Gần kết thúc năm 2017, Việt Nam sẽ đón cơn bão số 16 Tembin sau khi cơn bão này quét qua Philippines khiến 133 người chết và hàng chục người mất tích. Dự báo đây cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Nam Bộ với “cấp thảm họa”, mạnh hơn bão Linda lịch sử năm 1997.
Bão Tembin đang di chuyển chủ yếu theo phía Tây với tốc độ 20-25 km/giờ và dự kiến đêm 23, rạng sáng mai 24/12 sẽ đi vào biển Đông nước ta, trở thành cơn bão số 16.
Khi vào bờ, bão Tembin có thể giảm nhẹ cấp nhưng thời gian từ đảo Trường Sa vào đến đất liền chưa đến 1 ngày nên tốc độ yếu đi chưa rõ ràng. Do đó cần ứng phó với phương án bão đổ bộ cấp 10-11, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4. Thậm chí, nếu bão vẫn giữ nguyên cấp 12, giật cấp 15 khi đổ bộ thì lần đầu tiên phải nâng cấp độ rủi ro lên cấp 5 – cấp thảm họa.
Cơ quan khí tượng nhận định, cơn bão Tembin rất phức tạp, là cơn bão muộn mạnh nhất từ trước tới nay và nếu giữ cấp 10-11 hoặc đạt cấp 12 khi đổ bộ thì sẽ là cơn bão mạnh nhất vào Nam Bộ, hơn cơn bão lịch sử Linda năm 1997.
Nam Bộ là nơi rất ít bão, kinh nghiệm ứng phó hạn chế. Bên cạnh đó, tập quán sinh sống, điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng đang là những bất lợi khi bão đổ bộ. Khu vực Nam Bộ hiện có 29 điểm sạt lở khu dân cư tập trung ven biển với chiều dài 121 km, các tuyến đê biển từ Quảng Ngãi đến Cà Mau mới chỉ được thiết kế đảm bảo an toàn với bão cấp 9.
Chuẩn bị ứng phó với bão
Người đứng đầu Tổng cục Phòng chống thiên tai khẳng định các tỉnh từ Bà Rịa Vũng Tàu đến Cà Mau đã lên phương án di dời, sơ tán 234.222 hộ/949.460 nhân khẩu đến khu vực an toàn.
Đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết lực lượng biên phòng các tỉnh ven biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang đã phối hợp với địa phương, chủ tàu thông báo hướng dẫn cho 68.999 phương tiện/339.839 người diễn biến, hướng di chuyển của bão Tembin để chủ động phòng tránh hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Tại đầu cầu thuộc 19 tỉnh, thành phố như TP. Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bạc Liêu, Cà Mau… lãnh đạo các địa phương cho biết đã nắm được tình hình, hướng di chuyển của bão Tembin và lên các phương án ứng phó, di dời người dân, thông báo cho các tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn.
Đến 5h sáng 23/12, 100/180 chiếc tàu hàng được sắp xếp vào vị trí neo đậu, số tàu còn lại sẽ được bố trí xong trong ngày mai. Địa phương dự kiến sơ tán 78.000 dân, chủ yếu tại huyện Long Điền, Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Côn Đảo. Ông Lê Tuấn Quốc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết từ chiều 22/12, tỉnh đã ra lệnh cấm biển, các tàu thuyền không được ra khơi.
Bạch Vân (t/h)