Tinh Hoa

Có nên trao quyền giám định âm thanh, hình ảnh cho VKSNDTC?

Chiều 21/5, diễn ra thảo luận về việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho “Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” đã nhận được nhiều ý kiến tranh luận từ các đại biểu Quốc hội.

UB Thường vụ QH đề nghị bổ sung quy định phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC. (Ảnh: vietnamnet.vn)

Chiều qua 21/5, thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị bổ sung chức năng giám định tư pháp cho “Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao”.

Được biết trước đó, Chính phủ đã có báo cáo bổ sung trình QH khẳng định về sự cần thiết của vấn đề này.

Theo đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lê Thị Nga cho biết có hai luồng ý kiến sau khi trình bày báo cáo giải trình, chỉnh lý dự thảo luật.

Thứ nhất là ý kiến tán thành, cho rằng việc bổ sung quy định này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả giám định về âm thanh, hình ảnh thu thập trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử nhằm đảm bảo tính kịp thời và giảm oan sai.

Thứ hai là đề nghị không bổ sung, vì lo ngại mất đi tính khách quan khi VKS vừa thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, lại vừa trực tiếp thực hiện giám định. Ngoài ra, việc bổ sung quyền này sẽ kèm theo mở rộng biên chế, kinh phí, làm chồng lấn nhiệm vụ giữa tòa án và VKS,…

3 Đại biểu Quốc hội phản đối

Dẫn đầu nhóm đề nghị không bổ sung là Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, ủy viên thường trực UB Quốc phòng và An ninh Quốc hội.

Bà cho rằng các cơ quan giám định hiện nay đã đáp ứng nhu cầu giám định, đảm bảo tính kịp thời, nhanh chóng. Ngoài ra, trong Tổng kết luật Giám định không thấy VKSND nêu khó khăn vướng mắc trong việc trưng cầu giám định âm thanh và hình ảnh, do đó việc bổ sung, yêu cầu thực tế chưa phải cấp thiết.

ĐB Nguyễn Thị Xuân: Việc bổ sung giám định tư pháp cho VKSND là chưa cần thiết. (Ảnh: TTXVN)

Cùng với Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, hai Đại biểu Quốc hội nhất trí cho rằng việc mở rộng quyền giám định tư pháp cho Viện kiểm sát là trái với luật Tổ chức VKSND, không phù hợp.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An tranh luận: Nếu nói là chống oan sai thì phải thành lập cơ quan giám định thuộc TANDTC, vì tòa mới là trung tâm của nền tư pháp, quyết định của toà mới buộc được người đó có tội hay hay không có tội.

“Nếu chúng ta nói rằng do chống oan sai để thành lập một cơ quan này cho độc lập với cơ quan của công an, quân đội, tôi cho rằng không thuyết phục”, ông Cầu băn khoăn.

Ông Cầu cho rằng, từ trước nay, không có việc VKSND có yêu cầu giám định mà cơ quan giám định không thực hiện yêu cầu.

“Theo báo cáo của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an mà tôi có trong tay, từ năm 2012 đến giờ, chỉ có 60 vụ việc giám định về âm thanh, tiếng nói, trung bình 1 năm chỉ có 8 việc thôi. Anh em ngoài đó ngồi chơi, không có việc làm đâu”, ông dẫn chứng.

2 Đại biểu Quốc hội tán thành

ĐBQH Trần Hồng Hà (đoàn Vĩnh Phúc), bày tỏ tán thành với quy định tại dự thảo luật và cho rằng việc bổ sung quy định này sẽ góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh thu thập trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử.

Theo ông, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên toàn quốc nên yêu cầu giám định loại việc trên ngày càng tăng, do đó giới hạn việc giám định trong Bộ Công An sẽ dẫn tới quá tải.

ĐBQH Trần Hồng Hà. (Ảnh: quochoi.vn)

Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, một ủy viên thường trực khác của UB Quốc phòng An ninh lại nói: “Câu chuyện ở đây không phải là quá tải, mà chưa bao giờ yêu cầu để tránh oan sai trong hoạt động điều tra, xét xử đòi hỏi cao như hiện nay. Việc bổ sung chức năng giám định cho VKSND tối cao là xuất phát từ yêu cầu này”.

Ông cho rằng, việc bổ sung quy định này là để thực hiện yêu cầu cao nhất là chống oan sai chứ không phải là quá tải hay không quá tải.

Đáp trả ý kiến này, ĐB Nguyễn Hữu Cầu nói: “Nền tư pháp ngày càng phát triển thì oan sai ngày càng giảm đi. Chứ không phải giám định ghi âm, ghi hình là phát hiện nhiều oan sai đâu”.

Từ Thức (t/h)