Robot phục vụ bàn đã có mặt tại Sài Gòn. “Cô Ba” được trang bị bảng tên như một nhân viên bình thường. Cô có thể chào hỏi, giới thiệu các món ăn và di chuyển để mang thức ăn, đồ uống cho thực khách.
Robot Cô Ba hiện đang là nhân viên phục vụ của chuỗi quán cà phê Javi, nhưng ngay sau đó cô robot nói giọng miền Tây ngọt ngào trở nên nổi tiếng và được nhiều người biết tới, nhiều nhà hàng đã “thuê” cô làm nhân viên phục vụ theo giờ.
Nhiều thực khách hào hứng khi thấy robot chào hỏi, giới thiệu các món ăn và bưng bê như một nhân viên bình thường.
“Xin chào, em là Cô Ba. Chúc quý khách ngon miệng” – Cô Ba đeo tạp dề, trên tay bưng khay cơm tấm bì chả đi dọc dãy bàn ăn, cất tiếng chào khách khi nhân viên đứng bàn lấy dĩa cơm ra khỏi cái khay.
Một nhà hàng cơm tấm ở phố đi bộ Nguyễn Huệ đã thuê Cô Ba tới làm nhân viên trong giờ ăn trưa, phục vụ món cơm tấm và đồ uống cho thực khách. Nhiều khách nước ngoài thích thú khi robot cô ba mặc đồng phục, bê đồ ăn phục vụ, chào hỏi, giới thiệu tên, giới thiệu về nhà hàng, các món ăn và chúc ngon miệng.
Giờ ăn tối, Cô Ba lại tiếp tục vào trung tâm thương mại ở quận 2, phục vụ món lẩu phở. Peter – du khách người Hungary – tỏ ra rất hào hứng. Anh cho biết đây là lần đầu tiên anh ăn món ăn do robot phục vụ, và lại là một món ăn truyền thống Việt Nam.
Robot Cô Ba với các bộ phận cảm biến nhiệt và siêu âm, có thể di chuyển đến các bàn bằng điều khiển từ xa hoặc bằng chế độ tự động, có thể rẽ trái, phải, tránh vật cản hoặc tự động dừng lại khi phát hiện có vật cản phía trước. Cô nhân viên “không bao giờ biết cau có” này cũng giới thiệu cho khách về món ăn, đồ uống hoặc những điểm đặc biệt của nơi cô sẽ phục vụ.
Trưởng nhóm chế tạo là một chàng trai còn rất trẻ. Nguyễn Thanh Huy (22 tuổi), sinh viên năm 4 Khoa Cơ khí Động lực – ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho biết nhóm nghiên cứu gồm 7 người, nhóm bắt đầu phát triển ý tưởng nghiên cứu để chế tạo robot từ cuối năm 2013 đến nay.
“Sau bốn năm nghiên cứu và phát triển, đây là phiên bản thứ hai nhóm mình mang ra thử nghiệm” – anh nói.
Huy cho biết, mỗi người trong nhóm phụ trách một công việc riêng từ lập trình cho đến thiết kế bên ngoài. “Cô Ba được thiết kế như một người châu Á, cao 1,65 m, nặng 45 kg. Robot này có nhiều phiên bản khác nhau và có thể tùy chỉnh theo ý muốn” – Huy nói.
“Cái khó nhất của robot là hoạt động ổn định. Trong cô robot này có khoảng 40 linh kiện, phối hợp giữa phần cơ, điện tử và lập trình điều khiển. Trong suốt thời gian nghiên cứu, nó được thử thách trong môi trường khá khắc nghiệt, hoạt động trong 12 giờ liên tục để khi đưa vào sử dụng đạt được độ ổn định mong muốn”, Huy chia sẻ.
Nói về việc cho robot “chạy sô”, TS Nguyễn Bá Hải cho biết anh muốn robot tương tác, sẵn sàng đương đầu với khen chê để nhận được góp ý từ nhiều người để nhóm nghiên cứu sẽ tiếp thu và tiếp tục hoàn chỉnh.
Theo TS Hải, hiện nay robot Cô Ba có ba phiên bản: robot dạy tiếng Anh với hình dáng đơn giản có khả năng tương tác tiếng Anh cơ bản với người học, robot phục vụ có hình dáng của người thật và phiên bản hoàn chỉnh hơn dự kiến hoàn thiện vào giữa năm 2018 sẽ có lớp da bằng silicon giống người hơn và có khả năng cử động cổ.
Trên thế giới đã có nhiều nhà hàng, sân bay dùng robot để phục vụ. Trước đó, một quán cà phê trên đường Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã gây chú ý khi có robot phục vụ quán.
Đây là lần đầu tiên robot được đưa vào hoạt động phục vụ thực khách tại Sài Gòn, đánh dấu một bước phát triển mới trong các hoạt động thu hút du khách tại thành phố này.
Ngân Ca (t/h)