Tinh Hoa

Con người muốn sinh tồn và phát triển có nhất định phải chinh phục thiên nhiên?

Bộ phim hoạt hình Con Rồng Cháu Tiên 2017 xoay quanh công cuộc “chinh phục thiên nhiên” của tổ tiên chúng ta. Trong phim, các yếu tố tự nhiên được đại diện bởi những quái vật hung dữ và con người luôn phải chống lại chúng để tồn tại. Tuy nhiên, con người muốn sinh tồn liệu có nhất định phải chinh phục, cải tạo tự nhiên?

Phải chăng mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên luôn phải là đối nghịch? (Ảnh: Dân Việt)

Thiên nhiên chính là ngôi nhà, là nguồn sống của mọi sinh vật trên Trái Đất. Chẳng thế mà người ta vẫn gọi thân thương là Mẹ Thiên Nhiên. Cùng tìm về quá khứ để xem cổ nhân đối với tự nhiên có thái độ như thế nào nhé.

Cổ nhân và mối liên hệ với tự nhiên

Lão Tử từng giảng: “Người thuận theo đất, đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo Tự Nhiên”. Đạo lý này bao hàm một tầng ý nghĩa: Con người bị quản chế bởi đất, đất bị quản chế bởi trời, trời bị quản chế bởi đạo và đạo bị quản chế bởi tự nhiên.

Con người sinh ra vốn đã phụ thuộc rất lớn vào thiên nhiên, trời đất. Vì vậy thời xưa, cổ nhân sống và hành xử đều là thuận theo tự nhiên, giữa con người với tự nhiên là một mối quan hệ hài hòa.

Khổng Minh Gia Cát Lượng cũng có câu “Tình canh vũ độc” (ngày nắng đi cày, ngày mưa đọc sách). Người nông dân xưa đều sinh sống như vậy. Mỗi ngày, khi mặt trời mọc họ bắt đầu ra đồng làm việc cày cấy đến lúc mặt trời lặn thì dừng. Những ngày mưa gió, họ ở nhà nghỉ ngơi, những người có chí hướng thì dành thời gian để đọc sách, ngâm thơ. Tùy theo mùa và thời tiết mà sẽ có mùa vụ, cây trồng cũng như thức ăn thích hợp. 

Người Việt ta có 2 loại bánh truyền thống được làm vào dịp Tết để cúng trời đất, tổ tiên là bánh chưng và bánh giầy. Bánh giầy hình tròn, tượng trưng cho trời, còn bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất. Qua đó có thể thấy lòng biết ơn, kính trọng của tổ tiên chúng ta đối với trời đất. Sự tích về 2 loại bánh này còn có ý nhắc nhở thế ngày nay về truyền thống dân tộc cũng như tầm quan trọng của cây lúa và thiên nhiên đối với đời sống con người. 

Cụ thể, không khí cho ta oxy để thở, đất mẹ cho ta lương thực, chỗ ở, rừng xanh cho ta không khí trong lành, bảo vệ ta khỏi lũ lụt, sông ngòi, biển cả cho ta nước uống, thực phẩm,..

Các cụ ngày nay sau khi nghỉ hưu, cũng chọn trở về nông thôn, sống gần với thiên nhiên để dưỡng già, để ôn lại thời quá khứ, tập làm thơ, dạy học… Được sống gần thiên nhiên luôn khiến người ta cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng. Một chốn nương thân nơi núi sâu, đồng rộng, khi cuối xuân đầu hạ, ngắm hoa nở đầy đường, cỏ cây tươi tốt đến tận sân nhà. Đâu đâu cũng nghe tiếng chim hót, côn trùng kêu đã rất đỗi quen thuộc như bạn thân vậy. Mệt thì nằm ngửa trên bãi cỏ ngắm thiên nhiên bình dị trong lòng cảm giác sự bình yên, êm đềm, thơ mộng của quê hương. Nóng thi thò chân xuống suối, tắm sông, về nhà vợ con đã chuẩn bị xong bát canh chua cơm gạo lức.

Cơm xong đã sẵn bình trà đầy thơm phức, cùng gia đình hàn huyên chuyện thóc lúa, thời tiết nắng mưa. Buổi tối các cụ hẹn nhau ngồi góc sân nhà uống chén chè tươi ngắm trăng đêm, đánh cờ, đàm luận chuyện thiên hạ. Tâm hồn luôn thảnh thơi, vui vẻ thì không sống lâu sao được. Vậy mới thấy sống hòa hợp với thiên nhiên rất quan trọng đối với sức khỏe con người.

“Người thuận theo đất, đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo Tự Nhiên”. (Ảnh: naemocao.com)

Ngay đến việc khắc phục thiên tai của người xưa cũng không nằm ngoài quy luật thuận theo tự nhiên. 4.000 năm trước, Đại Vũ trị thủy bằng cách đào kênh dẫn lũ ra biển, chứ không dùng biện pháp đắp đập ngăn lũ. Người xưa quan niệm vạn vật có linh, bất kể vật thể nào cũng đều có sinh mệnh, con sông, dòng suối, ngọn núi,… cũng đều như thế. Đắp đập ngăn sông hay chặt rừng phá núi đều không khác gì giết chết một sinh mệnh sống vậy. Vì thế họ chọn sống tôn trọng và hài hòa với thiên nhiên, vạn sự vạn vật.

>>> Truyền thuyết Đại Vũ trị thủy: Sức người không đủ, cần phải có trợ giúp của Thần linh

>>> Những dòng sông cũng là sinh mệnh sống, đừng giết chúng!

Ngày nay khi đối mặt với những thảm họa như sóng thần, động đất, hạn hán, lũ lụt… người ta thường cho rằng đó là “tai họa tự nhiên”. Nhưng người xưa lại không hiểu như vậy. Cổ nhân cho rằng, đó chính là cách thức mà Trời cảnh báo khi vua hay quan quân làm điều gì đó tổn hại đến thiên lý và khiến dân chúng phải lầm than.

Năm Khang Hy thứ 18, một trận động đất kinh hoàng xảy ra tại kinh thành, ảnh hưởng đến 6 tỉnh xung quanh cùng hơn 200 châu huyện khác. Trước đại nạn bất ngờ này, Hoàng đế Khang Hy đã cho áp dụng nhiều biện pháp khắc phục. Nhưng đầu tiên ông ra lệnh cho quan lại lớn bé trong triều phải nghiêm túc kiểm điểm lại bản thân và các công việc của mình một cách toàn diện. Có sai sót chỗ nào phải bẩm báo và sửa chữa. Căn cứ theo ý chỉ của hoàn đế, sau 10 ngày, các quan Đại thần đã tìm ra vấn đề và ngay lập tức áp dụng biện pháp trừ bỏ những tệ nạn trong giới quan lại.

Sỡ dĩ hoàng đế Khang Hy làm vậy vì ông “Kính Trời hiểu Mệnh” và tuân theo các quy luật của tự nhiên.  Cổ nhân đã nhận thức được quy luật “Thiên nhân hợp nhất”, hiểu rằng có một sức mạnh tiềm ẩn đằng sau mọi thứ trong tự nhiên. Họ tin rằng những thiên tai nhân họa ấy thường là sự cảnh cáo từ Thiên Thượng về những việc làm sai trái của con người, về sự suy đồi của đạo đức xã hội, về Hoàng đế tắc trách khiến dân lầm than… Vì vậy, khi xảy ra những hiện tượng dị thường, người “kính Trời hiểu mệnh” sẽ biết hướng vào nội tâm mà suy xét, tìm kiếm những lỗi lầm của bản thân, tu chỉnh lại, nhờ vậy mà có thể thay đổi được hoàn cảnh, cải biến số mệnh.

Chống lại thiên nhiên và hậu quả khôn lường

Ngày nay, mối quan hệ giữa con người và tự nhiên ngày càng trở nên đối lập, thử nhìn lại cách chúng ta đối xử với tự nhiên, khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên một cách vô tội vạ để thỏa mãn những nhu cầu vật chất và tham vọng danh lợi không ngừng của mình, không khó lý giải tại sao thiên nhiên lại trở nên “hung dữ” và sẵn sàng đáp trả chúng ta bằng thiên tai, thảm họa ngày càng nghiêm trọng.

Con người vô tình hoặc cố ý đang hằng ngày hủy hoại thiên nhiên, hủy hoại ngôi nhà của mình theo nhiều cách. Để phát triển triển kinh tế, con người không ngừng chặt cây phá rừng, săn bắt muông thú, đào khoáng sản dưới lòng đất, chặn dòng nước làm thủy điện, xả rác thải, khí thải, hóa chất độc hại vào môi trường…

 

Mỗi con đập như một vết cắt cứa vào lòng sông. (Ảnh: Radar Econômico)

Và hậu qủa của những hành động này có lẽ chúng ta cũng đã thấy rõ hơn ai hết. Những vấn nạn thường nghe như mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường, hiện tượng nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu, hạn hán lũ lụt ngày càng nghiêm trọng,… chẳng phải đều do tác động của con người lên thiên nhiên năm này qua năm khác.

Một ví dụ điển hình là Đập Tam Hiệp, con đập lớn nhất thế giới nằm trên sông Dương Tử, Trung Quốc. Do chính sách cải tạo tự nhiên của nước này làm tàn phá bừa bãi đất rừng ở thượng nguồn khiến nguồn nước bảo tồn giảm xuống 100 tỷ mét khối, thế nhưng dự án đập Tam Hiệp chỉ bảo tồn được 30 tỷ mét khối, vì thế lũ lụt vẫn là chuyện thường xuyên không thể tránh khỏi. Đó mới chỉ là vấn đề bảo tồn nguồn tài nguyên nước.

>> > Đập thủy điện lớn nhất hành tinh của Trung Quốc làm Trái Đất quay chậm lại

Ngoài ra, việc xây đập còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, hệ sinh thái và cuộc sống người dân trong khu vực. Tính ra, đã có hơn 140 thị trấn, 1.000 làng mạc, 2 thành phố, 100.000 ha đất nông nghiệp màu mỡ đã ngập chìm trong vùng lòng hồ. Khoảng 1,9 triệu người phải di dời. Nhiều loài sinh vật trong vùng đều bị ảnh hưởng. Chất lượng nước biến đổi rõ rệt. Cư dân trong vùng phải đối mặt nguy cơ động đất, sạt lở.

Xây dựng đập thủy điện làm gia tăng sạt lở đất. (Ảnh: Boston.com)

Một công trình “cải tạo tự nhiên” khác ở Nội Mông Cổ là dự án “tích thảo tạo điền”, đã biến các đồng cỏ từ hàng ngàn năm trước thành khu vực nông nghiệp, gây thiệt hại sinh thái xói mòn đất nghiêm trọng. Vì cây trồng nông nghiệp không có khả năng cố định đất và nước, một khi trời mưa xối xả, hoặc gió lớn, tầng thổ nhưỡng ở bề mặt đất rất lỏng lẻo, một khi được rửa sạch, thì nơi đó biến thành sa mạc. Gần đây, những cơn bão bụi, rồi bão cát sa mạc đã thổi đến cả Bắc Kinh.

Ở Việt Nam những năm qua, thiên tai diễn biến ngày càng khốc liệt, bất thường. Liên tiếp những trận lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh như Sơn La, Yên Bái cướp đi tính mạng của nhiều người. Và phá rừng chính là nguyên nhân khách quan chính dẫn tới hậu quả này. Nhiều đồi, rừng ở khu vực Sơn La, Yên Bái trước đây cây cối ngút ngàn che chắn nay đã bị cạo trọc. Chúng ta đang và có lẽ sẽ còn tiếp tục phải trả giá cho chính hành động của mình.

Ngày nay, nhiều người đã nhận thức ra hậu quả của những tác động của con người đến tự nhiên và tìm về lối sống gần gũi với thiên nhiên. 

Nhiều nước phát triển, sau nhiều thập kỷ nhìn nhận và đánh giá, đã có kết luận là lợi ích kinh tế và lợi ích tưới tiêu của việc xây đập mang đến, cả về lợi ích phát điện, hoàn toàn không đủ bù đắp nỗi thiệt hại về mặt sinh thái, và ảnh hưởng đến cuộc sống của những người dân di tản. Hoa Kỳ từ năm 1994 bắt đầu  không còn xây đập nữa, thậm chí rất nhiều đập đã bị phá bỏ, Pháp và Na Uy cũng đã thông qua luật không xây dựng đập nữa.

Vào những năm 80, người Nhật Bản phát triển một phương pháp trị liệu gọi là Shinrin-yoku, dịch theo nghĩa đen là “tắm rừng”, một liệu pháp hỗ trợ sức khỏe thông qua việc đắm mình trong rừng cây hay các môi trường thiên nhiên khác. Trong số nhiều lợi ích của Shinrin-yoku phải kể đến là giảm stress, hạ huyết áp, nâng cao hệ miễn dịch, phòng chống ung thư,…

“Tắm rừng” – Shinrin-yoku. (Ảnh: iStock)

Mỗi nhân tố của tự nhiên đều đóng một vai trò nhất định, là một mắt xích trong vòng tuần hoàn sinh thái. Khi con người để đạt được mục đích của mình mà bất chấp hậu họa, làm tổn hại đến một mắt xích trong đó, thì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ môi trường, và chính con người cũng không thoát khỏi việc gánh lấy hậu quả.

Và khi phải đối mặt với những thảm họa ấy, chúng ta thường chỉ đổ lỗi cho thiên nhiên mà không tự xem xét lại mình. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại vai trò của tự nhiên đồng thời học người xưa cách tôn trọng và chung sống hài hòa với vạn sự vạn vật trong đó.

Hồng Liên (t/h)