Vào thời kì Đại suy thoái, các công ty sản xuất bột mì đã in họa tiết lên bao vải để các mẹ có thể tái chế thành quần áo đẹp cho trẻ em. Đây quả là một hành động nhân văn thể hiện tấm lòng tương thân tương ái giữa người với người trong những hoàn cảnh khó khăn.
Vào thời kì Đại suy thoái toàn cầu của những năm 1930, người dân phải tìm mọi cách để tiết kiệm chi phí ăn ở. Họ đã phải tận dụng mọi thứ theo mọi cách có thể, vào thời kì đen tối nhất để duy trì cuộc sống. Ngày nay, việc tái chế đồ từ thứ này sang thứ khác có thể là việc tiêu khiển, nhưng ở thời điểm đó, đó là việc phải làm.
Khi người phụ nữ của gia đình muốn chăm sóc cho mọi người, họ phải trổ tài sáng tạo. Khi nhìn thấy những bao vải lớn chứa bột mì, suy nghĩ đầu tiên nảy lên trong đầu họ là “Có thể biến bao vải kia thành những bộ trang phục đẹp, chỉ cần một bàn tay khéo léo”. Họ nhìn vào cái bao đựng bột mì, nhìn xuống tay mình và nhận ra họ có thể làm nên những tuyệt phẩm. Những bộ quần áo mới có thể tới từ những bao vải bỏ đi này.
>>> Công chúa thật, công chúa giả – Số phận bi thảm của giới quý tộc thời mất nước
Các công ty sản xuất bột mì nhận thấy các bà mẹ đang may quần áo cho con bằng chính cái bao họ sản xuất, họ đã quyết định làm nên điều khác biệt. Họ thiết kế lại bao đựng bột mì, khiến nó trở nên đẹp đẽ hơn nhiều với các họa tiết trang trí khác nhau.
Vì các họa tiết trên bao bột mì có rất nhiều màu sắc và kiểu dáng nên hầu như ai cũng có cái để lựa chọn. Đôi khi túi vải còn có mẫu mã đồ chơi cho trẻ em, các mẹ chỉ cần cắt theo hình là sẽ thành búp bê cho bé.
>>> Fort Worth thuê người vô gia cư dọn dẹp thành phố: Cho cần câu chứ không cho cá!
Người ta ước tính rằng trong thời kỳ Đại suy thoái, có đến 3,5 triệu phụ nữ và trẻ em mặc quần áo và sử dụng các vật phẩm làm từ bao đựng bột mì.
Ngày nay, việc mặc trên người một cái bao nghe có vẻ rất kỳ lạ, nhưng đối với hàng triệu người lúc bấy giờ thì đó là cách để sống qua cuộc khủng hoảng vô cùng khắc nghiệt. Mặc dù phải mặc đồ làm từ bao bột mì nhưng trông họ vẫn rất đẹp.
>>> “Lời hứa về cây bút chì”: Câu chuyện người đàn ông từ bỏ danh vọng để thay đổi thế giới
Các mẫu họa tiết rất đa dạng về phong cách, vì các nhà sản xuất cố gắng tạo ra những bao bì có thể phù hợp với mọi người ở mọi lứa tuổi và sở thích khác nhau. Trong đó có nhiều họa tiết rất đáng yêu, và thậm chí ngày nay các nhà thiết kế vải vẫn sử dụng nhiều phong cách họa tiết tương tự thời đó.
Ngoài ra trên bao bì còn in hướng dẫn cách biến bao vải thành nhiều loại mặt hàng hữu ích khác nhau như áo, váy, đầm, tạp dề,….
Những đứa trẻ bạn thấy ở đây đang mặc quần áo làm từ bao bột mì. Nhưng nhờ những họa tiết tươi sáng và kỹ năng may điêu luyện nên hẳn bạn sẽ không bao giờ đoán được.
Và không chỉ may cho trẻ em, phụ nữ cũng tự làm váy cho mình từ bao bột bì. Một số phụ nữ thậm chí còn tận dụng kỹ năng may vá của mình để kiếm thêm tiền bằng cách may váy và các mặt hàng khác cho bạn bè, hàng xóm. Và khi quần áo đã bị cũ, nó sẽ được cắt ra để làm thành những thứ khác, ví dụ như một cái chăn,…
Trên bao bì hẳn phải có nhãn mác của nhà sản xuất. Để khắc phục tình trạng những bộ áo quần, những chiếc váy có cả hình ảnh công ty, các nhà sản xuất đã in chữ lên bao bột mì bằng loại mực khác, có thể dễ dàng tẩy rửa để những bộ trang phục may từ bao vải thêm phần đẹp đẽ. Họ còn in luôn cả hướng dẫn gột sạch mực trên bao vải.
“Ngâm qua đêm với nước lạnh và xà phòng. Sau đó giặt kĩ cho đến khi mực phai ra. Chà xát kĩ và nếu gần, ngâm thêm 10 phút để có lại màu trắng vốn có của vải”.
Vào thời điểm khó khăn nhất này, người dân Mỹ đã chung tay góp sức để có một cuộc sống đẹp hơn. Nếu như vào mọi lúc mọi nơi chứ không chỉ lúc hoạn nạn, con người vẫn có những hành động ý nghĩa giúp đỡ nhau như vậy thì cuộc sống sẽ tuyệt vời hơn biết mấy.
Hồng Liên (t/h)