Clyde Heath hiện đang là một nhà diễn thuyết giáo dục nhân cách cho trẻ em. Ông từng có một tuổi thơ đầy bất hạnh, bạo lực, và tệ nạn. Nhưng Heath chưa bao giờ đầu hàng trước sự tàn khốc của cuộc sống, ông đã biến chúng thành động lực để vượt qua. Và đến nay câu chuyện của ông đã trở thành nguồn cảm hứng cho hàng triệu trẻ em trên thế giới.
Clyde Heath từ khi sinh ra đã sống trong một gia đình không hạnh phúc. Cha mẹ ông ly dị khi ông mới 2 tuổi, mẹ ông sau đó đã gặp gỡ và qua lại với rất nhiều người đàn ông khác. Ông sống với bà ngoại khi còn học tiểu học, nhưng bà đã qua đời khi ông lên 10 tuổi.
Mặc dù cuộc sống gia đình không suôn sẻ, nhưng Heath vẫn lựa chọn cách sống tích cực khi đối mặt với những nghịch cảnh.
Có những lúc, ông không được gặp mẹ trong thời gian khá lâu. Bà không đến tìm ông nhưng sẽ gọi điện cho ông,và nói rất nhiều lý do như bận công việc,….nhưng ông đoán rằng có lẽ bà đang vướng bận vào một mối quan hệ với người đàn ông nào đó.
“Bà ấy có thể kết hôn với một người đàn ông nát rượu, nghiện ma túy hay hung hăng ngược đãi. Cuộc đời tôi đã quá quen thuộc với tiếng la hét, đập vỡ đồ đạc khi chứng kiến mẹ mình bị những người đàn ông đó bạo hành. Lúc đó, tôi sẽ rúc xuống dưới giường để tìm kiếm một cảm giác an toàn. Ngôi nhà chẳng có lúc nào là bình yên”, Heath chia sẻ.
Những biến cố trong cuộc đời
Để vượt qua cuộc sống gia đình bất hạnh, Heath đã tích cực tham gia các chương trình sau giờ học. Lúc đó, ông được giới thiệu về cách chơi yo-yo. Vậy là những lúc chứng kiến mâu thuẫn trong gia đình, ông sẽ ra ngoài và ngồi tập chơi nó. Việc tập trung tâm trí vào món đồ chơi khiến ông quên đi những phiền muộn, nguồn cảm hứng này đưa ông đến với một số cuộc thi ở miền nam California; thậm chí ông còn giành được giải vô địch thành phố ở Santa Ana.
Ngược lại, anh trai của Heath lại có một cuộc sống sa đọa. Ở tuổi 15, ông ấy đã dính vào tội danh ăn cắp xe hơi. Chứng kiến những việc làm tệ hại của anh trai mình, Heath nhận ra rằng những hành động xấu chỉ khiến cuộc sống của mình trở nên tệ hơn. Vì thế, có thời gian ông sẽ đi đánh bóng chày và tập trung tâm trí vào thể thao.
“Tôi nghĩ rằng, có rất nhiều lý do để tôi chọn một cách sống tích cực. Chán nản và buông thả không phải là cách mà tôi muốn sống. Chứng kiến quá nhiều những việc làm tệ hại của những người xung quanh, tôi biết khi đối diện với những khó khăn trong cuộc đời, tôi vẫn cần lựa chọn hướng đi tích cực”, Heath chia sẻ.
Khi bà ngoại qua đời, ông đã trở về chăm sóc mẹ. Huấn luyện viên bóng chày của ông lúc bấy giờ giống như một người cha luôn ở bên cạnh động viên giúp đỡ ông những lúc gặp khó khăn.
Có một lần chiếc xe hơi của Heath và mẹ ông bị hỏng; huấn luyện viên đã gửi cho gia đình ông một ít tiền để có thể mua một chiếc xe hơi cũ. Thậm chí, ông ấy còn nói với mẹ Heath rằng, nếu họ cần một nơi để ở thì ông sẵn sàng giang rộng vòng tay chào đón họ. Cuối cùng, lúc khó khăn, gia đình Heath đã dọn đến ở tạm nhà của vị huấn luyện viên này trong suốt 1 năm, khi đó Heath đang học lớp 8.
Đến năm lớp 9, hai mẹ con ông rời khỏi nhà huấn luyện viên để đến nơi khác sống. Chỗ ở của họ khi đó là một căn trọ tồi tàn, nơi nổi tiếng với nhiều tội phạm ma túy và gái mại dâm.
Ở đây, mẹ ông lại tiếp tục gặp gỡ và làm quen với một người đàn ông khác. Vào đêm người đàn ông này đưa 2 mẹ con Heath đến khách sạn bằng chiếc xe hơi Bentley cũ đã qua tái chế. Bất ngờ lực lượng cảnh sát đã đột nhập vào phòng và chĩa súng về phía họ. Hóa ra người bạn trai của mẹ ông chính là một tên tội phạm đã trốn thoát khỏi nhà tù. Ông ta đã đánh cắp chiếc xe hơi Bentley, vì thế cảnh sát đã truy lùng đến khách sạn để bắt giữ ông ta.
“Điều trớ trêu là cảnh sát đã phóng thích tôi và cho mẹ tôi cơ hội suy nghĩ đến việc làm lại cuộc đời với một nghề nghiệp chân chính. Nhưng rồi cũng đâu vào đó, bà ấy vẫn tiếp tục diễn lại kịch bản cũ với một lối sống sa đọa. Khả năng là còn tệ hơn trước”, Heath cho biết.
Cuối năm thứ nhất khi ông đang học trung học phổ thông, ông và mẹ lại trải qua một sự việc đau thương khác. Sau buổi cuối tuần đi chơi xa, ông về đến nhà, rèm cửa vừa mở thì điều đầu tiên ông bắt gặp chính là đôi mắt đỏ âu của mẹ. Bà đã kể với ông rằng, người đàn ông mà bà đang quen đã đến đây vào đêm hôm trước và đánh đập bà thậm tệ. Vào đêm hôm sau, ông ta lại trở lại và đập vỡ tất cả các cánh cửa sổ của chiếc xe ô tô họ hay đi.
Đến năm thứ hai tại trường phổ thông, mẹ ông tiếp tục gặp một người đàn ông nữa, nhưng người này có phần tử tế hơn. Ông ta đã chu cấp chi phí sinh hoạt cho 2 đứa con trai mình và cả mẹ con Heath. Khi này bà bắt đầu ở nhà và sống có trách nhiệm hơn. Còn Heath tập trung vào chơi guitar và tham gia vào nhiều môn thể thao khác, bao gồm bóng đá, bóng rổ, bơi lội, bóng chày và cầu lông. Ông cũng thường xuyên đi lễ nhà thờ.
“Cuộc sống những năm sau đó ở trường cấp ba khá ổn định. Tôi có chơi với một nhóm thanh niên trong trường, và điều này cũng giúp tôi có một cuộc sống khá chuẩn mực trong những năm học phổ thông”, Heath chia sẻ.
Bắt đầu với cầu mây và Yo-Yo
Học xong hết cấp ba, Heath bắt đầu nhập ngũ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự xong, ông khởi đầu sự nghiệp trong ngành hàng không vũ trụ. Heath làm việc trong hệ thống định hướng cho Chương trình tên lửa đạn đạo với tư cách là nhà tính toán hệ thống và quản lý nguyên lý chương trình.
Năm 1982, Heath khi đó 22 tuổi, ông cùng anh rể đã tham gia lễ hội ném đĩa và cầu mây (được biết đến với tên gọi là Hacky Sack, là một môn thể thao nổi tiếng có nguồn gốc ở Đông Nam Á). Tình cờ họ được gặp những người sáng lập ra môn thể thao này, và Heath đã may mắn được mời đến thị trấn làm huấn luyện viên cho câu lạc bộ cầu mây. Thời gian sau, ông đã trở thành một huấn luyện viên cầu mây chuyên nghiệp.
Vào cuối những năm 1990, Heath bị sa thải khỏi ngành hàng không vũ trụ.
Trong một ngày nọ, khi ông đang cầu nguyện, bỗng nghe thấy có một giọng nói thì thầm bên tai: “Con sẽ trở thành một nhà truyền giáo cho bọn trẻ và con sẽ phải làm được điều đó”.
Heath lúc đó thực sự không hiểu được những lời này có ý nghĩa gì với ông, cho đến vài năm sau đó, năm 2003, ông đã nhận được một cuộc gọi mời phỏng vấn tại công ty diễn thuyết giáo dục nhân cách cho trẻ em, tặng kèm một hộp yo-yo. Ít lâu sau, ông bắt đầu học các thủ thuật chơi cơ bản để diễn thuyết trong buổi hội thảo giáo dục nhân cách tại các trường học trên cả nước và thế giới.
Được biết những chương trình mà ông tham gia bao gồm buổi diễn thuyết truyền bá Phúc Âm để giáo dục nhân cách trong 45 phút, và thường bắt đầu bằng một câu chuyện dài 12 phút với các thủ thuật chơi yo-yo. Cách kể chuyện lôi cuốn hài hước của ông cùng thông điệp ý nghĩa rằng “bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể trở thành nhà vô địch”, là phần yêu thích nhất của bọn trẻ khi tham gia chương trình.
Mỗi ngày, Heath đều có buổi ghé thăm từ hai đến ba trường. Ông đã có các buổi diễn thuyết ở khắp nơi trên thế giới như Anh, Úc, Tasmania, New Zealand, Canada và 38 tiểu bang ở Hoa Kỳ.
Đối với sự thành công của Heath, sau này vợ ông đã nói cho ông biết rằng, khoảng một tuần trước khi Heath nhận được công việc. Vợ của ông đã cầu nguyện với Chúa, xin Ngài giúp đỡ cho ông tìm được một công việc đặc biệt liên quan đến những chuyến đi, bà tin rằng với những kinh nghiệm từng trải qua trong những năm tháng thời thơ ấu, Heath sẽ làm tốt công việc này. Công việc trước đây của ông trong ngành hàng không vũ trụ cũng khá đặc biệt, những trải nghiệm đó cũng giúp ông tin rằng, ông có thể biến nghịch cảnh mà mình từng trải qua trở thành nguồn động lực, truyền niềm tin cho những đứa trẻ khác.
Tính đến hiện tại, ông đã ghé 450 trường học mỗi năm và diễn thuyết cho hơn 1,6 triệu trẻ em trên toàn thế giới. Một công việc ý nghĩa đầy tính nhân văn. Gần đây, khi các trường học mở lại sau mùa dịch, ông dự định sẽ tiếp tục các buổi biểu diễn của mình.
Một quyết định đúng đắn
Heath hy vọng những đứa trẻ sẽ nhận được những lời khuyên tốt mỗi khi chúng đưa ra lựa chọn trong đời mình. Điều này cũng thôi thúc ông xuất bản ra bộ truyện có tựa đề Kids Kids Ups and Downs Too! (trẻ em cũng trải qua những tháng ngày thăng trầm) – một lối chơi chữ trong yo-yo.
Phần đầu tiên trong truyện kể về thời thơ ấu của Heath, và cách mà ông đưa ra những lựa chọn tích cực trong cuộc đời khi phải đối mặt với những bất hạnh, từ chuyện gia đình, vô gia cư, tệ nạn trong khu phố .v.v, đó là chủ đề xuyên suốt bộ truyện.
“Tôi cảm thấy công việc này chính là sứ mệnh của mình, tôi đến đây để mang thông điệp hy vọng đến với tất cả mọi người. Những điều bất hạnh tôi đã từng trải qua trong suốt thời thơ ấu không hoàn toàn là những điều tồi tệ. Điều đó khiến tôi trở nên mạnh mẽ hơn sau những nỗi đau”, Heath bày tỏ.
Tập thứ hai trong loạt sách “Kids Have Ups and Downs Too!”, tựa mục là “Nhật ký của Bully” lấy bối cảnh nạn bạo lực trong học đường. Nhân vật Heath và nhân vật chính là Booker Weed, kết bạn với một đứa trẻ bị bắt nạt trong trường. Họ đã giúp đỡ đứa trẻ ấy có một cuộc sống lạc quan hơn với những buổi chơi cầu mây cùng với nhau.
Tập tiếp theo trong bộ truyện “Kids Have Ups and Downs Too!” kể về “một chuyến du ngoạn”, sẽ cho ra mắt vào mùa thu này. Nhân vật chính Booker Weed, đã có chuyến hành trình tìm kiếm những hạt giống gieo nhân cách, cậu bé đã ghé thăm các thành phố mang tên Tôn trọng, Quan tâm, Công bằng, Trách nhiệm và Trung thực. Khi bọn trẻ đọc lần lượt từng chương một, chúng sẽ học được bài học ý nghĩa của nhân cách. Khi Booker Weed đi qua thành phố thứ năm, cậu ấy đã học được những điều cần thiết để trở thành một “ngôi sao”.
Mỗi tập truyện đều chừa ra một vài trang trống để những đứa trẻ có thể viết lên những suy nghĩ hay bài học rút ra khi đọc xong câu chuyện.
Heath nói: “Tôi muốn các con tôi hiểu rằng bất kỳ khi nào chúng phải đối mặt với những điều tồi tệ xảy ra trong cuộc đời thì vẫn hãy cứ lạc quan, vượt qua nghịch cảnh và lựa chọn một cuộc sống tích cực”.
An Nhiên (Theo Epoch Times)