Bị bắt vì cáo buộc lái xe gây nguy hiểm, người đàn ông nhận tội và tuyên bố mình thà ở tù còn hơn phải về nhà với vợ.
Cụ ông có phát biểu gây sửng sốt nói trên là Leonard Olsen, 70 tuổi, hiện đang sinh sống ở bang Florida, nước Mỹ.
Ông Olsen bị bắt giữ hôm 7/5 vừa qua, sau khi một cảnh sát tình cờ phát hiện ông đang đứng trên ghế lái, chui người qua cửa sổ trời và giang rộng hai tay trong khi xe vẫn chạy bon bon trên xa lộ đông đúc.
Người cảnh sát hết ca trực đã ghi hình lại toàn bộ hành động nguy hiểm của ông Olsen và báo tin cho các đồng nghiệp để can thiệp kịp thời. Đoạn clip kéo dài gần 2 phút khiến người xem không khỏi lo thay cho số phận của người đàn ông này.
Khi bị cảnh sát yêu cầu dừng xe, ông Olsen ban đầu còn chối tội. Nhưng sau khi clip ghi lại hình ảnh vi phạm của mình được đưa ra, ông lập tức nhận tội với lý do: “Tôi thà bị bỏ tù chứ không muốn phải về nhà với vợ. Bà ấy luôn đối xử với tôi như một người hầu. Tôi quá mệt mỏi vì chuyện này nên mới quyết định làm liều”.
Ông Olsen giải thích thêm chiếc xe đang trong chế độ điều khiển hành trình có thể tự lái và khi đó ông đang cầu nguyện. “Chiếc xe được thiết lập chế độ không người lái. Cảnh sát cho rằng đó là hành động vi phạm luật giao thông, nhưng tôi chỉ muốn bày tỏ tình yêu với Chúa theo cách riêng của tôi thôi”, ông nói.
Đúng như mong muốn, ông Olsen hiện đang bị tạm giam và chuẩn bị phải ra hầu tòa vì cáo buộc lái xe gây nguy hiểm.
Chuyện tưởng như rất lạ nhưng đây không phải lần đầu tiên có người muốn bị bắt để không phải về sống chung với vợ. Cách đây 3 năm, một người đàn ông mang tên Lawrence John Ripple, 70 tuổi, đã cố tình cướp Ngân hàng Lao động thành phố Kansas, Mỹ, sau đó bình tĩnh chờ cảnh sát đến bắt cũng chỉ vì lý do hết sức đơn giản: “Tôi thà ngồi tù còn hơn ở nhà vì không muốn tranh cãi với vợ thêm chút nào nữa”.
Ông Ripple sau đó bị bắt và bị tòa án tại thành phố Kansas kết tội vì hành vi ăn cắp ngân hàng liên bang.
Được biết, ông Ripple là một công dân rất “kiểu mẫu”, tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, sau 4 cuộc phẫu thuật tim, ông lão có dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Theo luật sư bào chữa, hành động này của ông Ripple chính là một lời cầu cứu. Sau khi bị bắt, ông đã lấy lại trạng thái cân bằng và nhận thức được hành vi của mình là hoàn toàn sai.
Với tội danh kể trên, ông phải đối mặt với mức án lên đến 37 tháng. Tuy nhiên, với trường hợp này, cả giám đốc và nhân viên giao dịch ngân hàng bị cướp cũng đề nghị miễn tội cho ông nên tòa án đã kết án ông 6 tháng tù và 3 năm quản chế với 50 giờ phục vụ công ích.
Đồng thời ông cũng phải trả cho ngân hàng 227,27 USD tiền bồi thường thiệt hại, tượng trưng cho số giờ làm mà các nhân viên phải nghỉ do vụ cướp, và 100 USD tiền quỹ dành cho các nạn nhân.
Thùy Linh (t/h)