Khóa học ‘chống trượt’ đầu ra ngoại ngữ thường kéo dài 6 buổi, các sinh viên sẽ được cung cấp và cho học thuộc một bộ đề thi mà theo thừa nhận, giống từ 70 đến 80% đề thi thực tế. Thậm chí các giảng viên còn cam kết sẽ nhắc bài trong phòng thi.
Để được chứng nhận đạt chuẩn đầu ra môn tiếng Anh theo quy định của Bộ GDĐT, phần lớn sinh viên trường ĐH Công nghiệp đã chọn cách tham gia một khóa đào tạo cấp tốc do chính các giảng viên khoa Ngoại ngữ tổ chức.
Vấn đề ở chỗ, sinh viên nào không tham gia khóa học “chống trượt” trị giá gần 2 triệu đồng/người thì sẽ “auto trượt” – như cách nói của sinh viên, hoặc sẽ “bị chấm theo cách khác” – như thừa nhận của chính các giảng viên.
Theo số liệu thống kê, mỗi năm, trường ĐH Công nghiệp Hà Nội tổ chức khoảng 12 khóa học kiểu “chống trượt” và thu lợi hàng tỉ đồng. Cũng từ đây, theo cách này, hàng chục ngàn sinh viên đã được công nhận đạt trình độ tiếng Anh bậc 3 và “lùa” ra khỏi cánh cổng nhà trường.
Càng lạ lùng hơn khi điểm thi của các thí sinh chỉ được được công khai trên website của khoa Ngoại ngữ vỏn vẹn 2 ngày rồi bị xóa. Sau đó chứng chỉ của ai người nấy cầm, nhưng được xã hội thừa nhận hay không lại là chuyện khác…
Phóng viên Báo Lao Động đã thâm nhập vào lớp học ngoại ngữ của Đại học Công nghiệp và được tai nghe mắt thấy cảnh giáo viên dàn dựng kịch bản đi thi cho sinh viên đóng tiền chống trượt với những ngôn từ xưng hô mà đáng ra không thể có ở môi trường giáo dục. Tất cả đã được phóng viên ghi lại trong clip.
Theo NLĐ