Nhiều người nghĩ thị trấn ma hẳn sẽ là 1 nơi hoang tàn, nhà mất nóc, cửa sổ bẩn, nền mục nát… nhưng Kitsault, North Coast, British Columbia, Canada lại là nơi rất khác.
Nơi đó mọi thứ từ nhà cửa, trung tâm mua sắm, nhà hàng, ngân hàng, rạp hát, quán rượu… tất cả đều trống vắng, không ai đụng chạm nhưng rất sạch sẽ, gọn gàng.
Đèn trong thị trấn vẫn luôn bật sáng, đường phố được phủ cây xanh hai bên và sạch sẽ, tuy nhiên không ai sống ở Kitsault từ năm 1982.
Thị trấn nằm gần biên giới bang Alaska của Mỹ, cách đó khoảng 115 km. Bắt đầu hình thành từ năm 1979, đây là nơi ở của các công nhân khai thác molybdenum.
Molybdenum là một hóa chất dạng rắn, thuộc hợp kim cacbua, thường dùng để tăng độ cứng và chống ăn mòn cho thép. Tuy nhiên, thị trường molybdenum bị giảm sút thậm tệ và khoảng 1.200 cư dân thị trấn này bỏ đi nơi khác.
Khu vực này ở British Columbia còn có các mỏ khai khoáng khác như bạc, chì, đồng trong gần 1 thế kỷ, dẫn tới xuất hiện nhiều thị trấn nhỏ như Alice Arm hay Anyox. Molybdenum lần đầu tiên được khai thác tại đây vào cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 nhưng đã dừng lại vì lợi nhuận giảm.
Một khu đất lớn đã được chuẩn bị cho thị trấn Kitsault, một dự án lớn với quy mô chưa từng thấy ở bắc British Columbia được bắt đầu. Hệ thống đường sá được xây dựng vội vã.
Hơn 100 căn hộ gia đình được xây lên, 7 tòa chung cư với hơn 200 phòng dạng suite. Trong thị trấn còn có một bệnh viện hiện đại, trung tâm thương mại, nhà hàng, ngân hàng, bưu điện, quán rượu, bể bơi, thư viện… Trong ảnh là một góc bệnh viên bị bỏ hoang ở thị trấn Kitsault.
Thư viện dù không có người dùng vẫn rất chỉn chu, sạch sẽ.
Năm 2005, một doanh nhân Mỹ gốc Ấn, Krishan Suthanthira, mua thị trấn với giá 7 triệu USD. Sau đó ông đổ khoảng 25 triệu USD để nâng cấp và bảo tồn thị trấn Kitsault.
Kể từ đó Krishan thuê hơn 10 người làm nhiệm vụ chăm sóc những ngôi nhà và các công trình liên quan, kiểm tra tình trạng và sửa chữa khi cần. Đây cũng là lý do thị trấn không người sinh sống lại luôn sáng đèn và gọn gàng.
Theo VNE