trong gia đình.
Theo Pháp luật và Bạn đọc