CNN dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, hôm 16/11, các quan chức quân đội Ukraine đã thừa nhận việc phóng tên lửa gần địa điểm xảy ra vụ nổ chết người ở Ba Lan.
Theo đó, quân đội Ukraine đã thông báo với các nước phương Tây rằng nước này “cố gắng đánh chặn một tên lửa Nga trong cùng thời điểm đó và ở gần địa điểm xảy ra vụ việc” tại làng Przewowdow của Ba Lan hôm 15/11.
Trong khi Kiev đổ lỗi vụ nổ trên cho Nga thì các nhà lãnh đạo phương Tây nhận định vụ việc có thể là do tai nạn của phòng không Ukraine.
Trước đó, Tổng thống Ukraine đã gọi vụ bắn tên lửa vào Ba Lan là “một cuộc tấn công vào an ninh tập thể của NATO” và kêu gọi phương Tây phản ứng tương xứng với Nga.
Bộ Ngoại giao Nga đã phủ nhận mạnh mẽ những cáo buộc cho rằng Moscow có liên hệ với vụ rơi tên lửa ở Ba Lan, đồng thời cho rằng một cuộc điều tra công bằng sẽ cho thấy vụ việc này chính là một hành vi khiêu khích.
Trong một tuyên bố chính thức, Moscow cho rằng Kiev đang cố gắng viện cớ để đổ lỗi cho Nga nhằm tìm kiếm sự ủng hộ từ phương Tây. Bộ Ngoại giao Nga cũng gọi phản ứng của một số nước NATO trước vụ việc trên là “rất tồi tệ”.
Các nước phương Tây sau đó đã xác nhận tên lửa trên được phóng từ phía Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đều khẳng định vụ nổ có thể do tên lửa phòng không của Ukraine gây ra. Ông Duda cũng thông báo sẽ không tiến hành tham vấn khẩn cấp theo Điều 4 Hiệp ước NATO.
Phía Bộ Quốc phòng Nga cho biết, qua phân tích các mảnh vỡ tại địa điểm xảy ra vụ nổ cho thấy vụ việc do 1 tên lửa được phóng từ hệ thống phòng không S-300 gây ra.
Ba Lan hiện đang dẫn đầu cuộc điều tra về vụ nổ khiến 2 người thiệt mạng này.
Trước đó, lúc 15h40 chiều 15/11 theo giờ địa phương (21h40 cùng ngày giờ Việt Nam), một tên lửa rơi xuống làng Przewodow ở đông nam Ba Lan, cách biên giới Ukraine khoảng 6km khiến 2 dân thường thiệt mạng.
Sau khi tên lửa rơi, Bộ Ngoại giao Ba Lan nhận định có khả năng tên lửa do Nga sản xuất nhưng không có bằng chứng cụ thể về việc ai đã bắn nó. Cả tên lửa tầm xa của Nga và tên lửa phòng không mà Ukraine sử dụng đều dùng thiết kế của Liên Xô.
Phía Nga gọi những tuyên bố của truyền thông và quan chức Ba Lan là hành động khiêu khích, và khẳng định Nga không thực hiện cuộc tấn công nào gần biên giới Ukraine – Ba Lan.
Vụ nổ ở Ba Lan xảy ra giữa bối cảnh Nga không kích dồn dập vào các trung tâm chỉ huy và cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Nga đã tăng cường tấn công các mục tiêu trên bằng UAV và tên lửa từ tháng 10 sau khi Tổng thống Vladimir Putin cho rằng Ukraine đã tiến hành “các cuộc tấn công khủng bố” vào lãnh thổ của Nga.
Vũ Tuấn (t/h)